Cái khó ló cái khôn, Việt Nam chống dịch bằng những phương pháp "độc lạ"

HÀ NỘI (Sputnik) - Đợt Covid-19 thứ tư bùng phát từ ngày 27/4, đến sáng nay đã lây lan 42 tỉnh thành với hơn 12.000 ca nhiễm. Ngành y tế đã triển khai nhiều mô hình mới trong điều trị như "tách đôi" bệnh viện, ứng dụng trí tuệ nhân tạo...
Sputnik

Bệnh viện "tách đôi"

Khác với 3 đợt dịch trước, các chuyên gia nhận định đợt dịch mới đặc trưng bởi biến chủng nguy hiểm từ Ấn Độ, nhiều ổ dịch cùng lúc. Đặc biệt, số ca nhiễm tăng vọt, gấp nhiều lần mọi con số trước đây do chủng virus Covid-19 lần này tấn công vào các "thành trì" chống dịch như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương Hà Nội, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM; bùng phát ở các khu công nghiệp - nơi tập trung nhiều công nhân.

Ngoài việc duy trì mục tiêu kép vừa chống dịch vừa đảm bảo kinh tế, hiện tại chiếc lược đã có bước chuyển mới bằng xét nghiệm diện rộng và vaccine. Ngoài ra, để chủ động ứng phó, ngành y tế áp dụng nhiều mô hình công nghệ mới vào điều trị cũng như tiếp nhận và điều trị lượng bệnh nhân lớn.

Lây nhiễm Covid-19 ở cơ sở y tế, bệnh viện, người dân nên làm gì?

Cụ thể, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đã "biến hóa" với diện mạo gồm với hai cổng vào riêng biệt do chuyển đổi công năng theo mô hình bệnh viện "tách đôi" (Respiratory care split hospital) và bắt đầu hoạt động từ ngày 13/6. Hai nửa bệnh viện tách biệt nhau, với cổng vào riêng, những khối nhà riêng. Khu dùng tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 đã được bố trí những buồng áp lực âm, giường hồi sức, các buồng bệnh thông thoáng không dùng điều hòa trung tâm.

Khu vực cận lâm sàng cũng nằm riêng biệt, trong đó có xét nghiệm RT-PCR chẩn đoán Covid-19. Quy mô giường bệnh của một nửa bệnh viện chuyên phục vụ cho bệnh nhân Covid-19 hiện nay là 550 giường, với 66 giường hồi sức. Theo Sở Y tế TP HCM, nửa bệnh viện sẵn sàng đi vào hoạt động đúng theo kế hoạch 2.000 giường điều trị Covid-19 của Sở.

Đây là giải pháp được học hỏi từ Hàn Quốc và nằm trong kế hoạch ứng phó với quy mô 5.000 giường chuyên tiếp nhận và điều trị Covid-19 trên toàn thành phố, trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

"Tháp 3 tầng", tự test nhanh tại Bắc Giang

Đay là mô hình rất mới, chỉ có tại Bắc Giang với cơ chế tầng thứ nhất là các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu bệnh nhân Covid-19, được tận dụng từ các cơ sở hạ tầng sẵn có như ký túc xá các trường, trung tâm chăm sóc người có công, khu nhà ở xã hội... Các cơ sở này có nhiệm vụ tiếp nhận những ca dương tính không có triệu chứng, hoặc có triệu chứng nhẹ, tuỳ theo mức độ lâm sàng.

Thêm 80 ca Covid-19 mới, công nhân ở Bắc Giang tự lấy mẫu xét nghiệm

Tầng thứ hai bao gồm 11 bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19. Đây là các bệnh viện dã chiến được chuyển đổi từ các trung tâm y tế huyện và các bệnh viện chuyên khoa trên địa bàn tỉnh. Tầng thứ ba là cơ sở điều trị bệnh nhân nặng - Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) với hai ICU, gồm ICU lớn nhất miền Bắc quy mô 101 giường đặt tại Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang, và một ICU đặt tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang quy mô 58 giường.

Cuối tháng 5, các chuyên gia y tế hướng dẫn người dân trong khu cách ly tập trung tại huyện Việt Yên, Bắc Giang tự lấy mẫu thực hiện test nhanh Covid-19. Nếu thực hiện chuẩn, đầy đủ các bước theo hướng dẫn, phương thức này mang kết quả có độ chính xác 70-75% chỉ sau 15 phút kể từ thời điểm lấy mẫu.

Giáo sư Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết các F1 tại khu cách ly tập trung có thể chủ động tự lấy mẫu test nhanh cho nhau, giúp giảm tải cho lực lượng y tế, để nhân viên y tế tập trung vào những nhiệm vụ khác.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (Al) trong điều trị

DrAid là phần mềm AI trợ lý bác sĩ, được kỳ vọng có thể rút ngắn thời gian khám chữa bệnh, với độ chính xác cao, đảm bảo yếu tố giãn cách an toàn tại các cơ sở y tế trong dịch. DrAid hiện có khả năng hỗ trợ chẩn đoán 20 dấu hiệu bất thường và bệnh lý về tim - phổi - xương với độ chính xác trên 88% trong vòng 5 giây, đồng thời tự động đưa ra báo cáo y tế theo chuẩn quốc tế JCI có khoanh vùng và đo kích thước chính xác tại khu vực bất thường.

