Đại dịch COVID-19

Thêm 81 ca mắc Covid-19 mới, riêng TP HCM có 60 ca

HÀ NỘI (Sputnik) - Theo bản tin sáng 18/6 của Bộ Y tế, trong 81 ca mắc Covid-19 mới, 76 trường hợp được phát hiện trong khu cách ly hoặc địa điểm phong tỏa.
Sputnik

TP HCM ghi nhận tổng ca nhiễm kỷ lục

Có thể nói hôm qua là một ngày khó khăn với TP HCM khi ghi nhận số lượng ca nhiễm kỷ lục lên tới 137 bệnh nhân Covid-19 chỉ sau 24 giờ. Đây là số ca mắc trong ngày cao nhất tại thành phố kể từ khi dịch Covid-19 lần 4 bùng phát.

Hôm nay 18/06, TP.HCM và Bắc Giang là 2 tỉnh, thành có thêm bệnh nhân Covid-19 vào sáng nay.

Hoả tốc chuyển 1 triệu liều vaccine do Nhật Bản hỗ trợ vào TP HCM

Trong 60 bệnh nhân ghi nhận tại TP HCM gồm: 51 ca là trường hợp F1, 4 người liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng, 5 ca đang được điều tra dịch tễ.

Tại Bắc Giang, 21 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 được phát hiện trong khu cách ly và địa điểm đã được phong tỏa, liên quan công nhân làm tại các khu công nghiệp.

Đến nay, Việt Nam có tổng cộng 10.564 ca ghi nhận trong nước và 1.667 bệnh nhân nhập cảnh. Số lượng bệnh nhân tính từ 27/4 đến nay là 8.994, trong đó, 1.879 người đã được công bố khỏi Covid-19. 25 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.

Ngày 17/6, Bộ Y tế tiến hành phân bổ đợt 5 vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca cho các địa phương. Trong đó, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) được nhận số lượng nhiều nhất với 786.000 liều. Thành phố này chuẩn bị chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay với gần một triệu người thuộc nhóm ưu tiên tiêm chủng.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết đây là chiến dịch có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng ở nước ta. Chiến dịch lần này không chỉ có sự tham gia của tất cả bộ, ngành, điều đặc biệt là các địa phương sẽ đồng loạt triển khai.

Bộ trưởng cho biết Việt Nam đặt mục tiêu cuối năm 2021, đầu năm 2022 đạt miễn dịch cộng đồng. Muốn đạt được, việc quan trọng là phải tiêm cho ít nhất khoảng 70% dân số. Điều này sẽ đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Việt Nam đặt mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng vào đầu năm 2022

Trong cuộc họp triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 toàn quốc, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết đây là chiến dịch có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng ở nước ta. Ông nhấn mạnh chiến dịch tiêm chủng quốc gia lần này có nhiều điểm mới. Bộ Y tế luôn đặt vấn đề an toàn tiêm chủng lên hàng đầu để đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Chiến dịch tiêm chủng quy mô quốc gia lần này có những điểm đặc trưng sau:

  1. Thứ nhất, triển khai trên quy mô tất cả địa phương và các điểm tiêm ở tất cả xã, phường.
  2. Thứ hai, chiến dịch được thực hiện tại các điểm tiêm chủng đã triển khai lâu nay, nhưng khác biệt là có thêm những điểm tiêm chủng lưu động tại nhiều nhà máy, trường học và một số khu vực khác để đảm bảo người dân được tiếp cận vaccine một cách thuận lợi nhất, dễ dàng nhất.
  3. Thứ ba, chiến dịch tiêm chủng lần này có sự tham gia của tất cả bộ, ngành và đặc biệt là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông Vận tải cùng đồng hành với Bộ Y tế để triển khai.
  4. Thứ tư, cũng là điểm rất quan trọng, đó là sự triển khai đồng loạt ở tất cả địa phương. Chúng tôi cho rằng đây là yếu tố rất quan trọng, giúp cho thành công của chiến dịch tiêm chủng lần này.
  5. Thứ năm, chúng ta đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thảo luận