Phía sau việc Vietnam Airlines bên bờ vực phá sản

Đằng sau việc Vietnam Airlines lỗ nặng và bên bờ vực phá sản là gì? Gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng Quốc hội đã thông qua để giải cứu cho Vietnam Airlines và các hãng hàng không Việt Nam đang “kẹt” ở đâu?
Sputnik

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Vietnam Airlines (VNA, HoSE: HVN) có số lỗ Quý I ở mức 4.800 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm có thể lên đến 10.000 tỷ đồng, số nợ phải trả quá hạn lên đến hơn 6.240 tỷ đồng và đang bên bờ vực phá sản nếu không được ‘giải cứu’ kịp thời.

Vietnam Airlines lỗ lớn và bên bờ vực phá sản: Ai là chủ nợ lớn nhất?

Như Sputnik Việt Nam đã thông tin, vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có báo cáo cho thấy, lĩnh vực hàng không của Việt Nam sụt giảm tăng trưởng nghiêm trọng trong suốt năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Tại thị trường hàng không Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận rằng, đợt dịch Covid-19 làm toàn ngành hàng không sụt giảm đến 80% doanh thu so với Quý I/2020 khi chưa bị ảnh hưởng bởi dịch.

Hàng không Việt cạn vốn, đề xuất Thủ tướng cho vay với lãi suất ưu đãi

Dịch bệnh Covid-19 cũng khiến nhu cầu vận tải hàng không giảm mạnh 34,5- 65,9% so với năm 2019. Doanh thu dịch vụ vận tải hàng không năm 2020 sụt giảm trung bình trên 61% so với 2019.

Khả năng thanh toán, hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không Việt Nam đều sụt giảm mạnh. Khó khăn không chỉ riêng với Hãng hàng không quốc gia Việt Nam Vietnam Airlines, mà là thách thức chung với các doanh nghiệp khác như Vietjet của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Bamboo Airways của Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết.

Trong số này, có ‘ông lớn’ của ngành hàng không Việt Nam là Vietnam Airlines (VNA) dự kiến sẽ lỗ đến 10.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, trong đó quý 1 lỗ 4.800 tỷ đồng.

“Số nợ phải trả quá hạn của doanh nghiệp này đạt tới 6.240 tỷ đồng, đang rơi vào tình trạng cực kỳ khó khăn và đang chạm đến bờ vực phá sản”, báo cáo nêu.

Vì chưa nhìn thấy gói giải cứu 12.000 tỷ đồng của Chính phủ, các ngân hàng thương mại không thể tiếp tục giải ngân cho VNA hoặc không gia hạn hay cấp tiếp hạn mức tín dụng.

Trong báo cáo tài chính quý 1/2021, Vietnam Airlines không cho biết các chủ nợ của hãng. Tuy nhiên, báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 cho thấy VNA đang vay ngắn hạn (đều không có tài sản đảm bảo) gần 6.800 tỷ đồng và vay dài hạn gần 9.000 tỷ.

Vì sao Vietnam Airlines rao bán 11 máy bay Airbus?

Đáng chú ý, các khoản vay ngắn hạn từ các ngân hàng đều tăng mạnh, hoặc cho vay mới trong năm 2020, tổng dư nợ tăng từ 1.274 tỷ đồng lên 6.793 tỷ.

Trong số này, dư nợ tại Vietcombank tăng từ 769 tỷ đồng lên hơn 2.700 tỷ, tại BIDV tăng từ 345 tỷ lên hơn 1.100 tỷ, tại Tecchombank tăng từ mức 113 tỷ lên 849 tỷ đồng, tại SeABank từ 36 tỷ lên hơn 460 tỷ đồng.

Chưa hết, còn các khoản vay từ MSB (239 tỷ), MB (369 tỷ) và Ngân hàng Bangkok Đại Chúng (110 tỷ) là các khoản vay mới phát sinh.

Về các khoản vay dài hạn, Vietcombank đang là chủ nợ lớn nhất với dư nợ 4.841 tỷ đồng, tiếp đến là BIDV với 1.534 tỷ, Eximbank 832 tỷ, MB hơn 501 tỷ, VietinBank hơn 426 tỷ, VRB hơn 302 tỷ, Indovina hơn 254 tỷ, VIB hơn 171 tỷ, TPBank hơn 62 tỷ, Techcombank hơn 46 tỷ, MSB hơn 19 tỷ đồng. Chỉ có VPBank và Agribank còn số lượng ít dư nợ tại HVN, lần lượt 2,6 tỷ đồng và 1,2 tỷ đồng.

Như vậy, Vietcombank đang là ngân hàng cho HVN vay nhiều nhất, với tổng cộng 7.500 tỷ đồng. Xếp tiếp theo là BIDV với tổng cộng 2.600 tỷ đồng.

Ngoài ra, theo một số dữ liệu, HVN hiện còn nợ thuê tài chính dài hạn ở các tập đoàn tài chính nước ngoài với tổng cộng hơn 18.200 tỷ đồng. Trong số đó, chủ nợ lớn nhất là Tập đoàn ING hơn 8.100 tỷ, Citibank hơn 5.793 tỷ đồng, Ngân hàng MUFG hơn 1.667 tỷ, JP Morgan Chase hơn 1.287 tỷ, HSBC hơn 1.163 tỷ đồng...

Vietnam Airlines đang làm ăn ra sao?

Số liệu báo cáo tài chính Quý I/2021 cho thấy, đến hết tháng 3/2021, nợ phải trả của Vietnam Airlines đã lên tới gần 60.000 tỷ đồng (59.550 tỷ đồng) – tăng hơn 3.000 tỷ so với thời điểm cuối năm 2020.

Trong khi đó, vốn chủ sở hữu giảm hơn 5.000 tỷ xuống còn 1.030 tỷ đồng, tương ứng giảm 83% - hệ quả từ việc phải hạch toán khoản lỗ gàn 14.219 tỷ đồng trước đó.

Vốn chủ sở hữu giảm nhanh trong khi nợ phải trả tiếp tục tăng, kéo theo tỷ lệ Nợ/Tài sản của Vietnam Airlines tăng vọt từ mức 90,3% hồi đầu năm lên 98,3%. Điều này có nghĩa, cứ 100 đồng vốn của VNA thì có tới 98 đồng là tiền đi vay. Đây là điều hết sức đáng lo ngại.

Báo cáo tài chính của doanh nghiệp cho thấy, lũy kế cả năm 2020, Vietnam Airlines đạt doanh thu thuần gần 40.613 tỷ đồng, giảm 59% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế âm gần 11.098 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 2.537 tỷ đồng.

Cùng với đó, dòng tiền hoạt động kinh doanh ghi nhận âm 6.379 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 8.819 tỷ đồng. Trong năm, Vietnam Airlines chi ra hơn 3.218 tỷ đồng để trả nợ gốc thuê tài chính và 23.917 tỷ đồng để trả nợ gốc vay. Lỗ cơ bản trên mỗi cổ phiếu HVN tính đến hết năm 2020 lên tới 7.646 đồng.

Trong khi đó, tính tới ngày 31/12/2020, tổng tài sản của Vietnam Airlines đạt 62.967 tỷ đồng, giảm 17,6% so với đầu năm. Tiền và các khoản tương đương tiền giảm gần một nửa xuống còn 1.647 tỷ đồng. Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn giảm mạnh từ 3.579 tỷ đồng xuống còn 494 tỷ đồng.

Gói 12.000 tỷ đang kẹt ở đâu?

