Tại sao lại ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân ở Bắc Giang, Bắc Ninh?
Sau hơn 1 tháng bùng phát, đợt dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm, đặc biệt là những cụm dịch ở các khu công nghiệp lớn. Ngoài việc khoanh vùng, truy vết những nơi có dịch thì vaccine đang là giải pháp tối ưu để đạt được miễn dịch cộng đồng.
Về vấn đề này,PGS.TS Trần Đắc Phu, Phó chủ tịch Hội đồng cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc (Bộ Y tế), cho biết việc ưu tiên vaccine Covid-19 để tiêm cho công nhân ở Bắc Giang, Bắc Ninh vừa có ý nghĩa chống dịch vừa không làm ngắt quãng sản xuất. Theo ông, biện pháp này nên được triển khai ở các tỉnh, thành khác, nhất là những thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội.
Trước tiên, giải thích về nguyên nhân ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân tại các khu công nghiệp ở Bắc Giang và Bắc Ninh - những nơi có khả năng lây nhiễm cao, Phó giáo sư Phu cho biết:
"Bắc Giang và Bắc Ninh có khu công nghiệp lớn, việc ngừng sản xuất không chỉ ảnh hưởng 2 tỉnh này mà còn tác động tới kinh tế cả nước. Đặc biệt, tại đây có những dây chuyền sản xuất không thể ngừng".
Ông nếu ra nguyên tắc quan trọng là đối tượng có nguy cơ cao tiêm trước, nguy cơ thấp tiêm sau; vùng có dịch tiêm trước. Cụ thể, công nhân là những người đang lao động, sản xuất. Trong bối cảnh dịch bùng phát, họ vẫn cần phải tiếp tục làm việc. Công nhân phụ trách một số dây chuyền cần được ưu tiên tiêm vaccine. Mục đích là để những cơ sở, dây chuyền đó nếu không có dịch, vẫn có thể hoạt động.
Bắc Giang và Bắc Ninh có khu công nghiệp lớn, việc ngừng sản xuất không chỉ ảnh hưởng hai tỉnh này mà còn tác động tới kinh tế cả nước. Đặc biệt, nơi đây có những dây chuyền sản xuất không thể ngừng. Do đó, họ cần được ưu tiên tiêm vaccine. Ông Phu cũng nhất mạnh thêm:
"Tất nhiên, không phải tất cả nhân viên công ty tại đây đều được tiêm. Ngành chức năng phải rà soát, đánh giá để đưa ra danh sách những người thuộc diện ưu tiên".
Trước những ý kiến về việc áp dụng biện pháp này cho TP.HCM cũng như các thành phố lớn khác. Phó giáo sư cũng giải thích rõ ràng:
"Hà Nội, TP.HCM là những địa bàn cần được ưu tiên vì giao thương lớn và cũng có khu công nghiệp. Các thành phố này cũng có thể cân nhắc tiêm vaccine cho đối tượng ưu tiên, bao gồm công nhân".
Đến cuối năm nay, Việt Nam vẫn chưa đạt được miễn dịch cộng đồng
Để đạt miễn dịch cộng đồng, cần phải đảm bảo 60-70% dân số được tiêm vaccine Covid-19, tương đương với việc Việt Nam cần mua khoảng 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19 cho khoảng 75 triệu dân (mỗi người phải tiêm 2 mũi). Bộ Y tế đang tích cực đàm phán để đảm bảo mua đủ vaccine phục vụ nhu cầu tiêm chủng của người dân Việt Nam và cũng hy vọng nước ta sản xuất thành công vaccine.
Tuy vậy, trong nước, hiện chỉ có một đơn vị đang bước vào giai đoạn thử nghiệm trên người giai đoạn 3. Nếu nhanh và suôn sẻ, cuối năm nay, chúng ta có vaccine Covid-19 để tiêm. Chính vì thế, từ giờ đến cuối năm, chắc chắn Việt Nam chưa đạt được miễn dịch cộng đồng.
Vaccine Covid-19 là giải pháp phòng dịch lâu dài nhưng hiện tại chúng ta chưa có đủ vaccine để tiêm cho số lượng người này, bởi vaccine mới chỉ dành cho đối tượng ưu tiên. Phó giáo sư Phu cũng phân tích về tác dụng của vaccine, dựa trên cơ chế đưa kháng nguyên - vật chất di truyền của virus này - vào cơ thể người để sinh kháng thể chống lại bệnh.
Nhưng trên thực tế, vaccine Covid-19 ra đời mới chỉ một năm, hiện chưa thể khẳng định người được tiêm sẽ không mắc bệnh. Chưa kể hiệu lực của các loại vaccine hiện cũng khác nhau, có loại 94%, loại chỉ 60%. Nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới chứng minh vaccine Covid-19 giúp giảm lây truyền nhưng ở mức độ nào thì chưa rõ ràng. Tuy nhiên, nó có hiệu quả rõ ràng trong việc giảm triệu chứng. Ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh:
"Bạn sẽ bị nặng, thậm chí tử vong khi nhiễm SARS-CoV-2, nhưng khi được tiêm vaccine, mức độ sẽ giảm từ nặng thành nhẹ và hạn chế nguy cơ tử vong".
Ngăn chặn, cách ly, truy vết, khoanh vùng, dập dịch, điều trị hiệu quả là chiến lược xuyên suốt của Việt Nam và đã chứng minh được hiệu quả. Hiện tại, chiến lược này vẫn không thay đổi.
Trong thời gian chờ đợi có vaccine để tiêm, người dân phải tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp y tế cộng đồng và thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế). Đó là cách chống lại đại dịch tối ưu lúc này.
Điều này có nghĩa biện pháp hiện nay là "5K + vaccine". Thậm chí, kể cả khi đã được tiêm vaccine, chúng ta vẫn phải thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch.