Hàng loạt lãnh đạo bị bắt khởi tố: "Bóng dáng" Luật đất đai ở đâu?

HÀ NỘI (Sputnik) - Liên tiếp hoàng loạt lãnh đạo bị bắt liên quan đến đất đai gần đây cho thấy cần hướng tới việc sửa đổi luật phù hợp hơn, đặc biệt trong công tác "đốt lò".
Sputnik

Hồi chuông cảnh báo về tiêu cực trong các dự án đất đai

Chiều 8/6, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam, khám xét nơi ở đối với 2 cựu chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa là Nguyễn Chiến Thắng (66 tuổi) và Lê Đức Vinh (56 tuổi) về tội "vi phạm các quy định về quản lý đất đai". Cùng bị khởi tố, bắt tạm giam trong vụ án này còn có cựu giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Khánh Hòa Lê Mộng Điệp (66 tuổi).

Hai cựu Chủ tịch Khánh Hòa Lê Đức Vinh, Nguyễn Chiến Thắng bị bắt

Hay vụ việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương nhiệm kỳ 2015-2020, Ban cán sự đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 và các cá nhân liên quan. Qua đó, tại kỳ họp thứ tư diễn ra từ 14-16/6, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xác định ông Trần Văn Nam hiện là Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương chịu trách nhiệm trực tiếp khi giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ký văn bản áp dụng giá đất tính thu tiền sử dụng đất.

Cùng những vi phạm quy định pháp luật về đất đai, gây thất thoát lớn ngân sách nhà nước. Cụ thể là thực hiện trái chủ trương về phương án sử dụng 43ha đất tại Tổng Công ty 3/2 (dự án Khu đô thị Tân Phú); hợp thức việc chuyển nhượng trái phép dự án Tân Phú cho tư nhân; để Tổng Công ty 3/2 đưa 145ha đất góp vốn vào Công ty Tân Thành trái pháp luật (sân golf Harmonie Golf Park).

Cũng trong tháng 6/2021, Công an tỉnh Khánh Hòa đã tống đạt quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Chiến Thắng, nguyên Chủ tịch tỉnh Khánh Hoà nhiệm kỳ 2011-2016; ông Lê Đức Vinh, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa nhiệm kỳ 2015-2020, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021; ông Lê Mộng Điệp, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cùng về tội Vi phạm quy định về quản lý đất đai theo Điều 229 Bộ Luật Hình sự.

Những sai phạm trong công tác liên quan đến đất đai nói riêng và luật đất đai nói chung là hồi chuông cảnh báo, đòi hỏi cần phải sửa đổi Luật Đất đai với những quy định chặt chẽ hơn. Cụ thể hơn là về công tác chống tiêu cực liên quan đến đất đai.

"Nguồn lực đất đai hữu hạn" nhưng tham nhũng thì "vô hạn"

Trước đó, khi nhắc đến những kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp về việc sửa đổi Luật Đất đai do còn nhiều vấn đề vướng mắc, bất cập chưa được giải quyết, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết đây là những vấn đề người dân rất quan tâm trong nhiệm kỳ 2016-2020 vừa qua.

Do đó, bằng các Nghị định của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rà soát, tháo gỡ các khó khăn để “giải phóng” nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, điều này “mới chỉ làm được một phần” và thực tế vẫn còn những vấn đề đáng lưu ý như khiếu kiện, thất thoát đất đai, lợi dụng các chính sách chưa chặt chẽ để tham ô, tham nhũng.

Theo ông Hà, xung đột trong quá trình phát triển và nhiều thủ tục là rào cản trong khi người dân, doanh nghiệp tiếp cận đất đai. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay:

Đại biểu QH tỉnh Kiên Giang: “Hy vọng không lùi, rút với Luật Đất đai”

“Đất đai là một loại tài nguyên đặc biệt. Chúng ta cũng đã xác định Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, nhưng đất đai là sở hữu công cộng, nên phải giải quyết triệt để vấn đề sở hữu công cộng về đất đai cũng như các quyền của người dân đối với đất đai; đưa nguồn lực này vào phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị, an ninh quốc phòng... Do đó, chúng ta cần giá trị gia tăng của các dự án đầu tư về sản xuất công nghiệp, dịch vụ trên đất đai hơn là thu từ đất đai, bởi nguồn lực đất đai là hữu hạn”.

Hay gần đây nhất, trong phiên họp thứ 57 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14/6, đại biểu cho ý kiến về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và việc điều cho năm 2021. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu băn khoăn khi Luật Đất đai đã được đưa vào kế hoạch hành động của Đảng đoàn Quốc hội và dự kiến được sửa vào cuối tháng 5/2022. Tuy nhiên, chương trình lần này Chính phủ trình ra lại “không thấy bóng dáng của Luật Đất đai”.

Ông Thanh nhấn mạnh:

“Tôi đi công tác địa phương thấy nhiều nơi bày tỏ có nhiều vướng mắc. Một số vấn đề mẫu thuẫn đã được sửa khi sửa Luật Đầu tư và Luật doanh nghiệp, song những vấn đề cốt lõi phải sửa ở Luật Đất đai. Trong chương trình xây dựng pháp luật lại không thấy có”.

Có sửa đổi nhưng chưa triệt để

Trên thực tế, tuy đã ra đời được 8 năm nhưng Luật Đất đai 2013 vẫn còn nhiều bất cập, chồng chéo như cách xác định hành vi vi phạm; thời hạn phê duyệt dự án đầu tư công, kế hoạch sử dụng đất... dẫn đến việc mập mờ trách nhiệm quản lý, khó khăn trong quá trình tổ chức, thực hiện. Quan trọng hơn, những kẽ hở đang tồn tại trong bộ luật như là mảnh đất màu mở để tham nhũng, tiêu cực đâm chồi.

Chính vì thế, cuối tháng 12/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký ban hành Kế hoạch tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó có phần đánh giá những chồng chéo, mâu thuẫn và không thống nhất giữa Luật Đất đai năm 2013 với luật chuyên ngành có liên quan và sự phù hợp, cũng như những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Đất đai.

Câu chuyện quy hoạch: "Đã trễ mà còn chậm nữa thì không đảm bảo được"

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đặt ra yêu cầu phải sớm sửa đổi Luật Đất đai trong nhiệm kỳ này.

Theo giới chuyên gia, dự án sửa đổi Luật Đất đai là một dự án lớn, sửa đổi một đạo luật quan trọng bậc nhất, quyết định và có ảnh hưởng đến hàng loạt các luật liên quan khác. Vì vậy, luật cần phải mang tính trí tuệ, bao quát và phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong thời gian tới và quan trọng hơn, đó là phải triệt tiêu những tệ nạn, tham nhũng có thể nảy sinh từ nguồn lực đất đai.

Thảo luận