Việt Nam đã chi bao nhiêu tiền cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong năm 2020?

DrAid giúp đẩy nhanh quy trình khám chữa bệnh, giải quyết bệnh nhanh hơn. Bên cạnh đó, ứng dụng cung cấp các thông tin hữu ích cho bác sĩ khi phân tích hình ảnh phim, đặc biệt là phân tích hình ảnh X-quang ngực. Kết hợp cùng xét nghiệm PCR, đội ngũ y tế có thể nâng cao độ chính xác, giảm thiểu tình trạng âm tính giả tránh bỏ sót.

Từ tháng 4, nhiều Sở Y tế cả nước triển khai sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo DrAid vào công tác khám chữa bệnh tại các bệnh viện và cơ sở y tế, điển hình như Sở Y tế Hà Tĩnh, Đồng Nai, Huế, Bắc Giang, Ninh Bình...

Ngoài ra, tính năng "Hỏi ý kiến bác sĩ thứ 2 (từ xa)" của DrAid hỗ trợ các bác sĩ gửi ảnh chụp trực tiếp từ máy chụp cho một bác sĩ khác để tham khảo ý kiến đối với những ca bệnh khó. Cách này giúp giữ nguyên chất lượng hình ảnh, đồng thời đơn giản hóa quy trình hội chẩn, giúp cho việc hội chẩn giữa hai bác sĩ diễn ra nhanh gọn, xóa bỏ các rào cản về địa lý và thời gian, đồng thời nâng cao chất lượng hội chẩn với gợi ý về chẩn đoán của AI.

Một số thay đổi khác trong đợt dịch mới là tăng thời gian cách ly tập trung từ 14 ngày lên 21 ngày, sau đó theo dõi tại nhà 7 ngày. Ngành y tế thay đổi phương thức"chạy theo" xét nghiệm sang "tấn công" bằng cách chủ động xét nghiệm sàng lọc để ứng phó với biến chủng mới lây lan nhanh.

Khẩu trang vải "siêu kháng khuẩn"

Hay mới đây nhất, Đại học Bách khoa TP HCM đã sản xuất khẩu trang làm từ vải cotton và vật liệu graphene kết hợp nano bạc giúp kháng khuẩn, ngăn giọt lỏng chứa Covid-19. Đặc biệt, loại khẩu trang này có thể tái sử dụng với 5 lần giặt, bảo quản ở nhiệt độ thông thường. Sản phẩm khi đeo có thể lọc được 99% bụi mịn, kháng khuẩn.

Sáng tạo mùa dịch: người dân Bắc Giang Livestream bán vải trên Sendo

Khẩu trang bằng vải cotton khi phủ bạc nano sẽ có tính kháng khuẩn. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng lớp nano bạc bị rửa trôi, khả năng kháng khuẩn không bền và làm ảnh hưởng sức khỏe con người. Các nhà khoa học Đại học Bách khoa TP HCM khắc phục hạn chế này bằng cách sử dụng graphene với hàm lượng dưới 1 mg làm vật liệu liên kết giữa vải cotton và nano bạc trở nên chặt chẽ hơn.

Đề cập về khả năng chống giọt bắn có chứa nCoV của khẩu trang, PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, giới nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh các gốc graphene có thể ngăn chặn được giọt lỏng phân tán từ 2.5 đến 3 micromet. Trong khi virus corona phân tán được từ hệ hộ hấp của người bệnh trong các giọt lỏng có kích thước 5 micromet. Do vậy, với kích thước này virus không thể đi qua lớp graphene của khẩu trang, giúp bảo vệ người dùng.

Khẩu trang có giá khoảng 30.000 đồng một chiếc. Theo nhóm nghiên cứu, nguyên liệu graphene được điều chế từ bột than, không đắt tiền. Song, quá trình điều chế từ bột than thành graphene đòi hỏi chi phí lớn. PGS Hiếu chia sẻ. 

"Với hàm lượng graphene rất nhỏ, tôi tin tưởng giá thành sản phẩm sẽ cạnh tranh".

Hiện, khẩu trang được dùng thử nghiệm cho giảng viên, nhân viên Đại học Bách khoa TP HCM.

Trước đó, Viện Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) phối hợp với Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (vốn đầu tư của Nhật Bản) và Đại học Bách Khoa Hà Nội nghiên cứu, chế tạo thành công “Buồng lấy mẫu cách ly an toàn” để chuyển thẳng tới tâm dịch Bắc Ninh, Bắc Giang. Với mục dích nhằm bảo vệ sức khỏe cho bác sĩ khi lấy lẫu xét nghiệm COVID-19, đặc biệt là giảm nóng, giảm mất sức khi các bác sĩ phải lấy mẫu trong điều kiện thời tiết nắng nóng.

Cái khó ló cái khôn, Việt Nam chống dịch bằng những phương pháp "độc lạ"

Có thể nói những sáng tạo trong chống dịch Covid-19 của Việt Nam chưa bao giờ làm người dân trong nước nói riêng và thế giới nói chung thất vọng. Trong khó khăn, người Việt luôn tìm mọi cách để vừa tiết kiệm vừa hiệu quả nhất. 

Thảo luận