Tuyển dụng Người khuyết tật: Doanh nghiệp Việt Nam “được” hay “mất?

HÀ NỘI (Sputnik) - Theo số liệu thống kê năm 2018 của Ủy ban quốc gia về người khuyết tật, Việt Nam có hơn 8 triệu Người khuyết tật (NKT), nhưng chỉ có 31,7% trong số này nằm trong lực lượng lao động. Trong đại dịch Covid-19, đã có 30% NKT bị mất việc làm, gần 50% bị giảm giờ làm và gần 60% bị cắt lương.
Sputnik

Một nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) chỉ ra rằng, Việt nam sẽ mất khoảng 3% GDP khi không tận dụng NKT trong thị trường lao động. Việc tạo điều kiện cho NKT tham gia thị trường lao động còn là quyền nằm trong Công ước về của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật (CPRD) mà Việt Nam phê chuẩn ngày 5 tháng 2 năm 2015.

Chân tay giả do Nga sản xuất sẽ hỗ trợ người khuyết tật ở Việt Nam

Định kiến “vô hình” 

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD Vietnam), nhu cầu làm việc và có việc làm ổn định của người khuyết tật rất cao. Hiện nay các công ty, doanh nghiệp cũng đang có nhu cầu tuyển và sử dụng lao động là người khuyết tật khá cao, đặc biệt là các thành phố lớn như TP. HCM. Tuy nhiên, hiện thống kê chỉ mới có 31,74% NKT đang có việc làm trong số 1,6 triệu người khuyết tật có khả năng lao động trên 6,2 triệu người khuyết tật (Theo Tổng cục thống kê, 2016). Ông Nguyễn Thanh Tùng, Trợ lý Giám đốc DRD Vietnam, người tốt nghiệp Thạc sỹ chuyên ngành Disability Policy and Practice tại Đại học Flinders (Australia) chia sẻ với Sputnik:

“Các trung tâm giới thiệu việc làm, các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng do không tìm ra ứng viên đáp ứng được yêu cầu. Nguyên nhân là phần người khuyết tật, đặc biệt là người khuyết tật ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa có trình độ học vấn thấp, tỷ lệ người khuyết tật tốt nghiệp đại học, cao đẳng không cao (chưa đến 0,1%). Phần lớn họ chưa được đào tạo nghề (chỉ khoảng 7,3% có chứng chỉ nghề) do hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc chưa được đào tạo nghề đúng với khả năng, các ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với thị trường lao động, chủ yếu đào tạo ngắn hạn, ở trình độ bậc thấp không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp”.
Tuyển dụng Người khuyết tật: Doanh nghiệp Việt Nam “được” hay “mất?

Song song với đó, doanh nghiệp chưa biết hoặc chưa có những điều chỉnh tạo điều kiện thích hợp cho người khuyết tật tại nơi làm việc. Điều này khiến cho người khuyết tật đáp ứng được yêu cầu chuyên môn và trình độ nhưng không làm việc được do những rào cản nơi làm việc, ví dụ không có lối vào, thang máy, nhà vệ sinh thuận tiện cho người dùng xe lăn, bàn làm việc không phù hợp, phần mềm Jaw cho phép người khiếm thị đọc màn hình máy tính. Bản thân là một người khiếm thính, chị Lương Thúy, người sáng lập dự án “Tiệm giặt là người Điếc” và điều phối Tổ chức phi lợi nhuận SÁNG, cho biết Người Điếc vẫn chịu nhiều định kiến trong xã hội.

“Điều mà doanh nghiệp Việt Nam "định kiến" người khuyết tật hay người Điếc/khiếm thính phần lớn là vào khả năng lao động của người khuyết tật, doanh nghiệp thường đánh giá thấp hoặc chưa hiểu sâu về người khuyết tật dựa vào cách truyền thông cũ nên họ có một điểm "mù" về người khuyết tật. Đa số công việc đều cần giao tiếp, nếu không giao tiếp vì cách thức làm việc thì môi trường làm việc vẫn cần đến sự giao tiếp phối hợp với người khác. Chưa kể một người chưa có kinh nghiệm gì đi xin việc thì cũng cần phải học việc, mà thính lực lại cản trở nhiều đến việc học việc đó. Vậy nên, mình hay những người khiếm thính (có khả năng nghe nói 1 phần, sử dụng máy trợ thính) hay những người Điếc (bẩm sinh và dùng ngôn ngữ ký hiệu) đều gặp phải những khó khăn rào cản khi đi xin việc làm” - Chị Lương Thúy nói rõ những bất cập.

