Đã tiêm vaccine cho hơn 3.000 công nhân tại Bắc Giang
Theo bản tin 6h ngày 31/5, Bộ Y tế ghi nhận thêm ca mắc Covid-19 tại Bắc Giang (43), Hà Nội (15), Lạng Sơn (3). Các bệnh nhân mới có mã số từ BN7108 đến BN7168.
- Tại tỉnh Bắc Giang, những người vừa được xác định mắc Covid-19 đều trong khu cách ly, vùng phong tỏa, liên quan công nhân làm tại các khu công nghiệp.
- Ba bệnh nhân mới ở Lạng Sơn gồm một người là công nhân liên quan khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang), một người là F1, một ca liên quan ổ dịch huyện Hữu Lũng. Hiện các bệnh nhân được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Hữu Lũng.
- Hà Nội ghi nhận thêm 15 bệnh nhân đều thuộc diện F1, đã được cách ly tập trung.
- Từ 27/5 đến tối 30/5, TP.HCM ghi nhận 142 ca nhiễm nCoV liên quan đến ổ dịch Hội thánh truyền giáo Phục Hưng. Một số ổ dịch khác diễn biến phức tạp khiến TP.HCM phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 từ 0h ngày 31/5.
- Ngày 30/5, Bắc Giang đã triển khai tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho 3.791 người là công nhân tại các khu công nghiệp. Như vậy, sau 4 ngày triển khai, tỉnh đã tiêm chủng cho 5.566 công nhân trên địa bàn.
Tính từ ngày 27/4 đến nay, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 4.095 bệnh nhân Covid-19. Về tình hình điều trị, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), cho biết trong đợt dịch đang bùng phát, Việt Nam có số lượng bệnh nhân diễn biến nặng cao nhất từ trước đến nay. Lý do là số lượng bệnh nhân mắc Covid-19 được ghi nhận nhiều hơn.
Đặc biệt, trong đợt dịch này, Việt Nam đã có nhiều bệnh nhân trẻ tuổi, không có bệnh nền diễn biến nặng, thậm chí có trường hợp đã tử vong. Lý do quan trọng là bão cytokine gây phản ứng viêm quá mức. Chuyên gia này cho rằng nhóm tuổi nào mắc Covid-19 cũng có thể tiến triển nặng. Vì vậy, người dân không được chủ quan trong việc phòng ngừa lây nhiễm Covid-19.
'Đã đến lúc thay đổi chính sách chống dịch'
Ngoài Bắc Giang và Bắc Ninh, hai thành phố lớn của cả nước là TP.HCM và Hà Nội cũng ghi nhận số ca mắc Covid-19 lớn, đặc biệt là TP.HCM. Với phương châm chống dịch ngày càng mạnh mẽ, quyết liệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần quán triệt “huy động mọi nguồn lực để mua vaccine”.
Đặc biệt, ông đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phó thủ tướng trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Trong đó, theo sự phân công của người đứng đầu Chính phủ:
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp làm Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia, chỉ đạo chung trên "mặt trận" chống dịch Covid-19.
- Ở “mặt trận” TP.HCM, Thủ tướng đề nghị Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình ngoài công việc được phân công sẽ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo nhiệm vụ chống dịch cùng với các lãnh đạo của thành phố.
- Đối với Bắc Ninh, Bắc Giang là những địa bàn công nghiệp, sản xuất công nghiệp, tổ chức sản xuất liên quan đến công thương, Thủ tướng giao Phó thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp chỉ đạo công việc phòng, chống dịch, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh tại hai địa phương.
- Ở Hà Nội, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng trực tiếp chỉ đạo; các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với thành phố trong công tác phòng, chống dịch.
- Với những vấn đề lớn, phức tạp, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó thủ tướng Lê Văn Thành sẽ trao đổi, thống nhất với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam.
Trước tình hình dịch Covid-19, cũng như chính sách, chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ trong phòng, chống dịch, nhiều Đại biểu Quốc hội đã lên tiếng về phương tích chống dịch của Việt Nam, nên giữ lại chính sách nào, thay đổi ra sao.
Cụ thể, TS Nguyễn Sỹ Dũng (nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) nhận định việc phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng cho thấy chỉ đạo thiết thực và quyết liệt của Thủ tướng. Ông cho biết đây là cách để cụ thể hóa chỉ đạo phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân mà Thủ tướng nhiều lần đề cập, ông Dũng nêu quan điểm:
“Mặt trận nhiều thì phải điều nhiều tướng, vì một tướng không thể chỉ đạo hết được. Tình hình bây giờ đã khác vì dịch nguy hiểm và lây lan rộng”.
