Bộ Công Thương "rắn tay", mía đường Thái Lan bị "nghẽn" lối vào Việt Nam

HÀ NỘI (Sputnik) - Bộ Công Thương Việt Nam vừa ban hành quyết định áp dụng chống bán phá giá với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan trong vòng 5 năm.
Sputnik

Từ "tạm thời" đến lâu dài

Ngày 15/6, Bộ Công Thương ban hành quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan ở mức 47,64%. Quyết định có thời hạn 5 năm và có thể được rà soát theo đúng quy định pháp luật.

Đắk Lắk: Lửa lớn thiêu rụi 100 ha mía nguyên liệu, thiệt hại khoảng 10 tỉ đồng

Trước đó, trên cơ sở kết quả điều tra sơ bộ, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời hôm 9/2. Vụ việc được bắt đầu điều tra ngày 21/9/2020 sau khi cơ quan này thẩm định hồ sơ yêu cầu của đại diện ngành sản xuất trong nước. Kết quả điều tra cho thấy các sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan, bao gồm đường tinh luyện và đường thô, đã được trợ cấp, bán phá giá ở mức 47,64%.

Đồng thời, ngành sản xuất đường mía trong nước phải chịu thiệt hại nặng nề, thể hiện ở các yếu tố như hàng hóa nhập khẩu bị điều tra tăng mạnh, có tác động kìm giá, suy giảm sản lượng, công suất, lượng bán hàng, thị phần, doanh thu, lợi nhuận. Nguyên nhân chính là do đường nhập khẩu được trợ cấp và bán phá giá từ Thái Lan tăng mạnh trong năm 2020, lên tới gần 1,3 triệu tấn, tăng 330,4% so với năm 2019.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan theo dõi tác động của biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tình hình sản xuất, cung cầu, giá cả... để triển khai các biện pháp ổn định thị trường đường theo đúng quy định.

Những kì vọng của mía đường Việt Nam trước thị trường tích cực

Có thể nói ngành mía đường Việt Nam khởi đầu năm 2021 với nhiều tín hiệu tích cực về thị trường. Đồng thời, quyết định áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với đường mía xuất xứ Thái Lan được kỳ vọng phần nào sẽ giúp mía đường Việt phục hồi sản xuất.

Bất chấp dịch Covid-19 lan rộng, ngành xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng

Ngay sau khi hiệp định ATIGA chính thức có hiệu lực, thuế suất nhập khẩu mặt hàng đường vào Việt Nam giảm bình quân từ 85% xuống 5%. Đồng nghĩa với việc không còn rào cản thuế, hàng nhập khẩu từ Thái Lan tràn vào Việt Nam theo đường chính ngạch với tổng lượng đường nhập năm 2020 tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm trước với giá rẻ bất ngờ nhờ vào các biện pháp trợ giá cho doanh nghiệp từ chính phủ Thái Lan.

Bên cạnh đó, còn một lượng lớn đường nhập lậu ồ ạt vào Việt Nam chưa được kiểm soát cũng được đội lốt đường nhập khẩu để hưởng ưu đãi về thuế. Bước sang năm 2021, ngành mía đường Việt Nam liên tục đón nhiều tin vui. Giá đường trong nước có xu hướng tăng nhờ vào tác động tích cực của chiều tăng giá đường thế giới.

Đồng thời, từ đầu năm 2021, giá đường thế giới tăng giá nhiều phiên liên tiếp và thậm chí lên mức cao kỷ lục sau 3,5 năm. Giá đường thô tháng 3/2021 là 16,41 US cent/lb, tiếp tục tăng 3,6% so với tháng trước. Tại thị trường trong nước, giá mua mía ở miền Nam và miền Trung đã tăng đến mức bình quân 950.000 đồng/tấn tại ruộng. Tại miền Bắc bình quân 900.000 đồng/tấn. Ngoài ra, ở một số địa phương giá mua mía đã tăng đến mức bình quân 1.100.000 đồng/tấn tại ruộng.

