Tối 5/6, tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã diễn ra lễ ra mắt Quỹ vaccine phòng COVID-19. Theo lời Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính, Đảng, Nhà nước, Chính phủ hiểu và trân trọng mọi đóng góp của người dân, doanh nghiệp vào Quỹ vaccine phòng COVID-19 và đây là Quỹ của sự nhân ái, của tinh thần đoàn kết, của niềm tin.
Đại diện các tổ chức quốc tế lớn ca ngợi sáng kiến của Việt Nam thành lập Quỹ vaccine phòng Covid. Quỹ được chính phủ thành lập vào ngày 26/5 và tính đến ngày 5/6, quỹ đã nhận được hơn 45 triệu đô la Mỹ (hơn 1 nghìn tỷ đồng). Để mua 150 triệu liều vaccine như kế hoạch của chính phủ Việt Nam đưa ra, cần số tiền 25 nghìn tỷ đồng.
Thành lập Quỹ vaccine là bước đi đúng đắn và quan trọng
“Đại diện WHO, WB, EU tại Việt Nam cho rằng việc thành lập Quỹ là bước đi đúng đắn và quan trọng của Chính phủ Việt Nam trong cuộc chiến chống coronavirus. Các tổ chức này tích cực ủng hộ sáng kiến này của Việt Nam ở các cấp độ khác nhau”, - PGS-TS Hoàng Giang nói với Sputnik .
“Việc thành lập Quỹ Vaccine COVID-19 của Việt Nam không chỉ đơn thuần là quyên góp tiền đóng góp cho việc mua vaccine phòng chống COVID-19 mà còn quan trọng hơn là khơi dậy, thúc đẩy tinh thần yêu nước, tinh thần tương thân tương ái và cao hơn hết là gắn kết khối đại đoàn kết của toàn dân Việt Nam trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” này”, - Chuyên gia về các vấn đề đối nội của Việt Nam Hồng Long nói với Sputnik.
Đồng thời, đó cũng là sự đóng góp đáng kể cho việc thúc đẩy nhanh chóng quá trình nghiên cứu, chế tạo vaccine trong nước để chủ động nguồn cung vì Chính phủ Việt Nam đã có cơ sở để dự báo rằng đại dịch COVID-19 chắc chắn chấm dứt nhưng virus SARS-COV-2 thì cũng sẽ còn tồn tại lâu dài như nhiều loại virus gây hại khác.
“Đây là cách thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm mà Việt Nam đã vận dụng từ nhiều thập kỷ nay để đối phó với các tình huống nguy hiểm như chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh,v.v… và đều thu được thành công nhờ tinh thần đoàn kết của toàn dân tộc”, - Chuyên gia Hồng Long bình luận với Sputnik.
Làm sao để có 25 nghìn tỷ đồng để mua 150 triệu liều vaccine
Như Sputnik đã đề cập ở trên, tính đến ngày 5/6, Quỹ đã nhận được hơn 45 triệu đô la Mỹ (hơn 1 nghìn tỷ đồng). Nhưng Việt Nam cần tới 25 nghìn tỷ đồng để mua 150 triệu liều vaccine. Vậy các nguồn khác sẽ lấy từ đâu?
Theo thông tin từ trang web của “Kho bạc Nhà nước Việt Nam” thì đến 18 giờ chiều ngày 7/62021, số tiền quyên góp đã được chuyển vào tài khoản của “Quỹ vaccine phòng COVID” tại Kho bạc Nhà nước Việt Nam là trên 1.425 tỷ VND.
“Và số tiền đóng góp sẽ còn tăng thêm bởi nhiều nhà tài trợ đã đăng ký đóng góp với tổng số tiền lên tới 4.554 tỷ VND nhưng còn đang thu xếp kinh phí. Như vậy, ít nhất cho đến thời điểm hiện tại,Quỹ vaccine phòng chống COVID-19 của Việt Nam có thể huy động được gần 6.000 tỷ VND (đã quy đổi)”, - Chuyên gia Hồng Long chia sẻ thông tin với Sputnik.
Bên cạnh đó, một số tỉnh, thành phố và tổ chức cũng có những cách đóng góp khác nhau vào “Chiến lược vaccine”. Hà Nội dành 100 tỷ VND để đóng góp vào quỹ nhưng cũng dành ra 1.000 tỷ VND để mua vaccine tiêm cho người dân thủ đô. Quảng Ninh cũng có động thái tương tự khi ủng hộ 100 tỷ VND cho Quỹ vaccine COVID những cũng dành ra 500 tỷ VND để mua vaccine tiêm cho người dân trong tỉnh. Cũng có những doanh nghiệp như Tập đoàn Hưng Thịnh không đóng góp bằng tiền mà đóng góp bằng hiện vật với cam kết cung cấp 430.000 liều vaccine (chưa rõ loại nào) cho Quỹ vaccine COVID của Việt Nam.
Số tiền quyên góp cho quỹ này sẽ được Kho bạc Nhà nước Việt Nam công khai cập nhật trên trang web của “Kho bạc Nhà nước” (https://www.mof.gov.vn/webcenter/portal/kbnn) và sẽ còn tăng thêm trong thời gian tới.
“Đương nhiên là dù có thể quyên góp được từ 10.000 tỷ VND đến 15.000 tỷ VND thì Ngân sách Nhà nước vẫn phải chi một khoản tiền tương đương như vậy nhằm có đủ 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 để tiêm cho ít nhất 75 triệu người Việt Nam, tạo ra miễn dịch cộng đồng tương đối bền vững”, - Chuyên gia Hồng Long nói với Sputnik.
“Sự đóng góp của các công ty tư nhân, người dân là vô giá. Nó thể hiện tinh thần đoàn kết tuyệt vời mang tính truyền thống của người Việt Nam. Nhưng, tôi cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã phải có chiến lược quỹ vaccine sớm hơn, và phải dành khoản chi cho mua vaccine sớm hơn. Tôi rất ngạc nhiên là chỉ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát thì chúng ta mới biết là cần tiền để mua vaccine như thế nào. Còn bây giờ việc Chính phủ Việt Nam sẽ quản lý và sử dụng công bằng, hiệu quả các khoản đóng góp từ các cá nhân và doanh nghiệp tư nhân là vô cùng quan trọng. Có được niềm tin của dân thì phải giữ niềm tin đó như thế nào. Điều đó sẽ mang lại những giá trị mới cho chiến lược chống lại đại dịch đang hoành hành”, - PGS-TS Hoàng Giang phát biểu với Sputnik.