Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc: Điểm sáng của Việt Nam trong đối ngoại quốc phòng

HÀ NỘI (Sputnik) - Hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc bắt đầu từ năm 1948 dưới hình thức các phái bộ nhằm đảm bảo hòa bình tại các khu vực có xung đột đã chấm dứt hoặc đã có thỏa thuận hòa bình. Việt Nam là một trong 125 quốc gia đang đóng góp lực lượng cho các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Sputnik

Nhân Ngày Quốc tế lực lượng GGHB LHQ (29/5), Sputnik xin gửi tới quý vị và các bạn bài phỏng vấn với Cục Gìn giữ Hòa Bình Việt Nam (Cục GGHB VN), Bộ Quốc phòng về những thành tích nổi bật của lực lượng gìn giữ hòa bình (GGHB) của Việt Nam tại Liên hợp quốc.

Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc: Điểm sáng của Việt Nam trong đối ngoại quốc phòng

Sputnik: Cảm ơn Cục Gìn giữ Hòa Bình Việt Nam nhận lời phỏng vấn của Sputnik. Xin Cục cho biết những thành tích nổi bật của Việt Nam trong tham gia hoạt động GGHB LHQ từ 2014 đến nay?

Cục GGHB VN: Từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã cử 55 lượt sĩ quan triển khai theo hình thức cá nhân và 189 cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế tham gia trong đội hình Bệnh viện dã chiến cấp 2, trong đó có 3 sĩ quan ứng thi và xuất sắc trúng tuyển vào làm việc tại trụ sở LHQ, 01 sĩ quan trúng tuyển vào làm việc tại Sở chỉ huy (SCH) phái bộ Cộng hòa Trung Phi. Đây là một bước tiến quan trọng khi lần đầu tiên Việt Nam có sĩ quan làm việc tại trụ sở LHQ và SCH phái bộ, trực tiếp tham gia vào công tác nghiên cứu, tham mưu, xây dựng kế hoạch hoạt động tại các phái bộ GGHB LHQ... Mặc dù tham gia chưa lâu vào hoạt động GGHB LHQ, Việt Nam đã có 3 sĩ quan làm việc tại trụ sở LHQ, điều đó khẳng định Việt Nam có trách nhiệm ngày càng cao với vai trò thành viên LHQ, đóng góp ngày càng thiết thực và hiệu quả cho hoạt động này. Điều này cũng cho thấy, Việt Nam đã thực hiện đúng cam kết đóng góp nhân sự có chất lượng tham gia sứ mệnh GGHB LHQ.

Hành trình 7 năm "để màu cờ Việt Nam phủ rộng trên bản đồ gìn giữ hòa bình"

Đối với các sĩ quan làm nhiệm vụ cá nhân, tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại các Phái bộ GGHB LHQ là 1 – 2 %. Tuy nhiên, các sĩ quan Việt Nam đạt đến trên 20% tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Các Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam cũng nhiều lần được Liên hợp quốc và Chỉ huy Phái bộ Nam Xu-đăng gửi thư khen, thư cảm ơn, đồng thời các nhân viên LHQ và người dân tại Bentiu, Nam Xu-đăng cũng rất tin tưởng vào trình độ chuyên môn của các y, bác sĩ Việt Nam và coi đây là một địa chỉ uy tín để khám, chữa bệnh. Tại một cuộc gặp cấp cao ở Thái Lan với lãnh đạo Việt Nam, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã đánh giá cao trình độ và khả năng của lực lượng mũ nồi xanh Việt Nam triển khai tới các phái bộ, cũng như sự tham gia hiệu quả của Việt Nam vào hoạt động GGHB LHQ, mong muốn Việt Nam đóng góp tích cực hơn nữa vào nỗ lực chung này.