Một nông dân trồng mía tại tỉnh Sơn La cho biết:

"Hiện nay, giá mía nguyên liệu bán cho các nhà máy đường đạt trên 900.000đ/ tấn. Bà con rất phấn khởi và hy vọng mức giá này được duy trì trong thời gian tới. Mong chính sách mới của nhà nước sớm thúc đẩy giá đường trong nước để nông dân có thể sống được nhờ cây mía".

Quyết định của Bộ công thương sẽ mang lại những lợi ích nào?

Sau gần một năm với đầy biến động gây thiệt hại đáng kể, việc Việt Nam bắt đầu thực hiện áp dụng phòng vệ thương mại được các chuyên gia đánh giá là việc làm đúng đắn, kịp thời, phù hợp với luật pháp quốc tế. Theo đó, các sản phẩm đường nhập khẩu vào nước ta có xuất xứ từ Thái Lan sẽ bị áp mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp.

Chính quyền khu vực Nga sẽ hỗ trợ các nhà xuất khẩu thâm nhập thị trường Việt Nam

Thông tin này sẽ góp phần đưa lại tâm thế tích cực cho đông đảo nông dân, doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất mía đường, mang lại kỳ vọng tăng trưởng ngọt ngào cho ngành mía đường Việt trong năm nay và những năm tới. Quyết định này cũng giúp thị trường cân bằng trở lại và mang lại nhiều lợi ích:

Thứ nhất, giá đường tăng sẽ giúp giá thu mua mía nguyên liệu tăng, nông dân đảm bảo thu nhập và có lãi để tiếp tục đầu tư cho cây mía. 

Thứ hai, doanh nghiệp ngành đường có dư địa phát triển, tạo công ăn việc làm cho nhân công và bao tiêu được toàn bộ sản phẩm cho nông dân trồng mía. 

Thứ ba, người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm đường chất lượng cao, nguồn gốc rõ ràng, an toàn cho sức khỏe. 

Thứ tư, thị trường đường được bình ổn sẽ giúp ổn định chất lượng, giá cả đường nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất có sử dụng đường làm nguyên liệu như bánh kẹo, sữa, nước giải khát,.. 

Và cuối cùng, Nhà nước được tăng thu ngân sách nhờ vào các khoản thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp từ các nhà máy đường khi họ ổn định sản xuất và hoạt động hiệu quả.

Việt Nam đánh giá lại quy mô GDP: Lộ ra một triệu tỷ đồng bị bỏ sót mỗi năm

Thực tế cho thấy, lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan trong năm 2020 xấp xỉ 1,3 triệu tấn, nghĩa là trung bình mỗi tháng ở ngưỡng hơn 100.000 tấn. Tuy nhiên, con số này đã giảm đến mức đáng kể sau khi các biện pháp phòng vệ chính thức có hiệu lực, từ ngày 15/2 đến 2/3/2021 lượng đường nhập từ Thái Lan chỉ còn 25.000 tấn.

Tuy nhiên, để tiến tới con đường lâu dài thì cả nhà nước và các doanh nghiệp cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt những giải pháp chiến lược như: sàng lọc, tái cơ cấu và tập trung đầu tư cho vùng nguyên liệu và nhà máy sản xuất hoạt động hiệu quả, năng suất; đầu tư nghiêm túc cho công nghệ nhằm tối ưu hoá quy mô, đa dạng hoá sản phẩm từ cây mía và phế phụ phẩm.

Trong năm 2021, ngành mía đường Việt Nam được kỳ vọng sẽ từng bước khôi phục khi giá đường thế giới được dự báo sẽ duy trì ở mức cao do tình trạng cung không đủ cầu và mở ra triển vọng tăng cao vị thế cạnh tranh trên bản đồ mía đường quốc tế.

Thảo luận