TS Nguyễn Sỹ Dũng đánh giá định hướng của Thủ tướng về chiến dịch chống Covid-19 là rất đúng đắn, ở tầm chiến lược, đặc biệt và về vấn đề vaccine:
“Trọng tâm rõ ràng phải là vaccine, tiêm chủng để tạo miễn dịch cộng đồng, không thể cứ truy vết, khoanh vùng mãi được. Hơn 1,5 năm vừa qua cứ liên tục như vậy nhưng đến bây giờ thì không thể kéo dài vô tận”.
Từ kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới, ông Dũng cho rằng “tiêm chủng sẽ tạo nên sự khác biệt”. Trong chiến lược này, định hướng “xã hội hóa” Thủ tướng đề cập cũng rất đúng đắn khi Nhà nước không có đủ nguồn lực. Theo TS Nguyễn Sỹ Dũng, phải huy động nguồn lực của xã hội vì nếu không có tiền mua vaccine để tiêm chủng rộng rãi sẽ không tạo được miễn dịch cộng đồng, khi đó, không thể đưa cuộc sống trở lại bình thường cũng như khôi phục, phát triển kinh tế.
Ông Dũng đánh giá “huy động nguồn lực xã hội trong mua vaccine và tiêm diện rộng” là “đột phá chiến lược” trong phòng, chống dịch. Việc thực hiện chủ trương này cũng sẽ đạt được hai mục đích. Một là có thêm nguồn lực chống dịch, hai là tạo sự gắn kết và nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội, tạo nên sự đồng hành của toàn xã hội trong cuộc chiến này.
Theo ông Dũng, giải pháp truy vết, phong tỏa, cách ly trong các đợt dịch trước, theo ông, đã phát huy hiệu quả nhưng không giải quyết được triệt để vì “không thể be bờ trong khi xung quanh vẫn ngập lụt”. Từ đó, ông khẳng định đã đến lúc chín muồi để thay đổi chính sách chống dịch.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: "Không thể chạy theo truy vết, khoanh vùng mãi"
Ủng hộ chiến lược chống dịch giai đoạn này, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Phó trưởng ban Dân nguyện), cho rằng việc phân công mỗi phó thủ tướng làm tư lệnh ở một “mặt trận” cho thấy rõ trách nhiệm trực tiếp của Thường trực Chính phủ. Các phó thủ tướng sẽ đại diện cho Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo quyết sách chống dịch ở từng địa bàn. Ông Nhưỡng nói và nhấn mạnh việc này cũng giúp nâng cao trách nhiệm cụ thể của các lãnh đạo trong công việc:
“Thủ tướng cũng đã căn cứ vào tính chất công việc và đặc điểm tình hình của từng địa phương để phân công phó thủ tướng chỉ đạo cho phù hợp, đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả”.
Nhấn mạnh đây là cách chỉ đạo khác so với giai đoạn trước, ông Nhưỡng nhận định việc này tránh tình trạng có vi phạm sẽ khó kiểm điểm trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch. Khi ví chống dịch giống như ra trận, ông Nhưỡng cho rằng chiến lược chống dịch của Việt Nam đã đến lúc thay đổi, không thể đơn thuần chạy theo kiểu chống dịch “thủ công” là truy vết, khoanh vùng, cách ly, giãn cách. Ông Nhưỡng phân tích:
“Cách làm đó phù hợp, hiệu quả khi dịch ở quy mô nhỏ, còn hiện nay dịch đã vào thời kỳ mới, biến chủng virus mới rất mạnh, mức độ nguy hiểm cao hơn, lây lan diện rộng, ảnh hưởng trực tiếp khi đi vào khu kinh tế, khu công nghiệp. Vì thế, chúng ta không thể chống dịch theo cách như như trước đây vì không đủ khả năng”.
Theo ông, chiến lược chống dịch bây giờ phải bằng vaccine, không chỉ do Nhà nước lo mà phải xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực xã hội, huy động người dân, doanh nghiệp cùng tham gia chống dịch. Ông Nhưỡng nói và đánh giá đây là một bài toán khó, một áp lực lớn với Chính phủ nói chung và người đứng đầu Chính phủ nói riêng.
“Chỉ khi tiêm vaccine cho 70% dân số để tạo được miễn dịch cộng đồng, lúc đó nền kinh tế mới có thể phục hồi trở lại, xã hội mới yên ổn cả về mặt tâm lý và thực tiễn. Mãi loay hoay chống dịch thì không thể phát triển kinh tế".