Thực tế, cùng với Vietnam Airlines, các hãng hàng không tư nhân của Việt Nam như Vietjet, Bamboo Airways cũng cố gắng thích nghi, tối ưu hóa các hoạt động khai thác và duy trì sản xuất kinh doanh thông qua chuyển nhượng tài sản, dự án đầu tư tài chính được tích lũy từ các giai đoạn trước.

Hội đồng xét xử "dằn mặt" tài xế xe Mercedes đâm tiếp viên Vietnam Airlines

Trong bối cảnh dự báo còn nhiều khó khăn trong năm 2021 này, các hãng hàng không Việt Nam dần “cạn nguồn lực về tài chính”, ước tính Vietjet sẽ thiếu hụt khoảng 10.000 tỷ đồng để duy trì hoạt động kinh doanh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất với Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu trình Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất cho vay khoảng 4% trong năm 2021 - 2023 cho các hãng. Với mục đích giúp các hãng tư nhân giải quyết thanh khoản, duy trì nguồn lực để hoạt động và phát triển, tương tự như gói hỗ trợ của Chính phủ cho Vietnam Airlines.

Ngoài ra, Bộ KH&ĐT cũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải cho phép kéo dài thời gian giảm 50% phí dịch vụ cất, hạ cánh máy bay và dịch vụ điều hành bay cùng với thời gian áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng với các dịch vụ chuyên ngành hàng không cho đến hết năm 2021.

Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT cũng đề xuất Bộ Tài chính sửa đổi quyết định số 87 về điều kiện giao dịch ký quỹ cho phép các doanh nghiệp hàng không và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Covid-19 không bị cắt margin (giao dịch ký quỹ) khi lợi nhuận âm hai quý liên tục.

Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, các hãng hàng không tại Việt Nam đang kiệt quệ sau gần 2 năm vật lộn với Covid-19. Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài hoặc các giải pháp hỗ trợ không đủ mạnh, các hãng hàng không sẽ đối diện với tình trạng phá sản.

Chuyên gia hàng không Nguyễn Thiện Tống cho biết trong cuộc trao đổi với Tuổi trẻ rằng, vấn đề về dòng tiền là vấn đề đáng quang tâm nhất hiện nay của doanh nghiệp, khi họ đã phải tìm mọi cách để duy trì hoạt động khai thác hàng không trong hơn 1 năm qua. Dù Quốc hội đã phê duyệt gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng để giải cứu cho Vietnam Airlines nhưng vẫn còn “kẹt” ở khâu thủ tục, nên vấn đề vẫn chưa được giải quyết.

Vietnam Airlines muốn “mượn gió bẻ măng” để độc chiếm thị trường

Theo ông Tống, không chỉ riêng đối với Vietnam Airlines, Nhà nước còn phải có chính sách hỗ trợ ưu tiên cho các hãng hàng không tư nhân có khả năng phục hồi nhanh chóng. Trong bối cảnh hiện nay, sự hỗ trợ từ phía Chính phủ, hệ thống ngân hàng là rất cần thiết để các doanh nghiệp tiếp tục tồn tại và phục hồi sau đại dịch.

Nhất là cần giãn nợ đối với các khoản vay ngân hàng một khoảng thời gian đủ dài và làm sao để doanh nghiệp dễ tiếp cận hơn với các nguồn vốn, từ đó có thể huy động cho sản xuất kinh doanh.

Lãnh đạo một hãng hàng không cho biết, nếu được hỗ trợ giảm thuế, phí, vay vốn lãi suất thấp... thì doanh nghiệp vẫn cần Chính phủ có cơ chế bảo lãnh hoặc cho vay thông qua việc giao Ngân hàng Nhà nước thực hiện hình thức tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại hỗ trợ nguồn vốn vay đối với ngành hàng không.

“Chúng tôi đã đề xuất có các giải pháp giảm thuế, phí. Trong đó, đối với ngành hàng không, miễn thuế nhập khẩu và thuế bảo vệ môi trường cho nhiên liệu bay; miễn giảm từ 50 - 70% phí dịch vụ hoạt động hàng không như chi phí cất hạ cánh, các chi phí tại các cảng hàng không; giãn thời gian nộp các loại thuế, phí ít nhất 6 tháng”, vị lãnh đạo cho hay.

