Dưới sự chỉ đạo của Hoa Kỳ
Trong tài liệu tổng kết hội nghị diễn ra tại khu nghỉ dưỡng bên bờ biển thuộc hạt Cornwall của Vương quốc Anh, các nhà lãnh đạo bảy quốc gia lớn nhất thế giới đã nhắc đến Trung Quốc nhiều lần về «tội» vi phạm nhân quyền, bành trướng trong quan hệ kinh tế và quốc phòng, và họ kêu gọi kiểm tra lại một lần nữa xem liệu Trung Quốc có phải là nguồn gốc phát tán coronavirus gây đại dịch COVID-19 trên khắp thế giới hay chăng. Thực ra những đề tài này không phải là mới mẻ, dư luận đã nghe các đại diện Nhà Trắng cáo buộc nhiều lần. Tuy nhiên, tại những cuộc gặp trước của G7, từ «Trung Quốc» không xuất hiện trong thông cáo chung. Như vậy có nghĩa là lần này Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã gây được sức ép nhất định với những nhân vật đồng cấp nước ngoài và đạt tới sự ủng hộ dành cho tuyến đường lối chống Trung Quốc mà chính quyền của ông đang theo đuổi.
Ngoài ra cũng thấy rõ là Nhà Trắng đã có thể tác động đến đại diện của 30 quốc gia thành viên khối Liên minh Bắc Đại Tây Dương - NATO. Tại hội nghị thượng đỉnh của tổ chức này, người ta đã nhấn mạnh rằng Trung Quốc là «thách thức mang tính hệ thống» đối với các nước NATO.
«Những tham vọng đã tuyên bố và hành vi độc đoán của Trung Quốc thể hiện thách thức mang tính hệ thống đối với trật tự quốc tế dựa trên cơ sở pháp lý và những lĩnh vực gắn với an ninh của khối Liên minh», - tuyên bố của tổ chức này nêu rõ.
Vậy điều gì khiến các quốc gia ở tận châu Âu-Đại Tây Dương cách xa biên giới Trung Quốc cũng lo sợ? Theo lời Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, các thành viên Liên minh e ngại rằng Trung Quốc đang «nhanh chóng mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình với số lượng đầu đạn nhiều hơn và chất lượng phức tạp hơn, hệ thống cung cấp tinh vi hơn», thêm nữa Bắc Kinh đang tăng cường hợp tác quân sự với Matxcơva.
Đáng chú ý là mãi cho đến gần đây, ban lãnh đạo NATO còn không cho rằng cần phải để mắt đến Trung Quốc cũng như mọi thứ diễn ra với đất nước Á châu này. Chẳng hạn vào tháng 1 năm 2016, tướng Peter Pavel đứng đầu Ủy ban Quân sự của NATO dõng dạc tuyên bố rằng khối Liên minh không có cơ sở pháp lý nào để can thiệp vào cuộc tranh chấp của Trung Quốc với các nước láng giềng về quyền sở hữu các đảo ở Biển Đông:
«Chúng tôi cố gắng hết mức có thể để làm việc trong biên giới thuộc khu vực của chúng tôi và sẽ không can thiệp vào vấn đề của những khu vực khác», - viên tướng quả quyết.
Tức là, chỉ 5 năm về trước, NATO còn nhớ rõ rằng khu vực trách nhiệm của khối Liên minh là châu Âu và Đại Tây Dương, chứ không phải là Thái Bình Dương và vùng Đông Á xa xôi.
Công bằng mà nói thì tuy bề ngoài ủng hộ luận điệu chống Trung Quốc của Nhà Trắng, nhưng không phải tất cả các đồng minh của Washington đều công khai quyết liệt chống Bắc Kinh. Ví dụ như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh tại hội nghị thượng đỉnh rằng G7 «không phải là một Câu lạc bộ thù địch với Trung Quốc». Còn Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Hungary Viktor Orban khi phát biểu tại diễn đàn đã lưu ý rằng họ không muốn xảy ra «chiến tranh lạnh với Trung Quốc».
Hiệu ứng đối với Đông Nam Á
Bất kể người ta nói gì tại Brussels và Cornwall, thái độ thù địch e ngại trước sự trỗi dậy bành trướng của Trung Quốc sẽ thúc đẩy hành động cụ thể của Chính phủ các nước NATO. Ngay hiện giờ tàu chiến của các nước NATO như Anh, Pháp, Đức đang tiến vào vùng Biển Đông và eo biển Đài Loan. Ở đó họ tham gia những cuộc tập trận chung với tàu chiến của Hải quân Hoa Kỳ, một biểu hiện của «chiến tranh lạnh sơ khởi», như nhận xét cách đây chưa lâu của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Như vậy, không loại trừ nguy cơ NATO sẽ là một trong những bên tham gia ráo riết vào «Chiến tranh Lạnh» mới ở khu vực khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Cũng tại Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này đã khởi động dự án quốc tế có tên gọi «Xây dựng thế giới mới tốt đẹp hơn» (Build Back Better World), sẽ cạnh tranh với sáng kiến «Vành đai và Con đường» (Nhất đới nhất lộ) của Trung Quốc. Hiện chưa biết chi tiết nhưng mức kinh phí của dự án như đã công bố là 100 tỷ USD, và đối tượng là các nước có thu nhập trung bình và thấp trên thế giới. Dễ thấy là trong bối cảnh dự án này, các quốc gia Đông Nam Á và Nam Á sẽ phải đối mặt với tình huống không mấy dễ chịu: lựa chọn hợp tác với siêu cường nào dành cho họ sự bảo trợ.