Trung Quốc ở trung tâm hứng đòn tấn công
Nổi bật nhất trong số những người muốn đạt lợi ích chính trị từ hiện tượng coronavirus là Chính phủ Hoa Kỳ. Cả cựu Tổng thống Trump và nguyên thủ Mỹ đương nhiệm Biden đều chính thức tố cáo chính quyền Trung Quốc đã tham gia vào việc làm lây lan virus bệnh. Và mặc dù các chuyên gia của WHO sau khi thăm Vũ Hán không tìm thấy xác nhận về cáo buộc này, nhưng Nhà Trắng vẫn đòi tiến hành những cuộc kiểm tra mới trên lãnh thổ CHND Trung Hoa.
Hoa Kỳ cũng coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chính trong việc phân phối vaccine phòng bệnh trên khắp thế giới. Quả thật, Trung Quốc đã cung cấp cho các nước khác (trước hết là các quốc gia nghèo) khoảng 300 triệu liều vaccine được điều chế trong nước mình. Còn Hoa Kỳ mới chỉ cung cấp cho các đối tác nước ngoài của Mỹ khoảng 80 triệu liều. Không thể vượt hơn Trung Quốc trong vấn đề này, các nhà tuyên truyền Mỹ đang cố tạo ra hình ảnh tiêu cực về vaccine Trung Quốc trên toàn thế giới. Phải nói rằng ở một mức độ nhất định, người Mỹ đã đạt thành công trong việc này, đặc biệt là ở các nước Nam và Đông Nam Á, nơi có tâm thế chống Trung Quốc mạnh ở cấp độ đại chúng. Do đó, như ghi nhận của nhiều nhà quan sát, các công dân Việt Nam, Philippines và Ấn Độ từ chối tiêm vaccine Sinovac do Trung Quốc sản xuất, mặc dù chế phẩm phòng dịch này đã được Tổ chức Y tế Thế giới WHO công nhận.
Khá tuyệt vọng vì người dân nước ông không muốn tiêm vaccine Trung Quốc, mới đây Tổng thống Duterte đã tuyên bố:
«Dù là một triệu phú hay là kẻ cùng khổ, bạn sẽ nhận được những gì người ta cho. Bạn không thể kén chọn tiêm loại vaccine nào».
Những người chống đối Tổng thống Philippines ngay lập tức cáo buộc ông Duterte vi phạm nhân quyền trong việc tự do lựa chọn phương pháp điều trị bệnh tật.
Với quy mô tàn khốc khổng lồ mà chúng ta đang chứng kiến hôm nay ở Ấn Độ, đại dịch Covid-19 đã giáng đòn nặng vào hình ảnh uy tín của Thủ tướng Narendra Modi trong nước. Ông thể hiện trước cư dân của mình như một chính khách vô trách nhiệm, khoác lác và gian manh tham quyền cố vị. Ngay từ hồi tháng 2, ông Modi đã lớn tiếng tuyên bố với toàn thế giới rằng Ấn Độ đã đánh bại coronavirus. Bất chấp sự phản đối của các bác sĩ, Thủ tướng Modi cho phép tổ chức lễ hội tôn giáo thu hút hàng triệu người theo đạo Hindu, kéo dài suốt từ tháng Giêng cho đến tháng Ba. Bây giờ các chuyên gia của Bộ Y tế cho rằng chính trong kỳ lễ hội lớn đã xảy ra đại lây nhiễm và động thái bất cẩn này đã là «sai lầm khủng khiếp». Và ngay cả vào những ngày khi đã rõ rằng làn sóng coronavirus mới đang ào ạt quét qua đất nước gây cảnh thê lương kinh hoàng, ông Thủ tướng vẫn tiếp tục tổ chức những cuộc gặp gỡ với đông đảo cử tri mà các thành viên tham gia không ai đeo khẩu trang bảo hộ. Giai đoạn hiện tại của đại dịch coronavirus khẳng định sự yếu kém của hệ thống y tế Ấn Độ - không đủ vaccine, máy thở oxy và giường bệnh. Mặc dù Ấn Độ được xem là nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, nhưng cho đến đầu tháng 5, trong số 1,3 tỷ cư dân Ấn Độ mới chỉ có 1,9% được tiêm vaccine ngừa Covid-19.
BRICS đề xướng lối thoát
Mới đây, ông Tedros Adanom Ghebreyesus đứng đầu WHO tuyên bố rằng thế giới đang ở trong tình trạng «phân biệt chủng tộc vaccine», tức là các nước nghèo, chiếm một nửa dân số thế giới, chỉ nhận được cả thảy 17% liều. Thực trạng đó gắn với việc các nước tư bản phát triển hành động theo nguyên tắc «trong nước trước hết». Vì vậy, ở Hoa Kỳ chẳng hạn hơn 100 triệu người đã được chủng ngừa. Chủ nghĩa ích kỷ của người Mỹ công nhiên lộ rõ.
Những người tham dự Hội nghị Ngoại trưởng BRICS gần đây lên tiếng kêu gọi phân phối vaccine một cách công bằng. Trong tuyên bố của họ, các Bộ trưởng Ngoại giao Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Cộng hoà Nam Phi, «nhấn mạnh sự cần thiết phải khuyến khích các sáng kiến hướng tới đảm bảo phân phối và tiếp cận kịp thời, định giá phải chăng và công bằng đối với khâu chẩn đoán và điều trị, cấp thuốc men và vaccine, những hàng hóa và công nghệ y tế thiết yếu cho sức khỏe và các thành phần, thiết bị khác với mục tiêu chống đại dịch Covid-19 và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bao gồm cả các biện pháp và hành động phòng ngừa».
Như Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị giải thích: «Chúng tôi hy vọng rằng các nước BRICS sẽ tiếp tục đưa vaccine thành phúc lợi công cộng toàn cầu, tuân thủ nguyên tắc phân phối công bằng và hợp lý. Chúng tôi ủng hộ các nhà sản xuất vaccine của mình trong việc chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển khác để cùng nhau điều chế vaccine».
Trên bình diện này, có thể dẫn ra điển hình của Nga. Matxcơva sẵn sàng phối hợp tổ chức sản xuất vaccine Sputnik V tại Việt Nam, Ấn Độ và các nước khác.
Các Ngoại trưởng của «bộ ngũ» cũng kêu gọi thành lập một trung tâm nghiên cứu và phát triển vaccine của BRICS ở Bắc Kinh.
Đáng chú ý là sự kiện tại cuộc họp này không hề vận động cho lợi ích của bất kỳ công ty dược phẩm nào, tên gọi của họ thậm chí còn không được nhắc đến, bởi vì hầu hết mọi loại vaccine hiện đại đều giúp bảo vệ chống Covid-19, có nghĩa là quan tâm căn bản chính yếu giờ đây là phải phân phối công bằng trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, thật đáng tiếc, có không ít thế lực đang xem xét việc phân phối vaccine ngừa coronavirus chỉ thuần tuý dưới góc độ ích kỷ phục vụ cho lợi ích kinh doanh của họ cả về tài chính và chính trị. Kết quả là, niềm tin của công chúng vào bản thân ý tưởng tiêm chủng phòng ngừa bệnh truyền nhiễm đang giảm sút. Nhiều người không tin vào hiệu quả của vaccine, vì rằng dân chúng thường thấy các quảng cáo hoặc PR đen hơn là bằng chứng khoa học sinh động về hiệu quả của vaccine.
Mà phương thức duy nhất để đánh bại Covid-19 là đặt nó trước phòng tuyến vaccine vững chắc trên toàn thế giới, chứ không phải ở riêng một đất nước giàu có nào đó.