Ngoài ra, Việt Nam đã ký bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng song phương trong lĩnh vực GGHB LHQ với 9 quốc gia, 1 bản ghi nhớ với LHQ và 1 bản ghi nhớ với Liên minh châu Âu. Đây là những văn bản quan trọng, khẳng định cam kết tiếp tục duy trì và thúc đẩy mạnh mẽ tham gia hoạt động GGHB LHQ của Việt Nam.

Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc: Điểm sáng của Việt Nam trong đối ngoại quốc phòng

Sputnik: Vậy Việt Nam đã xây dựng khung pháp lý như thế nào để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của lực lượng GGHB LHQ?

Cục GGHB VN: Bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 để tạo hành lang pháp lý cho việc tham gia lực lượng GGHB LHQ, ngày 13/11/2020, Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết của Quốc hội về Việt Nam tham gia lực lượng GGHB LHQ, với 100% đại biểu dự hội nghị bỏ phiếu tán thành. 

Nghị quyết được xây dựng nhằm tạo khung pháp lý về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc để triển khai lực lượng tham gia theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ huy, điều hành, thực hiện nhiệm vụ; đảm bảo hợp lý chế độ chính sách; chuẩn hóa quy trình, thủ tục pháp lý trong việc chuẩn bị lực lượng, phương tiện, triển khai, điều chỉnh, rút lực lượng và xử lý những vấn đề phát sinh tại địa bàn.

Quan điểm xây dựng Nghị quyết là: Quán triệt đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế đất nước; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế; phù hợp với quy định của Hiến chương Liên hợp quốc, các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Đồng thời phải bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, sự thống nhất của Nghị quyết với hệ thống pháp luật Việt Nam; bảo đảm tính khả thi của Nghị quyết, phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam; bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước về việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc: Điểm sáng của Việt Nam trong đối ngoại quốc phòng

Sputnik: Xin Cục cho biết phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” đã được phát huy như thế nào trong tham gia hoạt động GGHB LHQ?

Cục GGHB VN: Hình ảnh những “sứ giả hòa bình” của Việt Nam đang hoạt động trong phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại CH Trung Phi, Nam Xu-đăng và trụ sở Liên hợp quốc đã làm cho phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” với những giá trị vốn có được phát triển, nâng lên tầm quốc tế, phản ánh tinh hoa văn hóa, truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam và Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. 

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trong Phái bộ, dù ở bất kỳ cương vị, hoàn cảnh, lĩnh vực công tác nào, lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Quân đội nhân dân Việt Nam luôn khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, trách nhiệm, năng lực chuyên môn, không dao động trước những khó khăn, thách thức; tạo được niềm tin, sự đồng tình, ủng hộ của phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế.

Việt Nam tham gia lực lượng “mũ nồi xanh”: Bảo vệ tổ quốc từ xa

Ngoài thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, trong điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, rau xanh khan hiếm, để bảo đảm nguồn thực phẩm cho bữa ăn hằng ngày, các chiến sĩ “mũ nồi xanh” của Việt Nam đã mang theo hạt giống, trồng nhiều loại rau cải thiện đời sống. Vượt qua trở ngại về ngoại ngữ, phong tục, tập quán địa phương, các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc tích cực tham gia các hoạt động với nhân dân nước sở tại và bạn bè quốc tế bằng nhiều hình thức thiết thực như: tổ chức dạy học cho các em nhỏ người bản địa, dạy người dân trồng rau xanh; tổ chức các hoạt động thiện nguyện, văn hóa, văn nghệ; hướng dẫn người dân bản địa nấu các món ăn Việt Nam, đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, một nữ sĩ quan của Việt Nam đã may hàng trăm chiếc khẩu trang tặng đồng nghiệp và người dân tại Phái bộ CH Trung Phi. Những hình ảnh đó đã góp phần tuyên truyền, giới thiệu với bạn bè quốc tế và chính quyền, nhân dân nơi đây về đất nước, con người Việt Nam; lịch sử truyền thống hào hùng của dân tộc, Quân đội nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Thực tiễn cho thấy, càng trong những hoàn cảnh khó khăn, gian khổ, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” càng tỏa sáng, có sức thuyết phục đối với nhân dân và bạn bè quốc tế về Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc: Điểm sáng của Việt Nam trong đối ngoại quốc phòng

Sputnik: Được Liên hợp quốc đánh giá cao trong các hoạt động, vậy Việt Nam đáp ứng tỷ lệ nữ quân nhân tham gia hoạt động GGHB LHQ như thế nào?

