Đáng chú ý, Bộ Tài chính Việt Nam cho biết, chỉ “ra quân” một tuần kiểm tra 132 container hàng quá cảnh, Hải quan đã phát hiện đến 91 container chứa hàng vi phạm, đặc biệt, có đến 35 container chứa hàng giả các nhãn hiệu nổi tiếng LV, Gucci, Nike, Adidas…
Container hàng Trung Quốc quá cảnh Việt Nam: Từ hàng giả đến ma túy
Bộ Tài chính Việt Nam vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Phạm Minh Chính phản hồi kiến nghị của doanh nghiệp về tạo thuận lợi cho hoạt động hàng hóa quá cảnh.
Theo Bộ Tài chính, Việt Nam hiện có 129 doanh nghiệp hoạt động quá cảnh hàng hóa từ Trung Quốc đi Lào, Campuchia với hàng chục nghìn container mỗi năm.
Hàng hóa quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam chủ yếu là hàng tiêu dùng thông thường, hàng điện tử, điện lạnh, phụ tùng ôtô, linh kiện điện tử…
Bộ này cho hay, tại cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn và cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, TP.HCM, mỗi ngày trung bình có 100 -150 container hàng bách hóa mở tờ khai theo loại hình quá cảnh xuất sang Campuchia, Lào, chủ yếu qua cửa khẩu đường bộ các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cảnh báo một sự thật đáng báo động rằng, hàng Trung Quốc quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam “đa dạng từ hàng giả đến cả ma túy”.
“Mặc dù mang lại việc làm, thu nhập cho một bộ phận người lao động và doanh thu cho các doanh nghiệp hoạt động logistics, nhưng hoạt động quá cảnh tiềm ẩn nhiều rủi ro về vận chuyển hàng cấm, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ qua lãnh thổ Việt Nam, từ đó thẩm lậu, quay đầu tiêu thụ ở thị trường trong nước”, Bộ Tài chính nêu rõ.
Bộ Tài chính dẫn ra vụ việc 2 container hàng hóa thuộc loại hình quá cảnh vừa được Công an tỉnh Lạng Sơn kiểm tra, phát hiện và thu giữ 7,5 tấn tiền chất ma túy, kiểm tra lô hàng quá cảnh của Công ty cổ phần vận tải Quốc tế KA đứng tên trên tờ khai, bắt giữ 15,8kg ma túy đá.
Hàng trăm container mượn đường Việt Nam đi Lào, Campuchia
Trong khi đó, theo số liệu của Hiệp hội Kinh doanh hàng hóa quá cảnh Việt Nam - ASEAN tỉnh Lạng Sơn, kể từ tháng 7/2018, cơ quan hải quan tiến hành kiểm tra tất cả lô hàng quá cảnh.
Hiệp hội này cho rằng, điều bất thường là việc kiểm tra được tiến hành ngay sau khi doanh nghiệp quá cảnh vừa nhận hàng từ phương tiện vận tải của chủ hàng nước ngoài chuyển qua, nằm trong khu vực giám sát của hải quan cửa khẩu, có sự chứng kiến, giám sát của cán bộ hải quan, được kẹp chì niêm phong.
Theo đại diện Hiệp hội, trên thực tế có container bị phát hiện vi phạm nhưng cũng có nhiều container không phát hiện vi phạm. Đa phần các vi phạm chủ yếu là không khai tên hàng hóa, số lượng hàng hóa quá cảnh và quá cảnh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.
Do đó, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ cho phép hàng hóa quá cảnh còn nguyên niêm phong hải quan được miễn kiểm tra thực tế, chỉ kiểm tra nếu có bằng chứng rõ ràng về việc hàng hóa quá cảnh có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan.
Tuy nhiên, có thể thấy, thực trạng được Bộ Tài chính nêu ra chỉ ra một mối lo khác đối với vấn đề kiểm soát hàng hóa quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam.
Qua điều tra thực tế, cơ quan hải quan của Việt Nam cũng nhận thấy tình trạng hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng cấm đang được bày bán công khai, tràn lan trên thị trường hiện nay có một phần nguyên do là thẩm lậu từ hoạt động quá cảnh.
Hàng quá cảnh vi phạm chiếm 75,8%, Tổng cục Hải quan kiểm tra là đúng
Kể từ tháng 4/2020, Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan đã nhận chỉ đạo yêu cầu xây dựng kế hoạch kiểm soát hàng hóa quá cảnh có dấu hiệu vi phạm về hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ từ nước ngoài vào Việt Nam sang Lào, Campuchia và ngược lại.
