Chuyển đổi xu hướng mua sắm thuần túy sang trực tuyến
Ngày 30/5, qua báo đài anh Kim Long (28 tuổi, ngụ tại hẻm 178 Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận, TP. HCM) cùng gia đình xốn xang trước thông tin toàn TP.HCM sẽ thực hiện giãn cách 15 ngày theo chỉ thị 15+ từ 0h ngày 31/5, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) theo chỉ thị 16. Sau khi xác nhận nguồn tin là chính thống, anh Long chạy xe ra siêu thị gần nhà để mua một số thực phẩm, mặt hàng nhu yếu phẩm đề phòng trường hợp đi lại khó khăn từ ngày mai.
“Lúc đến siêu thị Vinmart gần nhà, tôi giật mình vì hàng người dài xếp hàng chờ vào mua sắm. Nhiều người rất nhanh nắm được thông tin và đổ xô đi mua thực phẩm về trữ. Tôi cũng tính vậy nhưng đến đó thì bỏ cuộc, vì tình hình dịch bệnh căng thẳng mà xếp hàng đông như vậy tôi cảm thấy không an toàn”, anh Long nói với Sputnik qua điện thoại.
Về nhà, sau khi trao đổi với mọi người trong nhà, anh Long quyết định tìm đến các kênh mua sắm trực tuyến để đặt hàng. Một số kênh đã hết nhiều mặt hàng thiết yếu, anh phải tìm qua kênh khác.
“Thực phẩm thì mình không lo lắm, nay hết mai lại có. Thành phố đã nói như vậy rồi nên mình khá yên tâm. Có điều một số nhu yếu phẩm như đồ uống hộp, đồ ăn vặt, dầu gội, sữa tắm, giấy vệ sinh hết thì mình sẽ mua trên sàn thương mại điện tử. Mình nghĩ đây là phương án tốt vừa tiết kiệm thời gian, vừa an toàn trong mùa dịch. Chỉ cần ngồi nhà đợi vài ngày là có hàng”.
Xu hướng chuyển sang mua sắm trực tuyến như gia đình anh Long đã bùng nổ trong đợt giãn cách xã hội mới ở TP.HCM.
Trao đổi với Sputnik về những biến động về xu hướng mua sắm và lưu lượng truy cập trên sàn thương mại điện tử Shopee, ông Trần Tuấn Anh – Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam – cho biết:
“Năm 2020 - 2021 mang ý nghĩa chuyển đổi đặc biệt đối với ngành thương mại điện tử. Trong thời gian thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội tại nhà, người tiêu dùng bắt đầu chuyển sang các nền tảng trực tuyến để vừa đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày, vừa phục vụ mục đích tương tác và giải trí. Điều này dẫn đến việc mua sắm trực tuyến phát triển từ trải nghiệm giao dịch thuần túy sang trải nghiệm mang tính xã hội hơn. Các nền tảng thương mại điện tử tích hợp nhiều yếu tố tương tác như trò chơi và livestream để gia tăng kết nối với người dùng”.
Trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, người dân được khuyến khích ở nhà và thực hiện giãn cách xã hội. Do đó, chúng tôi thấy nhiều người Việt Nam chuyển sang sử dụng các nền tảng trực tuyến cho các nhu cầu thiết yếu hàng ngày của họ, thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu đối với tất cả các danh mục ngành hàng, nổi bật là các mặt hàng tiêu dùng nhanh, sản phẩm chăm sóc và bảo vệ sức khỏe và sắc đẹp, đồ điện tử và đồ gia dụng, theo ông Trần Tuấn Anh.
Về kế hoạch dự báo và chuẩn bị nguồn hàng hóa trong đợt giãn cách xã hội để đáp ứng nhu cầu mua sắm, ông Trần Tuấn Anh cho biết:
“Trước tình hình dịch bệnh đang có nhiều diễn biến phức tạp, để hỗ trợ các biện pháp giãn cách xã hội, đồng thời đảm bảo rằng người dùng có thể tiếp tục tiếp cận các mặt hàng thiết yếu ngay tại nhà một cách dễ dàng, Shopee cũng đã triển khai chiến dịch “Ở nhà không khó, ship Shopee lo” giúp người dùng dễ dàng mua sắm các mặt hàng thiết yếu hàng ngày trên nền tảng của chúng tôi. Shopee cũng giới thiệu nhiều chương trình ưu đãi 50% và miễn phí vận chuyển nhằm đem lại cho người dùng những trải nghiệm mua sắm an toàn, tối ưu với mức chi phí thấp”.
“Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các thương hiệu/nhà bán hàng trong giai đoạn này nhằm đảm bảo mang đến cho người mua nhiều lựa chọn về sản phẩm chính hãng từ những vật dụng hàng ngày cho đến sản phẩm cao cấp, đáp ứng tối ưu nhu cầu của người dùng”.
Mức giá hợp lý, cạnh tranh, nguồn hàng phong phú, đa dạng, cùng với đó là nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn là lý do nhiều người tìm đến nền tảng này để mua sắm.
Bùng nổ giao dịch trên các sàn thương mại điện tử
Không chỉ ở TP.HCM, xu hướng mua hàng trực tuyến đã lan tỏa đến nhiều thành phố lớn, gồm cả Hà Nội. Chị Lan Anh, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, bộc bạch:
“Tôi có thói quen mua sắm online từ lâu, nhưng trong các đợt giãn cách xã hội hoặc bùng phát dịch Covid-19, tôi gần như chuyển hoàn toàn qua mua sắm ở các nền tảng thương mại điện tử: từ shopping, đặt đồ ăn, cà phê, gọi xe công nghệ đến mua sách, đồ dùng lặt vặt… Hình thức thanh toán hoàn toàn qua ví điện tử nên rất tiện lợi, tiết kiệm thời gian, công sức đi lại và đảm bảo hạn chế tối đa tiếp xúc trong mùa dịch”.
Thông tin với Sputnik về tình hình kinh doanh sau một tuần giãn cách xã hội tại TP.HCM (31/5-6/6), đại diện Tiki cho biết:
“Sau một tuần TP. HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Chính phủ, sàn thương mại điện tử Tiki đã ghi nhận mức độ tăng trưởng trên toàn sàn gấp 3 lần so với thời gian trước giãn cách. Trong đó, các ngành hàng cho thấy mức độ tăng trưởng vượt bậc, lên đến 30%, có thể kể đến như: hàng tiêu dùng, thiết bị gia dụng – nhà cửa đời sống, chăm sóc sức khỏe, công nghệ, thời trang”.
Tiki cho biết trong thời gian giãn cách phòng chống dịch bệnh, bên cạnh nguồn cung sản phẩm đa dạng, giá bán bình ổn và tiết kiệm cho người tiêu dùng, dịch vụ giao hàng nhanh và đảm bảo an toàn cũng là yếu tố đáng quan tâm, được Tiki đầu tư triển khai.
“Cụ thể, tỷ lệ giao hàng đúng hẹn luôn được Tiki duy trì ổn định ở mức gần 96%, trong đó tỷ lệ giao hàng đúng hẹn đối với riêng dịch vụ giao hàng nhanh TikiNOW 2h đặt mức trên 98%. Đồng thời, để đảm bảo an toàn trong giao nhận, tất cả nhân viên giao nhận tại Tiki bắt buộc phải nghiêm túc tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Ngoài ra, Tiki cũng có nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn khi khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến qua thẻ ngân hàng, ví điện tử...nhằm khuyến khích người tiêu dùng hạn chế sử dụng tiền mặt - nguồn nguy cơ lây bệnh trong giai đoạn dịch bệnh như hiện nay”.
Tương tự như Shopee, đại diện của Tiki cũng cho biết họ đang phối hợp chặt chẽ với các nhà cung cấp để đẩy mạnh nguồn cung hàng hóa ở hầu hết các ngành hàng, dự kiến tăng lên đến 50%, đặc biệt ở ngành hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm tươi sống và công nghệ. Riêng nguồn cung đối với các sản phẩm chăm sóc sức khỏe tăng gấp 3 lần, đặc biệt sản phẩm nước rửa tay tăng gấp 25 lần.
Trong khi đó, đại diện sàn Lazada nhận định trải qua 3 làn sóng Covid-19, người dân đã làm quen với việc mua sắm các nhu yếu phẩm cần thiết qua các kênh online thay vì lo lắng tích trữ hàng hóa quá mức như trước đây. Do đó, so với đợt giãn cách xã hội lần đầu tiên vào đầu tháng 4/2020, ngành hàng tiêu dùng nhanh tăng trưởng gấp 3 lần. Ngoài ra, doanh số bán thực phẩm tươi sống và các sản phẩm đông lạnh đã tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Có thể nói, đại dịch Covid-19 đã đóng vai trò như một đòn bẩy cho thương mại điện tử, thúc đẩy nhu cầu mua sắm trực tuyến của người dân đối với các mặt hàng thiết yếu.