Cục GGHB VN:Việt Nam là một trong ít nước có nữ quân nhân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ. Đã có 4 nữ quân nhân làm sĩ quan tham mưu tác chiến, huấn luyện và quan sát viên quân sự; 34 nữ bác sĩ, y tá trong 3 đội hình Bệnh viện dã chiến cấp 2. Đối với hình thức cá nhân, Việt Nam hiện có 2/12 các sĩ quan là nữ, chiếm tỷ lệ gần 17%, cao hơn so với yêu cầu của LHQ. Đối với hình thức đơn vị, hiện nay Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 của Việt Nam cũng có 14/63 quân nhân là các nữ chiến sĩ, chiếm tỷ lệ hơn 22%, cao hơn rất nhiều so với mong muốn của LHQ. Trong thời gian tới, Đội Công binh GGHB LHQ của Việt Nam dự kiến sẽ có khoảng 31/290 quân quân là các nữ chiến sĩ,  chiếm gần 11%, đáp ứng được các yêu cầu về tỷ lệ nữ tham gia hoạt động GGHB LHQ.

Đặc biệt, Việt Nam đã mang đến một cách tiếp cận rất mới: Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ không chỉ đơn thuần hoàn thành sứ mệnh gìn giữ hòa bình mà còn là các "sứ giả" của tình hữu nghị, gần gũi, gắn bó với người dân bản địa, giúp đỡ cộng đồng dân cư ở địa bàn. Những nữ sĩ quan, nữ quân y Việt Nam - những người lính "Bộ đội Cụ Hồ" tận tụy hết lòng chăm sóc người bệnh, hướng dẫn người dân trồng rau xanh, may và phát khẩu trang phòng chống Covid-19, tặng quà cho các em nhỏ, hướng dẫn phụ nữ và trẻ em những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Những hình ảnh đó làm cho người dân các nước thêm hiểu và thêm yêu mến Việt Nam.

Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc: Điểm sáng của Việt Nam trong đối ngoại quốc phòng

Sputnik: Nhằm phát huy những kết quả đạt được, xin Cục cho biết phương hướng hoạt động của Cục GGHB Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt là trong tình hình Covid-19?

Cục GGHB VN: Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay, điều quan trọng nhất là phải bảo đảm an toàn cho toàn bộ lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ đặc biệt là tại Phái bộ Nam Xu-đăng, nơi có những y, bác sĩ của Việt Nam trong đội hình Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3, những người có nguy cơ cao phải tiếp xúc với những nhân viên LHQ nhiễm Covid-19 đến chữa trị tại bệnh viện.

Nam Sudan đánh giá cao hoạt động chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam

Thời gian tới, cơ quan sẽ tiếp tục tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc tham gia hoạt động GGHB LHQ; tiếp tục xây dựng lực lượng GGHB LHQ của Việt Nam ngày càng lớn mạnh, xây dựng Cục GGHB Việt Nam trở thành trung tâm điều phối quốc gia về tham gia hoạt động GGHB LHQ của Việt Nam và đồng thời trở thành Trung tâm nâng cao năng lực GGHB LHQ của khu vực và trên thế giới; nghiên cứu khả năng mở rộng phạm vi, quy mô, lĩnh vực, lực lượng triển khai tham gia hoạt động tại các địa bàn phái bộ.

Sputnik: Xin chân thành cảm ơn Cục Gìn giữ Hoà bình Việt Nam.

Thảo luận