Ngày Quốc tế của Trẻ em Vô tội là Nạn nhân bị Xâm lược: Thế giới cần làm gì?

HÀ NỘI (Sputnik) –Ngày Quốc tế của Trẻ em Vô tội là Nạn nhân bị Xâm lược 4/6 hàng năm là dịp để cả thế giới nhìn lại những nỗi đau mà trẻ em trên toàn thế giới phải gánh chịu trước các cuộc xâm lược, để từ đó cất lên tiếng nói và chung tay hành động vì các em.
Sputnik

Ngày Quốc tế của Trẻ em Vô tội là Nạn nhân bị Xâm lược (International Day of Innocent Children Victims of Aggression) là ngày kỷ niệm của Liên Hợp Quốc được tổ chức vào ngày 4/6 hàng năm. Mục đích của ngày này là để ghi nhận nỗi đau mà trẻ em trên toàn thế giới phải gánh chịu trước các cuộc xâm lược, biến các em thành nạn nhân bị xâm hại cả về thể chất, tinh thần và tình cảm. Ngày lễ cũng nhằm khẳng định cam kết của Liên Hợp Quốc trong việc bảo vệ quyền lợi của trẻ em.

Ý nghĩa của ngày lễ

Ngày Quốc tế của Trẻ em Vô tội là Nạn nhân bị Xâm lược tôn vinh hàng triệu cá nhân và tổ chức đang làm việc để bảo vệ và giữ gìn quyền của trẻ em. Có thể kể đến Phong trào Toàn cầu vì Trẻ em dưới sự dẫn dắt của cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela và góa phụ của ông – bà Graca Machel. Phong trào này đã truyền cảm hứng cho sự thay đổi nhận thức về những người bình thường và gia đình của họ trên toàn thế giới. Chiến dịch “Nói có với trẻ em” (Say Yes for Children) được hơn 94 triệu người ủng hộ, đã kêu gọi thực hiện 10 hành động tích cực để cải thiện đời sống của trẻ em.

Ngày này là thời điểm để các cá nhân và tổ chức trên toàn thế giới nhận thức được tác động của hành vi ngược đãi khủng khiếp, dưới mọi hình thức, đối với trẻ em. Đây cũng là thời điểm để các tổ chức, cá nhân rút kinh nghiệm hoặc tham gia vào các chiến dịch nâng cao nhận thức về bảo vệ quyền trẻ em.

Lịch sử ra đời

Vào ngày 19/8/1982, tại phiên họp đặc biệt khẩn cấp về vấn đề Palestine, Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc đã bày tỏ sự kinh hoàng trước số lượng lớn trẻ em Palestine và Lebanon vô tội là nạn nhân của các hành động xâm lược của Israel và đã quyết định lấy ngày 4/6 hàng năm làm Ngày Quốc tế của Trẻ em Vô tội là Nạn nhân bị Xâm lược. Ngày này cũng hướng sự chú ý vào trẻ em Palestine là nạn nhân của các cuộc xung đột khác ở Trung Đông.

Ngày Quốc tế của Trẻ em Vô tội là Nạn nhân bị Xâm lược: Thế giới cần làm gì?

Theo Liên Hợp Quốc tại Trung Quốc, số liệu thống kê về lạm dụng trẻ em bao gồm:

  • Hơn 2 triệu trẻ em đã thiệt mạng trong các cuộc xung đột trong hai thập kỷ qua.
  • Khoảng 10 triệu trẻ em tị nạn được Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) chăm sóc.
  • Ở Mỹ Latin và khu vực Caribe, khoảng 80.000 trẻ em chết hàng năm do bạo lực bùng phát trong gia đình.

Xâm hại trẻ em hiện đang là tâm điểm chú ý của toàn cầu và Liên Hợp Quốc đang hết sức nỗ lực để giúp bảo vệ trẻ em trên toàn thế giới. Một trong những giải pháp quan trọng là tiến trình đàm phán quốc tế và hành động lấy Công ước về Quyền Trẻ em làm trọng tâm.

Trẻ em Palestine phải sống trong cơn ác mộng về tương lai

Chia sẻ với Sputnik về tình trạng trẻ em Palestine là nạn nhân của các cuộc xung đột, Đại sứ Palestine Saadi Salama cho biết:

“Cuộc sống cùa người dân Palestine, đặc biệt là trẻ em Palestine khác so với các nơi khác trên thế giới. Có thể nói, chính quyền Palestine gặp khó khăn trong việc tổ chức những hoạt động để cho các em thiếu nhi Palestine có một cuộc sống như các em thiếu nhi trên thế giới. Vì sao? Vì đến bây giờ Palestine không phải là quốc gia độc lập và phần lớn lãnh thổ của Palestine còn bị chiếm đóng cho nên tổ chức những hoạt động tự do là không được phép”.