Đặc biệt, COVID-19 đã gây ra nguy cơ mất việc làm và khó khăn cho thị trường lao động NKT việc tái gia nhập thị trường lao động cho hàng triệu NKT. 

Khung pháp lý đã hợp lý?

Theo đánh giá của ông Nguyễn Thanh Tùng, Trợ lý Giám đốc DRD Vietnam chỉ ra, Luật NKT Việt Nam 2010 quy định đầy đủ các vấn đề liên quan đến đào tạo nghề, tuyển dụng và sử dụng lao động người khuyết tật. Tuy nhiên, có điều bất cập là luật chỉ khuyến khích Doanh nghiệp tuyển dụng lao động khuyết tật chứ không bắt buộc như trước kia.

“Điều này góp phần tăng tỉ lệ người khuyết tật không có việc làm bởi vì doanh nghiệp tuyển cũng được mà không tuyển cũng không phải là vấn đề lớn. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy các quốc gia (Hàn Quốc chẳng hạn) thực hiện tốt chính sách lao động đối với lao động là người khuyết tật đều thực hiện các biện pháp thông qua việc áp dụng các quy định mang tính “bắt buộc” đối với người sử dụng lao động. Ví dụ, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp phải đáp ứng tuyển dụng một tỉ lệ nhất định lao động khuyết tật vào làm việc và có biện pháp xử lý phù hợp đối với các doanh nghiệp không chấp hành quy định pháp luật về lao động là người khuyết tật" - Ông Nguyễn Thanh Tùng nêu rõ.

Từ phía người khuyết tật, chị Lương Thúy, người sáng lập dự án “Tiệm giặt là người Điếc” và điều phối Tổ chức phi lợi nhuận SÁNG, chia sẻ quan điểm của mình với Sputnik.

“Xét về nhiều khía cạnh khác nhau thì đều có "được" và "mất", tuy nhiên cái "được" mà được lâu dài thì mình nghĩ đó là tuyển người khuyết tật vào làm việc vẫn hơn. Tại sao các nước lớn trên thế giới họ phát triển hơn Việt Nam mình mà họ vẫn có người khuyết tật làm việc trong doanh nghiệp. Vì quốc gia của họ văn minh hơn VN rất nhiều, họ tiếp nhận sự đa dạng để doanh nghiệp của họ bền vững về con người, văn hoá,... doanh nghiệp mà tuyển dụng NKT vào làm việc phù hợp với vị trí và được training tốt, có đủ khả năng và năng lực để làm việc thì là doanh nghiệp "được". Còn nếu tuyển dụng người không đủ khả năng thì thị trường sẽ tự đào thải thôi. Cái quan trọng là công việc phù hợp với dạng tật của NKT. Doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu và hợp tác với các tổ chức NKT để tuyển dụng lao động NKT phù hợp thì DN sẽ có khả năng tăng trưởng cao hơn” - Chị Lương Thúy cho biết.
Tuyển dụng Người khuyết tật: Doanh nghiệp Việt Nam “được” hay “mất?

Ngoài ra, ông Nguyễn Thanh Tùng cho rằng, Chính sách khuyến khích và ưu đãi người sử dụng lao động nhận lao động là người khuyết tật vào làm việc chưa thực sự phát huy tác dụng do còn nhiều bất cập, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.

“Rất ít doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật đạt được tỷ lệ từ 30% trở lên trong tổng số lao động để được thuộc diện hưởng chính sách, số doanh nghiệp đủ điều kiện hưởng lại gặp nhiều khó khăn khác khi tiếp cận chính sách, đặc biệt là ưu đãi về thuế, về mặt bằng sản xuất kinh doanh,...kết quả là số lượng doanh nghiệp có sử dụng lao động là người khuyết tật tiếp cận được chính sách ưu đãi rất hạn chế” - Ông Tùng nhấn mạnh.