Lực lượng Hải quan đã tiến hành kiểm tra 4/129 doanh nghiệp, gồm Công ty TNHH Thương mại Sơn Hà, Công ty TNHH MTV Bách Việt Lạng Sơn, Công ty TNHH Kinh doanh và dịch vụ XNK, Công ty CP Vận tải xuyên quốc gia.
Theo Bộ Tài chính, từ ngày 13/7/2020 đến ngày 21/7/2020, có 132 container trong tổng số 647 container (tỷ lệ 20%) được kiểm tra.
Trong số đó, các cơ quan hải quan phát hiện 91/132 container vi phạm (tỷ lệ 75,8%), trong đó có 35 container chứa hàng giả của các nhãn hiệu nổi tiếng, 56 container hàng hóa không khai báo, sai khai báo.
“Tỷ lệ kiểm tra trọng điểm chỉ chiếm 20% mà tỷ lệ hàng hóa vi phạm chiếm 75,8%, trong đó tỷ lệ vi phạm về hàng giả chiếm 38,5%”, Tổng cục Hải quan lưu ý.
Đáng chú ý, có 4 công ty mà cơ quan hải quan kiểm tra từ năm 2017 đến 2019 liên tục vi phạm hơn 10 lần và đã bị xử lý hành vi vi phạm pháp luật hải quan, hàng giả.
“Như vậy theo tỷ lệ kiểm tra nêu trên, việc kiểm tra của Tổng cục Hải quan là đúng quy định pháp luật, không phải kiểm tra tràn lan”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm lại không dễ. Đối với các lô hàng vi phạm, cơ quan hải quan đã tiến hành xử lý và tham mưu cho cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Nhưng đến nay, một số doanh nghiệp chưa chấp hành quyết định xử lý vi phạm và có đơn khiếu nại với lý do: Cơ quan hải quan xử lý vi phạm không đúng đối tượng. Đối tượng phải xử lý trong trường hợp này là chủ hàng hóa quá cảnh chứ không phải doanh nghiệp làm dịch vụ quá cảnh.
Mặt khác, tại một số địa bàn, việc kiểm tra thực tế hàng hóa lại khó khăn. Hàng hóa đều đóng trong container được gắn niêm phong của hãng vận tải, đa số quá cảnh nguyên container, một số ít sang tải tại bãi. Do vậy, việc xác định dấu hiệu vi phạm để chuyển luồng kiểm tra thực tế là rất khó.
Các trường hợp chuyển luồng thủ công kiểm tra thực tế hàng hóa quá cảnh thời gian qua đều dẫn đến phản ứng của doanh nghiệp và ách tắc tại cửa khẩu.
Bộ Tài chính đề xuất giải pháp ngăn chặn buôn lậu
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, không ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và ngăn chặn buôn lậu, Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tập trung đánh giá rủi ro hàng vi phạm theo một số tiêu chí như tuyến đường bộ từ Trung Quốc đi Campuchia, cụ thể là cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn đi Campuchia, tập trung vào nhóm hàng bách hóa.
Bộ cũng chỉ đạo Tổng cục Hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa, khám xét đối với các container, phương tiện vận chuyển hàng hóa quá cảnh có dấu hiệu vận chuyển hàng cấm, không đi đúng tuyến đường và thời gian quy định.
Cùng với đó, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Hải quan ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng trang thiết bị hiện đại, đánh giá rủi ro để hệ thống tự động phân luồng đỏ đối với các lô hàng, doanh nghiệp có độ rủi ro cao, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tránh việc phải chuyển luồng thủ công như thời gian qua dẫn đến phản ứng của doanh nghiệp.
Đồng thời, VNN dẫn nguồn tin của Bộ Tài chính cho biết, sẽ triển khai gắn seal định vị điện tử đối với tất cả các container hàng hóa quá cảnh từ cửa khẩu đầu tiên đến cửa khẩu cuối cùng.
Đối với trường hợp container xếp chồng khít, nhiều tầng, nhiều lớp trên phương tiện để vận chuyển từ nước ngoài vào Việt Nam và ngược lại bằng đường thủy nội địa thì gắn seal định vị lên phương tiện vận tải để phục vụ công tác giám sát.
Bộ Tài chính khẳng định sẽ tham mưu sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành điều chỉnh hoạt động quá cảnh lãnh thổ Việt Nam theo hướng quy định rõ trách nhiệm của người thực hiện dịch vụ quá cảnh và chủ hàng hóa quá cảnh để giải quyết các vướng mắc hiện nay.