TP HCM chuẩn bị kịch bản cho 5.000 ca nhiễm Covid-19
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính từ 18h ngày 2/6 đến 6h ngày 3/6, thành phố ghi nhận thêm 18 trường hợp nghi nhiễm nCoV (đang chờ Bộ Y tế công bố).
Trong đó, 17 trường hợp đều là F1 của các bệnh nhân liên quan Hội truyền giáo Phục Hưng, đã được cách ly từ trước. Những người này cư trú ở 6 quận, huyện gồm quận 3 (2), quận 8 (1), Bình Thạnh (4), Bình Tân (2), Gò Vấp (8), Phú Nhuận (1). Người còn lại là nhân viên y tế Bệnh viện Nam Sài Gòn tại huyện Bình Chánh. Bệnh nhân này đang tiếp tục được HCDC điều tra, xác minh.
Trước đó, trong bản tin chiều 02/06, thành phố đã ghi nhận 248 bệnh nhân liên quan Hội thánh truyền giáo Phục hưng. Như vậy, đến sáng nay, số bệnh nhân của ổ dịch này là 265 trường hợp. Chuỗi lây nhiễm liên quan quán bánh canh ở hẻm 287 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, có 7 bệnh nhân.
Tại cuộc họp trực tuyến do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết từ ngày 26/5 đến nay, trên địa bàn ghi nhận 227 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Chùm ca bệnh liên quan đến Nhóm truyền giáo Phục Hưng có số ca mắc lớn nhất (219 ca, trong đó 40 ca hội viên, 174 trường hợp F1, 5 trường hợp F2). Nhóm truyền giáo Phục Hưng có 40 thành viên mắc COVID-19 (chiếm 70% tổng số hội viên) và đã lây lan thành hơn 200 ca bệnh, qua 3 chu kỳ lây nhiễm. Trung bình 1 người lây cho 5 người khác.
Dự báo con số mắc trong chuỗi lây nhiễm này có thể lên đến 500 người bởi số lượng F1 liên quan đang được cách ly tập trung rất lớn, nhiều trường hợp F2 đã dương tính. Thành phố Hồ Chí Minh huy động lực lượng toàn ngành Y tế tham gia lấy mẫu xét nghiệm, đạt công suất trung bình 100.000 người/ngày (20.000 mẫu gộp). Ngành y tế đảm bảo năng lực thực hiện xét nghiệm COVID-19.
Những ngày qua, trung bình 50.000 người được thực hiện xét nghiệm/ngày (10.000 mẫu gộp/ngày); chuẩn bị sẵn sàng phương án tổ chức cách ly điều trị trong tình huống có 5.000 người mắc COVID-19.
Trăn trở của doanh nghiệp để thực hiện "mục tiêu kép"
Trong đợt dịch lần 4 với diễn biến phức tạp ở các khu công nghiệp và địa phương đầu tàu như TP.HCM, Chính phủ càng đề cao việc thực hiện mục tiêu kép, đảm bảo không làm đứt gãy nền kinh tế để có thể sẵn sàng đón đầu xu hướng phục hồi sau đại dịch.
Cụ thể, công ty may mặc Dony là một doanh nghiệp hoạt động trong ngành may mặc đòi hỏi lượng nhân công lớn, Giám đốc Phạm Quang Anh hiểu rõ tầm quan trọng của công tác phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở làm việc và duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ông Quang Anh cho hay:
"Mỗi đầu việc đều được phổ biến cho ít nhất 2 nhân sự. Do đó khi quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 bị phong tỏa, lao động không thể đi làm thì hoạt động của chúng tôi vẫn được duy trì. Những nhân sự có vai trò quan trọng, khó thay thế như tổ trưởng, kỹ thuật... thì đến ở tại công ty trước khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội".
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) thừa nhận chỉ cần một sự cố gây gián đoạn sản xuất cũng có thể gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế. Ông Phương nhấn mạnh:
"Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu gia công nên biên lợi nhuận rất thấp, chỉ cần gián đoạn sản xuất từ 2 tuần đến một tháng là lợi nhuận trong năm coi như mất".
Chính vì thế, các doanh nghiệp Việt đang phối hợp với Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM để thực hiện khai báo y tế mỗi ngày đối với nhân viên đến làm việc tại nhà máy. Các nhân viên sinh sống tại khu vực phong tỏa được cấp giấy xác nhận để đảm bảo thuận tiện trong khai báo với cơ quan chức năng.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp đều đang có chủ trương sẵn sàng ngân sách để tiêm phòng cho toàn bộ công nhân viên ngay khi có vaccine. Trong đó, họ kỳ vọng có thể đứng ra kêu gọi nhiều doanh nghiệp tham gia để mua sỉ vaccine với mức giá tốt và trong thời gian sớm nhất có thể để đảm bảo toàn bộ người lao động đều được tiếp cận với vaccine phòng Covid-19.