Giải pháp nào cho bài toán khó?

Theo đại diện DRD Việt Nam, việc các doanh nghiệp “ngại” không muốn tuyển dụng người khuyết tật nói riêng và việc người khuyết tật không được bao gồm vào thị trường lao động nói chung sẽ bỏ qua một nguồn lực lao động dồi dào, giảm từ 1-7% GDP đối với nền kinh tế (ILO, 2009), làm tăng gánh nặng phụ thuộc.

Người nước ngoài làm việc tại Liên bang Nga sẽ được tiêm loại vắc xin nào?

Đồng thời, nguồn nhân lực khuyết tật cũng thúc đẩy chính sách đa dạng hòa nhập của doanh nghiệp. Theo nghiên cứu của nhóm tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey and Company, chính sách giúp nhân viên tự tin, cảm thấy được tôn trọng, lắng nghe và có giá trị nên tính gắn bó và cam kết cao. Doanh nghiệp cũng nâng cao giá trị thương hiệu, tăng lợi thế cạnh tranh , hoạt động tốt hơn, kết quả kinh doanh tốt hơn​ và thúc đẩy đổi mới, sáng tạo. 

Tuyển dụng Người khuyết tật: Doanh nghiệp Việt Nam “được” hay “mất?

Là tổ chức phi lợi nhuận đi đầu trong việc xóa bỏ rào cản và nâng cao năng lực cho người khuyết tật, giải pháp cho bài toán khó về người khuyết tật được ông Nguyễn Thanh Tùng, Trợ lý Giám đốc DRD Vietnam đưa ra như sau:

“Để góp phần giải quyết các vấn đề trên và tăng tỷ lệ lao động là người khuyết tật, DRD nỗ lực phối hợp với nhiều bên, bao gồm người khuyết tật, gia đình, các cơ sở đào tạo nghề, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp để: Xây dựng chương trình tư vấn hướng nghiệp bao trùm, phù hợp với dạng tật để người khuyết tật hiểu mình, hiểu nghề và hiểu trường; Thúc đẩy các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng chiến lược hòa nhập người khuyết tật tại cơ sở giáo dục để đảm bảo người khuyết tật được bình đẳng cơ hội học tập như những người không khuyết tật khác; Đổi mới và xây dựng chương trình đào tạo nghề dựa trên chuẩn năng lực, các ngành nghề đào tạo phải phù hợp với thị trường lao động. Đây là nền tảng để hình thành Trung tâm kết nối và Đào tạo D.Hub với sứ mệnh Nâng cao vị thế kinh tế cho người yếu thế bằng cách xây dựng lực lượng lao động chính thức và phi chính thức hoàn toàn miễn phí cho người yếu thế; Nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về lợi ích, tầm quan trọng của đa dạng và hòa nhập người khuyết tật tại nơi làm việc; đảm bảo cơ sở vật chất tiếp cận và bố trí sắp xếp công việc phù hợp với các dạng tật; Huy động, kết nối nguồn lực để giúp học bổng hỗ trợ người khuyết tật học tập; Vận động chỉnh sửa Luật người khuyết tật hướng đến việc đưa ra các quy định cụ thể về tỷ lệ phần trăm doanh nghiệp phải nhận người khuyết tật vào làm việc, cũng như các chính sách có liên quan khác…”

Ngoài ra, DRD đã phối hợp với doanh nghiệp để thực hiện chương trình đào tạo nghề và kỹ năng thông qua dự án D.Hub, cung cấp các gói hỗ trợ vốn có hoàn lại cho người khuyết tật. Đồng thời, DRD hợp tác với Jobway thực hiện các chương trình hướng nghiệp dành cho người khuyết tật; phối hợp với Aus4skills thực hiện các chương trình tập huấn nâng cao nhận thức và điều chỉnh chương trình giảng dạy tại một số trường và cơ sở giáo dục nghề nghiệp./.

Thảo luận