Về phần mình, Tổng thư ký Hiệp hội Hàng không Việt Nam (VABA) Bùi Doãn Nề cho biết, đã kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước mở rộng chương trình hỗ trợ tín dụng trung dài hạn cho các doanh nghiệp hàng không. Vietnam Airlines hiện đã được thông qua hỗ trợ khoản tín dụng ưu đãi lãi suất.

VABA hình thức hỗ trợ này cần tiếp tục được mở rộng cho các hãng hàng không còn lại. Vietjet đã đề nghị được vay tín dụng 4.000 - 5.000 tỷ đồng trong 3 năm 2021 - 2023 bằng lãi suất tái cấp vốn. Bamboo đề nghị vay 5.000 tỷ đồng bằng lãi suất tái cấp vốn và vay lãi suất ưu đãi 5.000 tỷ đồng.

Hỗ trợ Vietnam Airlines, Chính phủ không thể cào bằng?

Theo chuyên gia Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng, cần có đánh giá hiệu quả gói hỗ trợ 12.000 tỷ đã được Quốc hội phê duyệt cuối năm ngoái nhưng Bộ KH&ĐT lại khẳng định đến nay “chưa thấy tín hiệu” rõ ràng.

Theo vị chuyên gia, những năm trước, toàn bộ lợi nhuận của Vietnam Airlines làm ra đều nộp về ngân sách cho cổ đông Nhà nước.

“Nay lỗ lại chưa có lối ra”, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam nói.

Chuyên gia kinh tế cũng đề xuất Chính phủ giao cho Bộ Tài chính xem xét lại quy chế tài chính đối với Vietnam Airlines và các doanh nghiệp Nhà nước khác theo cơ chế linh hoạt hơn, phù hợp với nhịp độ và cơ chế thị trường. Đồng thời xem xét phương án đổi mới quy chế hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, quy định cụ thể mức đóng góp lợi nhuận sau thuế cho ngân sách nhà nước ổn định 5 năm theo Luật Ngân sách nhà nước và đầu tư theo yêu cầu của thị trường, tạo sự chủ động cần thiết như Vietnam Airlines trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thiệt hại hơn 4 tỷ đồng từ vụ tiếp viên Vietnam Airlines đưa dịch Covid-19 ra cộng đồng
“Mặt khác, cấp bách thực hiện phương án tăng vốn cho Vietnam Airlines để tồn tại và linh hoạt hoạt động. Bởi xét ở khía cạnh thị trường, Chính phủ không thể thực hiện chính sách hỗ trợ cào bằng”, PGS.TS Trần Đình Thiên thẳng thắn.

Từng nhận định về tình thế khó khăn của Vietnam Airlines trong đại dịch, ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nói, doanh nghiệp Nhà nước cũng chính là tài sản của nhân dân thông qua sự quản lý của Chính phủ.

“Nếu để doanh nghiệp "chết", mất tài sản đó, chính là mất tài sản của dân, có khác gì làm thất thu thuế?”, ông Kiên nêu ý kiến.

Ông Vũ Tiến Lộc (Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam) cho biết, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã đề xuất mở rộng phạm vi hỗ trợ, mức hỗ trợ về thuế, phí, vốn vay cho các doanh nghiệp.

Ngoài ra, các bộ ngành cần đưa ra giải pháp tháo gỡ nhanh chóng cho các gói hỗ trợ trước đây để doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận chính sách hỗ trợ sớm nhất có thể.

Bên cạnh đó, thực tế cho thấy nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ chưa tới được doanh nghiệp là do những khó khăn nằm ở chính sách pháp luật, chẳng hạn như gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng cho Vietnam Airlines.

Thảo luận