Tiếng Nga: Một ngôn ngữ hàn lâm, khó nhưng đẹp

HÀ NỘI (Sputnik) - Ngày 6/6/2021 kỷ niệm 222 năm ngày sinh Đại thi hào người Nga vĩ đại A.S.Pushkin, người có đóng góp lớn trong việc phát triển ngôn ngữ văn học Nga hiện đại. Ngày 6/6 cũng là ngày Liên hợp quốc chọn kỷ niệm Ngày tiếng Nga trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ và phát triển đa ngôn ngữ và đa dạng văn hóa.
Sputnik

Nhân dịp này, Sputnik xin gửi tới quý vị và các bạn bài phỏng vấn Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí, bà Lê Thị Thu Hằng, một nhà ngoại giao gắn bó với Tiếng Nga gần 40 năm.

Tiếng Nga: Một ngôn ngữ hàn lâm, khó nhưng đẹp

Ngôn ngữ tuổi thơ theo suốt sự nghiệp 

Sputnik: Cảm ơn Người phát ngôn đã nhận lời phỏng vấn của Sputnik. Xin Bà chia sẻ lý do tại sao bà chọn tiếng Nga là ngoại ngữ đầu tiên và kỷ niệm đáng nhớ nhất khi bà học ngôn ngữ này.

Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng: Tôi bắt đầu học tiếng Nga từ năm 10 tuổi. Thú thực, tuổi đó có lẽ chưa đủ lý trí để chọn học ngoại ngữ gì? Đơn giản có lẽ vì từ bé thích những cuốn họa báo Liên Xô in màu với nhiều hình ảnh rất đẹp về đất nước và con người Liên Xô. Rồi mê mẩn chàng Ruslan dũng mãnh và nàng Ludmila xinh đẹp trong câu chuyện “Ruslan và Ludmila” dù lúc đó còn chưa biết Pushkin là nhà thơ thiên tài của Nga và thế giới. Thế rồi càng học tôi càng say mê một ngôn ngữ khó nhưng đẹp. Đẹp từ âm thanh phát ra và đẹp cả trong cách biểu đạt. Một ngôn ngữ rất hàn lâm. 

Kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với tôi khi học tiếng Nga lại là một kỷ niệm buồn. Đó là năm thứ ba đại học, giữa lúc miệt mài phấn đấu để được chọn đi thực tập sinh ở Liên Xô thì một ngày cuối tháng 12 năm 1991, bản tin buổi tối trên truyền hình Nga bắt đầu với một thông báo đặc biệt: “Chào buổi tối. Đây là chương trình thời sự. Liên Xô không còn tồn tại...” và vài ngày sau lá cờ đỏ búa liềm trên nóc tròn điện Kremli bị hạ xuống. Giấc mơ tan vỡ, trái tim như bị bóp nghẹt. Liên bang Xô viết không còn nữa, tiếng Nga và những người học tiếng Nga như chúng tôi sẽ đi về đâu… Nhưng chúng tôi không ai bỏ cuộc, chúng tôi đã tiếp tục miệt mài 3 năm nữa, trọn vẹn 5 năm và giành được tấm bằng tốt nghiệp đại học tiếng Nga một cách đầy gian khổ nhưng cũng rất tự hào. Chúng tôi đã phải cố gắng gấp hai gấp ba các sinh viên tiếng Anh, tiếng Pháp để vừa học tốt tiếng Nga và vừa học thêm tiếng Anh hay ngoại ngữ khác để tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp. 

Cuối cùng tấm bằng tốt nghiệp đại học tiếng Nga chính là “chứng chỉ vào đời” của tôi, theo tôi suốt cả sự nghiệp sau này.

Ngôn ngữ chắp cánh tâm hồn Nga

Sputnik: Việc thành thạo tiếng Nga đã giúp gì cho Bà khi công tác trên cương vị Tham tán công sứ tại Đại sứ quán Nước CHXHCN Việt Nam tại Liên Bang Nga nhiệm kỳ 2001 - 2004?

Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng: Có lẽ phải nói nhiệm kỳ công tác tại Liên bang Nga đã giúp tôi rất nhiều trong việc hoàn thiện và làm sống lại tiếng Nga của tôi, đồng thời tiếng Nga cũng mở ra cánh cửa cho tôi đi vào lòng nước Nga.

Quan hệ Việt-Nga: Sâu sắc, tin cậy, thực chất, chân thành trên mọi lĩnh vực

Như đã nói ở trên, tôi không có dịp được đi thực tập tiếng Nga như các anh chị thế hệ trước và sau đó tôi hầu như ít khi có cơ hội được dùng tiếng Nga thường xuyên trong công việc. Yêu nước Nga, yêu tiếng Nga nên tôi quyết định xin đi công tác nhiệm kỳ đầu tiên tại Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga. Trong suốt gần 4 năm sống và làm việc tại đây, tôi mới thực sự hoàn thiện vốn tiếng Nga được đào tạo suốt 11 năm ở Việt Nam. Thực sự được sống ở nước Nga, giao tiếp với người Nga bằng tiếng Nga càng thấu cảm tâm hồn Nga, tính cách Nga. Từ đó giúp tôi dễ dàng làm việc với đồng nghiệp ở Bộ Ngoại giao Nga và các đối tác khác, hòa đồng với xã hội sở tại. Tôi còn tạo được cầu nối giữa các bạn Nga với nhóm cán bộ ngoại giao trẻ ASEAN – những người không thạo tiếng Nga. Nói thạo tiếng Nga cũng giúp tôi tự tin khám phá nước Nga: tôi đã đi tất cả các thành phố “golden ring”, đi hầu hết các lâu đài ở vùng Mát-xcơ-va… và đã đến tận bán đảo Olkhon bên bờ hồ Baikal… Điều ít người nước ngoài làm được lúc bấy giờ.

Ngoại giao hiệu quả thông qua ngôn ngữ

Sputnik: Nhắc đến ngôn ngữ Nga, không thể không nhắc đến Đại thi hào A.S. Pushkin. Tại các cuộc họp báo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Liên bang Nga Maria Zakharova đã không ít lần trích dẫn những câu văn bất hủ trong các tác phẩm của ông. Là Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bà có bao giờ trích dẫn câu Kiều của đại thi hào Nguyễn Du không?

Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng: Tôi cũng rất thích Pushkin, đọc nhiều tác phẩm văn học và thuộc nhiều bài thơ của ông. 

Bộ trưởng Ngoại giao LB Nga và Việt Nam thảo luận về thúc đẩy hợp tác ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương

Việt Nam chúng tôi có đại thi hào Nguyễn Du và rất nhiều nhà văn nhà thơ tài năng khác. Bác Hồ của chúng tôi cũng là một nhà thơ, nhà văn, nhà báo mà tôi vô cùng ngưỡng mộ với lối sử dụng ngôn ngữ vô cùng tinh tế, giản dị và sâu sắc, đi vào lòng người. Không chỉ trong họp báo mà trong nhiều bài viết, bài phát biểu, bài trả lời phỏng vấn của mình tôi vẫn hay trích dẫn lời của Bác. Ví dụ “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” hay “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công”. Những lời này tôi luôn tâm niệm trong cuộc sống.

Bác Hồ cũng là người giỏi nhiều ngoại ngữ, trong đó có cả tiếng Nga.

“Nói đúng, trúng, hay”

Sputnik: Tục ngữ có câu “Lời nói, gói vàng”. Qua câu tục ngữ này, Bà có lời khuyên gì dành cho các nhà ngoại tương lai?

Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng: Tôi cho rằng với một nhà ngoại giao, giao tiếp rất quan trọng, trong đó ngôn ngữ là phương tiện để giao tiếp. Một lời nói ra hay một bài phát biểu thì cả nội dung và cách thể hiện đều rất quan trọng. Hoàn hảo nhất là nói đúng, trúng, hay. Tôi vẫn hay nói “không chỉ nói điều mình muốn nói mà phải nói điều người khác muốn nghe”.

Sputnik: Xin cảm ơn Người phát ngôn vì cuộc phỏng vấn thú vị!

Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng: Xin cảm ơn Sputnik!

Thảo luận