Blackpink hay BTS? Tại sao các thương hiệu cao cấp phương Tây chọn đại sứ châu Á?

Các thương hiệu cao cấp có xu hướng chọn các nữ diễn viên, ca sĩ Mỹ và châu Âu làm đại sứ toàn cầu của mình để tiếp cận lượng khách hàng tiềm năng lớn nhất. Tuy nhiên, gần đây, xu hướng này thay đổi, các thương hiệu nổi tiếng ký hợp đồng với những người nổi tiếng từ châu Á.
Sputnik

Họ đang cố gắng giành được sự ưu ái của thị trường châu Á hay sự nổi tiếng của những người nổi tiếng châu Á ngày càng tăng lên? Bài viết của Sputnik hôm nay đề cập đến vấn đề này.

Thời trang mới

Một trong những tín hiệu lớn nhất cho sự thay đổi trong thế giới thời trang là hợp đồng của nhóm nhạc K-pop BTS với nhà mốt Louis Vuitton. Các nghệ sĩ BTS sẽ quảng bá quần áo và phụ kiện thương hiệu này trên toàn thế giới với tư cách là đại sứ.

Mùa hè năm ngoái, nữ ca sĩ Rose của nhóm nhạc K-pop Blackpink đã đóng vai trò chính cho chiến dịch quảng cáo của Saint Laurent, và trong năm nay cô là Đại sứ của Tiffany & Co. Những người bạn cùng nhóm Blackpink là Jisoo và Lisa cũng theo gương cô: Jisoo hiện đang dẫn đầu chiến dịch quảng cáo Dior Cruise Collection 2021, còn Lisa thì được chọn làm đại sứ cho Celine.

Tuy các "mỹ nhân búp bê" Hàn Quốc mang lại nhiều lợi nhuận cho các thương hiệu làm đẹp trên thế giới, nhưng không chỉ có người đẹp xứ Hàn mới trở thành đại sứ. Ví dụ, Armani Beauty đã tuyển dụng nam diễn viên kiêm ca sĩ Trung Quốc Dịch Dương Thiên Tỉ (Jackson Yee) làm đại sứ thương hiệu toàn cầu mới cho dòng sản phẩm trang điểm và chăm sóc da của mình, còn người mẫu Nhật Bản Koki gần đây đã trở thành đại sứ của Estée Lauder.

Thế hệ Z có liên quan gì đến chuyện này?

Nhóm BTS có lượng người hâm mộ khổng lồ thế hệ Z. Các nhạc sĩ của BTS đại diện cho sự xa rời các tiêu chuẩn vẻ đẹp truyền thống của Hollywood, việc hợp tác với nhóm nhạc này cho thấy Louis Vuitton có một tầm nhìn mới về tương lai. BTS là thần tượng của giới trẻ không chỉ vì ngoại hình đẹp mà còn vì triết lý sống yêu bản thân và chấp nhận bản thân mà họ đề cao. Điều này rất phù hợp với lối suy nghĩ của thế hệ "Zoomers" (thế hệ Z).

Để hiểu quy mô của thị trường này, chúng ta hãy chuyển sang số liệu thống kê. Theo nghiên cứu mới của Bain & Co, thế hệ Y và Gen Z sẽ chiếm 45% thị trường xa xỉ vào năm 2025. Ngoài ra, theo nghiên cứu của công ty đầu tư L Catteron, tuy một nửa số người thuộc thế hệ Z vẫn đang đi học và có thu nhập hạn chế, họ vẫn chiếm 25% lượng tiêu thụ hàng hiệu mới ở Trung Quốc. Tại Mỹ, sức mua của thế hệ Z vượt quá 500 tỷ USD.

Công nghiệp thời trang đã hơn một lần chứng minh rằng ngành này đang được dẫn dắt bởi thế hệ đương đại. Ví dụ, theo Nielsen, 53% thế hệ Y nói rằng họ thích mua sản phẩm thân thiện môi trường.

Giờ đây, các công ty công khai tuyên bố đường lối hướng tới sản xuất bền vững và cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân viên. Zara và H&M đã không tới Bangladesh tham dự Hội nghị thượng đỉnh hàng may mặc Dhaka 2017 để phản đối điều kiện làm việc được cho là tồi tệ trong ngành công nghiệp may mặc của quốc gia này. Nỗ lực “thả thính” thế hệ trẻ thậm chí còn kéo H&M vào "vụ bê bối bông vải" với Trung Quốc.

Còn có những lý do nào khác?

Một lý do khác dẫn đến sự thay đổi mạnh mẽ trong định hướng sang phương Đông có thể là do chiến dịch #StopAsianHate chống phân biệt đối xử với người châu Á ngày càng lên cao. Khái niệm này cũng rất phù hợp với mong muốn của các thương hiệu Mỹ từ bỏ quảng cáo nhắm vào người châu Âu. Hollywood ngày càng chấp nhận các ngôi sao tài năng châu Á có lẽ cũng góp phần tạo nên hiện tượng mới này.

Tại sao người gốc Á gặp nguy khi sống ở Mỹ? Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đang tăng ở «thế giới tự do» với sắc thái mới

Hành vi của các thương hiệu châu Âu và Mỹ giống động thái chính trị - tìm cách giành được thiện cảm của thị trường châu Á hùng mạnh.

Tất nhiên, chúng ta đang nói về Trung Quốc, nơi mà trường hợp với H&M, Nike và Adidas cho thấy rằng nước này không ngại thực hiện các biện pháp quyết liệt trong trường hợp xảy ra xung đột. Điều đó chứng minh một lần và mãi mãi rằng các thương hiệu này cần người tiêu dùng Trung Quốc, chứ không phải ngược lại.

Theo Bain & Company, năm ngoái thị phần Trung Quốc trên thị trường hàng xa xỉ toàn cầu đã tăng gần gấp đôi, tăng từ 11% trong năm 2019 lên 20% trong năm 2020. Doanh số bán hàng xa xỉ ở Trung Quốc trong năm 2020 đã tăng đến mức đáng kinh ngạc 48% lên khoảng 350 tỷ nhân dân tệ (54 tỷ USD).

Nếu không có khách mua hàng Trung Quốc - nước này chống đại dịch thành công, người dân có thể an toàn đi mua hàng hiệu xa xỉ - thì doanh số bán hàng sẽ giảm mạnh. Vì vậy, không ngạc nhiên khi các thương hiệu lớn của phương Tây ngày nay lại dành sự ưu ái như vậy cho đại diện châu Á.

Thảo luận