Việt Nam kiên quyết phản đối
“Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hành động xâm phạm chủ quyền và các quyền liên quan của Việt Nam tại quần đảo này”.
“Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam và luật pháp quốc tế, tuân thủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình và đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông, cũng như tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán Bộ quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC)”, bà Hằng nói thêm.
Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines Cirilito Sobejana vào đầu tháng 5 cho biết quân đội nước này sẽ đề nghị chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte chi tiền củng cố, xây thêm cơ sở hậu cần trên đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Nguồn tin chính phủ Philippines hôm 21/5 tiết lộ Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana sắp ký hợp đồng sửa chữa, nâng cấp đường băng tại thực thể này.
Trung Quốc hỗ trợ Campuchia nâng cấp căn cứ hải quân
Trả lời yêu cầu bình luận trước việc truyền thông quốc tế đưa tin Trung Quốc hỗ trợ Campuchia nâng cấp căn cứ hải quân Ream, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói:
“Là quốc gia láng giềng với cả Trung Quốc và Campuchia, Việt Nam coi trọng quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống với cả Trung Quốc và Campuchia, cũng như mong muốn quan hệ Trung Quốc - Campuchia đóng góp tích cực vào hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng của khu vực cũng như trên thế giới”.
Tàu Việt Nam và Trung Quốc xuất hiện gần nhau ở Biển Đông
Trước câu hỏi “trong khoảng thời gian từ 04-07/06, có vẻ như tàu số hiệu Benhai 09952 và tàu hải cảnh Trung Quốc CCG 4301 đã xuất hiện gần nhau ở khu vực gần đảo Tri Tôn của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng phi pháp, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói:
“Việt Nam luôn theo dõi sát các hoạt động tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, cũng như vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông. Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế”.
“Là thành viên của Công ước Luật Biển của LHQ 1982, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước”, bà Hằng nói thêm.
Trước đó, theo dữ liệu hành trình được ghi lại bởi trang Marine Traffic do nhà nghiên cứu Zachary Haver công bố, tàu số hiệu Benhai 09952 được cho là của Việt Nam và tàu hải cảnh Trung Quốc CCG 4301 đã xuất hiện gần nhau ở khu vực gần đảo Tri Tôn mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Có những thời điểm hai tàu cách nhau gần nhất chừng 3,3 hải lý sau đó vẫn duy trì sự hiện diện trong khu vực.