Trung Quốc sẽ giúp ASEAN “giữ gìn thể diện” ở Myanmar?

ASEAN đang nỗ lực đẩy nhanh việc thực hiện đồng thuận 5 điểm về vấn đề Myanmar.
Sputnik

Tại Hội nghị cấp cao đặc biệt ở Jakarta vào ngày 24/4, ASEAN đã nhất trí về các bước đi nhằm chấm dứt tình trạng bất ổn ở Myanmar. Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đề xuất sáng kiến tô chức cuộc gặp này. Jakarta yêu cầu các đối tác ASEAN đẩy nhanh việc thực hiện các cam kết đối với Myanmar, vì đã gần một tháng rưỡi trôi qua mà chưa có tiến triển nào. Ví dụ, đặc phái viên ASEAN về Myanmar vẫn chưa được bổ nhiệm. Vào thứ Tư, Ngoại trưởng Indonesia, bà Retno Marsudi, kêu gọi Hiệp hội bổ nhiệm ngay một đặc phái viên phụ trách vấn đề Myanmar. Bà nhấn mạnh rằng, ASEAN cần phải duy trì liên lạc với tất cả các bên tham gia xung đột. Nhận xét này của Bộ trưởng Indonesia có thể làm trầm trọng thêm sự chia rẽ trong ASEAN, bởi vì một số thành viên của Hiệp hội phản đối đối thoại chính thức với phe đối lập ở Myanmar.

Hoa Kỳ và Việt Nam thảo luận về tình hình Biển Đông và Myanmar

Trong khi đó, ASEAN đang làm việc để thành lập một phái đoàn gửi đến Myanmar. Vẫn chưa có sự nhất trí về người dẫn đầu và thành phần phái đoàn, nhưng, các nguồn tin ngoại giao không loại trừ rằng, các đại diện ASEAN có thể đến Myanmar trong những ngày tới.

Vào tháng 5, truyền thông Nhật Bản trích dẫn các nguồn tin ở Bắc Kinh đã đưa tin rằng, Trung Quốc đề xuất sáng kiến tổ chức cuộc gặp với các ngoại trưởng ASEAN vào tháng 6. Và cuộc đàm phán về vấn đề Myanmar có thể được tổ chức bên lề hội nghị. Trả lời phỏng vấn của Sputnik, bà Aida Simonia, chuyên gia hàng đầu tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Australia và Châu Đại Dương, nhận xét rằng, cuộc gặp này có thể hữu ích:

“Một cuộc họp như vậy ở Trung Quốc là một bước đi đúng đắn, vì chỉ có một mình ASEAN không thể giải quyết vấn đề Myanmar. Trung Quốc có thể giúp ASEAN giải quyết vấn đề này bằng cách cung cấp hỗ trợ kinh tế cho Myanmar. Chế độ quân sự Myanmar lâm vào tình thế khó khăn. Các cuộc đình công và biểu tình kéo dài nhiều tháng đã khiến đất nước rơi vào hỗn loạn, trên thực tế các cửa hàng, nhà xưởng và ngân hàng đều đóng cửa ở đó. Kinh tế Myanmar đang bị tê liệt. Nhiều công ty nước ngoài đã rời khỏi nước hoặc tạm ngừng hoạt động. Và Trung Quốc, với tư cách là nhà tài trợ chính, có thể hỗ trợ hiệu quả cho nền kinh tế Myanmar và giúp nước này tiếp tục tồn tại. Bằng cách hỗ trợ Myanmar, Trung Quốc sẽ giúp nước này đi tới một số thỏa hiệp với ASEAN. Nhờ các chính sách khôn ngoan và khả năng giao tiếp tốt với cả chính quyền quân sự và chính quyền dân sự ở Myanmar, Trung Quốc có thể thuyết phục nước này tiếp xúc với ASEAN. Bằng cách này, Trung Quốc có thể giúp ASEAN "giữ gìn thể diện trong sứ mệnh hòa giải ở Myanmar”.

Theo các nguồn tin của truyền thông Nhật Bản, Trung Quốc có thể tổ chức cuộc họp với ngoại trưởng các nước ASEAN không phải ở Bắc Kinh mà ở một thành phố khác. Bình luận thông tin này, giới quan sát lưu ý rằng, trong những tháng gần đây, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã gặp gỡ với các người đồng cấp từ Nga, Serbia, Hungary, Ba Lan và Iceland tại thành phố Quế Lâm thuộc tỉnh Quảng Tây, và thành phố Quý Dương thuộc tỉnh Quý Châu.

Thảo luận