Lộ diện nhân viên làm lộ sao kê tài khoản Hoài Linh, bị MB Bank xử lý kỉ luật cao nhất

HÀ NỘI (Sputnik) - Ngân hàng MB Bank cho biết đã tìm ra nhân viên để lộ sao kê tài khoản của khách hàng. Ngân hàng đã đình chỉ công tác người này và sẽ kỷ luật với hình thức cao nhất, đồng thời chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý.
Sputnik

Số tiền 700 triệu "đầy ẩn số"

Tối 27/5, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank) cho biết đơn vị đã tìm ra người để lộ sao kê tài khoản của khách hàng, đó là một cá nhân làm việc tại đây. Ngân hàng đã đình chỉ công tác người này và sẽ kỷ luật với hình thức cao nhất, đồng thời chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý. Theo dõi sự việc, nhiều người thắc mắc với hành vi vi phạm này, nhân viên MB Bank sẽ bị xử lý ra sao theo quy định của pháp luật?

Thấy gì qua việc Ngân hàng Quân đội điều tra sao kê tài khoản ngân hàng của Hoài Linh?

Trước hết, để đưa ra phương án xử lý phù hợp, cần đánh giá rõ động cơ thực hiện cũng như hậu quả mà hành vi vi phạm mang lại. Theo Điều 10, Nghị định 117/2018/NĐ-CP của Chính phủ, chỉ một số cá nhân có thẩm quyền ký văn bản yêu cầu cung cấp thông tin của khách hàng. Đối chiếu về chức vụ, nhân viên ngân hàng không thuộc nhóm này, chính vì thế người này sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Trích dẫn Điều 21, Nghị định 88/2019/NĐ-CP của Chính phủ, với hành vi cung cấp, sao chép sản phẩm thông tin tín dụng để cung cấp cho bên thứ ba không đúng quy định của pháp luật, cán bộ ngân hàng có thể bị phạt tiền 10-20 triệu đồng.

Ngoài ra, nếu cơ quan điều tra xác định động cơ thực hiện hành vi là để thu lợi bất chính, gây thiệt hại về tài sản hoặc gây dư luận xấu nhằm làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, người này có thể bị xử lý hình sự theo Điều 288 Bộ luật hình sự 2015 về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông.

Tùy thuộc số tiền thu lợi bất chính, số tiền gây thiệt hại hoặc hậu quả khác do hành vi gây ra, mức án tối đa người vi phạm phải đối mặt là 7 năm tù.

Tuy nhiên, phía ngân hàng MB Bank đã xác nhận việc lộ giao dịch trên mạng xã hội cũng đồng nghĩa với việc hình ảnh sao kê giao dịch là hoàn toàn chính xác. Trong hình ảnh đã rò rỉ, ngoài những thông báo nhận tiền, còn có các khoản chuyển đi không rõ ràng, đặc biệt còn có khoản tiền rất lớn là 700 triệu đồng với thông tin giao dịch "cậu Linh chuyển tiền".

Vậy khoản tiền 700 triệu này nghệ sĩ chuyển cho ai - nhằm mục đích gì, vẫn còn là "một ẩn số".

Trước đó, đại diện MB cũng đã lên tiếng về vụ việc:

“Trên tinh thần thượng tôn pháp luật, MB cam kết sẽ có các biện pháp nghiêm khắc đảm bảo tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ thông tin của khách hàng. Ngân hàng sẽ có biện pháp kỷ luật thỏa đáng cá nhân để lộ/lọt thông tin, không tuân thủ quy định đạo đức nghề nghiệp, không tuân thủ quy định của Pháp luật, quy định của ngân hàng”.

Đồng thời khẳng định: Sự việc lộ thông tin trên không do hệ thống công nghệ thông tin của ngân hàng bị sự cố hay bị tin tặc (hacker) tấn công. Hệ thống công nghệ thông tin của ngân hàng được xây dựng dựa trên những nền tảng công nghệ và bảo mật tiên tiến nhất thế giới hiện nay, tỷ lệ giao dịch online của ngân hàng đạt 90% với hàng 100 triệu giao dịch an toàn.

Giữ hơn 13 tỷ đồng tiền từ thiện, Hoài Linh có vi phạm luật?

Những ngày qua, câu chuyện nghệ sĩ Hoài Linh kêu gọi được hơn 13 tỷ đồng ủng hộ miền Trung nhưng giữ lại ở tài khoản trong 6 tháng mà không giải ngân, thực hiện công việc thiện nguyện khiến dư luận đặt ra nhiều thắc mắc. Liệu Pháp luật hiện hành có quy định nào về việc cá nhân vận động tiền từ thiện? Hay các nhà hảo tâm được giữ tiền trong bao lâu trước khi thực hiện công việc từ thiện?

Nghệ sĩ làm từ thiện: "Đừng để con sâu làm rầu nồi canh"

Các chuyên gia luật đã phân tích về sự việc Hoài Linh giữ hơn 13 tỷ đồng dưới danh nghĩa tiền ủng hộ đồng bào miền Trung từ tháng 11/2020 cho đến nay. Dẫn Nghị định 64/2008 của Chính phủ, luật sư phân tích cá nhân không được vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng.

Căn cứ nghị định trên thì việc vận động của Hoài Linh là không đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế rất nhiều cá nhân đã đứng ra kêu gọi, tiếp nhận và quản lý tiền hay vật chất khác để phục vụ các kế hoạch từ thiện. Đối với việc Hoài Linh giữ tiền trong vòng 6 tháng, rất khó có thể xử lý do còn nhiều bất cập, bởi Pháp luật hiện hành cũng chưa có chế tài cụ thể quy định việc xử lý hành vi này.

Theo dõi vụ việc, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết xét trên góc độ pháp luật, việc Hoài Linh chậm chuyển số tiền ủng hộ đến người dân miền Trung không có vi phạm nghiêm trọng, không thay đổi bản chất của hoạt động từ thiện.

Tuy nhiên, đứng trên góc độ tâm lý của người chuyển tiền, muốn số tiền đến ngay lập tức với đồng bào đang hoạn nạn để giúp họ giải quyết ngay được khó khăn, thì thời hạn giữ tiền trong 6 tháng mà chưa trao tay, là khoảng thời gian quá lâu. Điều này ảnh hưởng đến ý nghĩa, mục đích của hoạt động ủng hộ, cứu trợ.

Còn Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật Chính pháp) phân tích việc Hoài Linh nhận tiền từ thiện của các nhà hảo tâm là quan hệ dân sự. Nghệ sĩ Hoài Linh trong trường hợp này chỉ là người đại diện theo ủy quyền để hoạt động thiện nguyện. Theo Điều 360 Bộ luật dân sự, nếu trong trường hợp việc chuyển tiền không kịp thời, gây thiệt hại cho đồng bào miền Trung thì nghệ sĩ Hoài Linh phải bồi thường thiệt hại.

 Trên tài khoản Facebook cá nhân của "mạnh thường quân" Đoàn Ngọc Hải cũng lên tiếng về vụ việc. Theo ông Hải, hành động của Hoài Linh "chưa cấu thành tội phạm vì chưa được các cơ quan chức năng kết luận". Ông cũng khuyên người hâm mộ nên "Từ bi hỷ xả" với nghệ sĩ Hoài Linh:

"Bởi vì anh ấy là một diễn viên hài, anh ấy luôn bay bổng và luôn nghĩ mọi chuyện đơn giản".
Thảo luận