Hành trình 'lội ngược dòng' để có được 30 triệu liều vaccine
Ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, bên cạnh nguyên tắc 5K phòng dịch, Chính phủ Việt Nam đã xác định “đại dịch chỉ kết thúc khi 70% dân số được tiêm vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng”. Trong bối cảnh khó khăn đó, với uy tín lớn trong ngành tiêm chủng vắc xin tại Việt Nam, là đối tác lớn của nhiều hãng vắc xin trên thế giới, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC đã nỗ lực tiếp cận nhiều nguồn vắc xin.
Tháng 8/2020, VNVC đã tiếp cận được tập đoàn dược phẩm AstraZeneca, đơn vị đang cùng trường Đại học Oxford của Vương Quốc Anh nghiên cứu phát triển vắc xin ngừa Covid-19.
Sau nhiều cuộc đàm phán, được sự ủng hộ của Bộ Y tế, tháng 11/2020, VNVC đã chính thức đạt thỏa thuận và đặt cọc một số tiền rất lớn - 30 triệu USD cho hãng AstraZeneca để tham gia vào quá trình phát triển vắc xin. Có thể nói, đây là một quyết định "nước đôi" bởi lúc này, vắc xin mới thử nghiệm lâm sàng, nếu vắc xin không thành công, VNVC sẽ không được thu hồi số tiền này. Thậm chí còn phải tiếp tục đầu tư cho nghiên cứu.
Nhưng ngược lại, nếu nghiên cứu thành công, VNVC sẽ được ưu tiên đăng ký mua 30 triệu liều với giá ưu đãi.
Ngày 24/2/2021 lô vắc xin Covid-19 theo hợp đồng VNVC đặt mua 30 triệu liều của AstraZeneca đã về đến Việt Nam, gồm 117.600 liều. VNVC đã ngay lập tức chuyển giao và phối hợp Bộ Y tế kịp thời triển khai tiêm chủng cho cán bộ tuyến đầu chống dịch ở 13 tỉnh thành trên toàn quốc.
Ngày 10/3/2021, Bộ Y tế công bố Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC là đơn vị đầu tiên cả nước nhập khẩu được vắc xin Covid-19 về Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành nước thứ hai ở Đông Nam Á triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Nhớ lại “cú liều” để đạt hợp đồng 30 triệu liều vắc xin Covid-19 từ AstraZeneca, đại diện Công ty VNVC cho biết:
“Đó là cuộc hành trình dài với nhiều khó khăn, diễn biến bất ngờ. Những cuộc họp diễn ra trong đêm, liên tục trong nhiều tháng cuối cùng đi tới kết thúc với thành công tốt đẹp, khi đặt bút ký thỏa thuận đặt cọc 30 triệu đô la, chúng tôi rơi nước mắt vì đã giành được suất mua loại vắc xin siêu khan hiếm cho Việt Nam, không hề lo sợ sẽ mất 30 triệu USD đặt cọc và những đầu tư khác”.
Bởi ngoài việc đàm phán để có được "suất" nhập vaccine về, cần phải bảo quản, phân phối và triển khai tiêm chủng vắc xin Covid-19 thần tốc, VNVC đầu tư Hệ thống kho lạnh đạt chuẩn GSP với 53 kho lạnh từ 2-8 độ C, đặc biệt là 3 kho lạnh âm sâu đến -86 độ C. Mỗi kho âm sâu được trang bị một kho rã đông riêng được kiểm soát nhiệt độ nghiêm ngặt dưới 8 độ C, đảm bảo chất lượng vắc xin khi đưa vào sử dụng.
Ngoài các loại vắc xin Covid-19 được bảo quản ở nhiệt độ từ 2-8 độ C, VNVC đầu tư hệ thống kho lạnh âm sâu với 3 tủ siêu lạnh (-86 đến -40 độ C) để sẵn sàng nhập về các loại vaccine có đòi hỏi cao hơn như Pfizer, với công suất bảo quản 3 triệu liều cùng một thời điểm, sẵn sàng cho các hoạt động nhập khẩu độc lập của VNVC.
Tuy nhiên quyết định tiên phong này đã mang lại thành công bước đầu cho VNVC trong hành trình nhân văn để mang lại lợi ích cho hàng chục triệu người, đóng góp lợi ích cho nhân dân và đất nước. Đây cũng là tiền đề để những doanh nghiệp khác có động lực tiếp cận nhiều nguồn vaccine khác nữa.
Công bố danh sách 36 đơn vị đủ điều kiện nhập khẩu, kinh doanh vaccine
Bộ Y tế vừa công bố danh sách 36 đơn vị được cấp giấy phép chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phạm vi nhập khẩu vaccine, kinh doanh dịch vụ bảo đảm vaccine (cập nhật đến ngày 13/5).
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, thực hiện kết luận của Bộ Chính trị cũng như Nghị quyết 21 của Chính phủ, thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với tất cả các bộ, ban, ngành, khuyến khích tất cả các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị tham gia vào tìm kiếm, nhập khẩu vaccine phòng COVID-19.