Ngày Quốc tế của Trẻ em Vô tội là Nạn nhân bị Xâm lược: Thế giới cần làm gì?
Trẻ em Palestine đáng lẽ phải là đối tượng được quan tâm của xã hội, của gia đình, nhưng vì các cuộc xung đột, trẻ em Palestine phải sống trong cơn ác mộng về tương lai của họ. Họ luôn luôn sợ bị đe dọa, luôn lo sợ rằng giấc mơ của họ sẽ không bao giờ thành hiện thực. Nhiều trẻ em Palestine phải sống ở những nơi hoàn toàn bị phong tỏa. Các em cũng không hình dung được mai kia liệu tốt nghiệp cấp 3, muốn đi du học nước ngoài thì có được hay không. Rất nhiều trẻ em Palestine nghĩ rằng học để làm gì, rồi các em có tương lai hay không, Đại sứ Saadi Salama bày tỏ.

“Đáng ra các em phải được sống cuộc sống ổn hơn, tốt hơn nhưng vì hoàn cảnh, trẻ em Palestine cũng như trẻ em Việt Nam trong chiến tranh, phải chịu thiệt thòi. Trẻ em hơn hết là đối tượng cần được sự quan tâm vì đó là những mầm non của đất nước, mai sau chúng ta phải dựa vào các em. Bởi vậy, cần tạo cho các em điều kiện thuận lợi để các em tự tin phát huy trí tuệ của mình, để tương lai giúp đất nước vươn lên phát triển hơn. Các quốc gia tin tưởng vào tương lai thì càng phải nỗ lực nhiều để trẻ em có môi trường phát triển thuận lợi. Tôi cũng rất tự hào về sự đóng góp của trẻ em Palestine ngày nay trong việc tuyên truyền cho sự nghiệp chủ nghĩa của Palestine. Qua đó, chúng tôi rất ấn tượng về vai trò của các em”.

Đại sứ nhấn mạnh:

Chính quyền Israel chấp thuận ngừng bắn trong cuộc xung đột với Palestine

“Trẻ em Palestine là những hạt giống mà chúng tôi đang trồng để mai sau xây dựng tương lai. Tôi rất tin tưởng vào trẻ em Palestine. Dù trẻ em và người dân Palestine đang phải trải qua những khó khăn, gian khổ, nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ gác lại ước mơ được sống trong một nền độc lập, tự do”.

Đại sứ Saadi Salama cũng đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc nhằm thúc đẩy hòa bình tại Trung Đông. Ông nói:

“Lần thứ 2 Việt Nam là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là sự thành công rất lớn về ngoại giao của Việt Nam, đồng thời phản ánh sự đánh giá của quốc tế đối với vai trò của Việt Nam trong việc gìn giữ và bảo vệ hòa bình trên thế giới. Mà gìn giữ và bảo vệ hòa bình không có nghĩa là chỉ nói về những vấn đề xung đột, mà nó cũng liên quan đến những vấn đề khác như phụ nữ, trẻ em. Tôi thấy trong thời gian vừa qua Việt Nam cũng đã tham gia một số hoạt động của Liên Hợp Quốc về bảo vệ quyền lợi của trẻ em. Việt Nam là một quốc gia đã có chính sách bảo vệ trẻ em từ trước rồi. Việt Nam đánh giá cao vai trò của trẻ em và thiếu nhi. Tôi hoàn toàn đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam. Việt Nam là một quốc gia có độc lập thực sự. Chủ trương, lập trường của Việt Nam rất rõ ràng là lấy pháp luật quốc tế làm cơ sở để giải quyết mọi cuộc tranh chấp. Việt Nam luôn luôn đề nghị các nước nên giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng bạo lực hoặc đe dọa sử dụng bạo lực để giải quyết các vấn đề. Việt Nam đã nhìn xa để xây dựng một thế giới phát triển, hợp tác và hòa bình. Nếu tất cả các thành viên của cộng đồng quốc tế đều tuân thủ luật pháp quốc tế thì chúng ta sẽ đạt được những thành quả rất tốt cho thế hệ mai sau”.
Thảo luận