Qua đó, các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu nhập khẩu vaccine ngừa COVID-19 có thể liên lạc với các đơn vị có đủ điều kiện và pháp nhân nhập khẩu mà Bộ Y tế đã công bố. Trong số 36 đơn vị này có thể kể đến 10 đơn vị tiêu biểu như:
- Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dược Sài Gòn: Số 18-20 Nguyễn Trường Tộ, phường 12, quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Công ty Trách nhiệm hữu hạn DKSH Pharma Việt Nam: Số 23, đại lộ Độc Lập, Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore, phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương.
- Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu y tế Thành phố Hồ Chí Minh: Số 181 Nguyễn Đình Chiểu, phường 6, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên vaccine và sinh phẩm số 1: Số 1 Yersin, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
- Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sanofi-Aventis Việt Nam: Số 10 Hàm Nghi, phường Bến Nghé, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Công ty Trách nhiệm hữu hạn Pfizer (Việt Nam): Tầng 13, TNR Tower, 180-192 Nguyễn Công Trứ, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Công ty Trách nhiệm hữu hạn Johnson & Johnson (Việt Nam): Tầng 12, tòa nhà Vietcombank, số 5 Công trường Mê Linh, phường Bến Nghé, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu y tế Việt Nam: Số 138 Giảng Võ, phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội.
- Công ty Trách nhiệm hữu hạn AstraZeneca Việt Nam: Tầng 18, tòa nhà A&B, số 76 đường Lê Lai, phường Bến Thành, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế: Số 135 Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Quyết định này dựa trên cơ sở để có nguồn vaccine sử dụng cho người dân Việt Nam nhanh nhất, sớm nhất và rộng nhất. Bộ Y tế sẽ cắt giảm tối đa thời gian xử lý thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, an toàn cho vaccine và chống việc giả mạo vaccine. Những nội dung này đã được Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể, Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đã sẵn sàng thực hiện những việc này.
Quỹ vaccine đã mở, khi nào mới được sử dụng?
Ngày 26/5 vừa qua, Chính phủ đã ra Nghị quyết về thành lập Quỹ Vaccine phòng COVID-19 để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, vaccine của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng COVID-19 cho người dân.
Có thể thấy sự ra đời của Quỹ Vaccine do Bộ Tài chính quản lý, phi lợi nhuận, công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả, đã đáp ứng nhu cầu cấp thiết của đất nước. Đặc biệt, đây là nơi để các tổ chức, cá nhân có thể yên tâm và tin tưởng chung tay cùng đất nước vượt qua khó khăn.
Ngay sau đó, đơn vị “nổ phát súng” đầu tiên đồng hành cùng Chính phủ cung cấp vaccine cho người dân là Tập đoàn Vingroup với 4 triệu liều vaccine. Một loạt các tập đoàn kinh tế khác như Hoà Phát, Doji, Sovico, EVN… cùng nhiều ngân hàng thương mại như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank v.v… đã nhanh chóng ủng hộ hàng trăm tỉ đồng, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ.
Bên cạnh đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cũng đang tích cực kêu gọi sự chung tay của toàn dân cho Quỹ Vaccine cũng như các chương trình khác cung cấp trang thiết bị, vật tư y tế cho cuộc chiến chống COVID-19. Ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước - Bộ Tài chính cam kết:
“Mỗi đồng đóng góp cho Quỹ Vaccine COVID-19 đều được trân trọng và quản lý minh bạch”.
Những ủng hộ đầy hảo tâm cho Quỹ vaccine giúp ta liên tưởng đến Hũ gạo cứu đói năm 1945. Chỉ khác là nếu năm xưa Hũ gạo góp phần đánh “giặc đói”, thì ngày nay Quỹ Vaccine sẽ góp phần chiến thắng “giặc COVID”. Mọi cá nhân đều có thể góp một phần nhỏ vào Quỹ vaccine chung qua các phương thức sau:
Tại Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước: Tên tài khoản: Quỹ vaccine phòng COVID-19; số hiệu tài khoản: VND: 3761.0.9098866.91999; USD: 3761.0.9098869.91999; EUR: 3761.0.9098786.91999.
Tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Hà Nội: Tên tài khoản: Quỹ vaccine phòng COVID-19; số hiệu tài khoản: VND: 21110009116868; USD: 21110371116868; EUR: 21110142996868.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu, căn cứ thông tin trên, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chủ động thực hiện việc công bố thông tin rộng rãi tới khách hàng về phạm vi, hình thức, thời gian áp dụng. Trước đó, Ngân hàng BIDV đã cam kết triển khai phục vụ hoạt động của Quỹ nhanh chóng, an toàn, hiệu quả, đảm bảo cung cấp các dịch vụ phụ trợ chất lượng tốt nhất cho Quỹ.
Đặc biệt, khách hàng BIDV được miễn phí chuyển tiền ủng hộ đến Quỹ này trên tất cả các kênh tại BIDV như trực tiếp tại quầy giao dịch hoặc trực tuyến ngay trên BIDV iBank (dành cho tổ chức, doanh nghiệp) và BIDV SmartBanking (dành cho cá nhân).
Theo cập nhật của Kho bạc Nhà nước đến 4 giờ chiều 1/6, Quỹ vaccine phòng COVID-19 đã nhận được hơn 28 tỷ đồng đóng góp từ các tổ chức, cá nhân chuyển vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).