Chấp thuận "nhà thầu đặc biệt" trong chiến dịch mua vaccine AstraZeneca

HÀ NỘI (Sputnik) - Thủ tướng chấp thuận hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đối với gói thầu “Mua vaccine phòng COVID-19 AZD1222 do AstraZeneca (AZ) sản xuất của Công ty cổ phần vaccine Việt Nam."
Sputnik

Giá vaccine mà Bộ Y tế mua được phụ thuộc vào đàm phán của nhà thầu

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 974/QĐ-TTg về việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu đối với gói thầu “Mua vaccine phòng COVID-19 AZD1222 do AstraZeneca sản xuất của Công ty cổ phần vaccine Việt Nam".

Mỹ chia sẻ 16 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 cho 18 khu vực Châu Á, trong đó có Việt Nam

Theo quyết định, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu đối với gói thầu “Mua vaccine phòng COVID-19 AZD1222 do AstraZeneca (AZ) sản xuất của Công ty cổ phần vaccine Việt Nam" với một số điều kiện của nhà thầu.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho mua 30 triệu liều vaccine AZD1222 của Công ty cổ phần vaccine Việt Nam (VNVC) đã ký Hợp đồng mua của AstraZeneca (bao gồm cả số lượng vaccine mà Bộ Y tế đã nhận để tiêm chủng trước khi ký hợp đồng mua vaccine của VNVC).

Thủ tướng cũng đồng ý giá mua vaccine theo nguyên tắc phi lợi nhuận như báo cáo của Bộ Y tế về kết quả đã đàm phán với VNVC, trong đó giá mua vaccine là giá tạm tính. Qua đó, trường hợp AstraZeneca giảm giá bán cho VNVC thì công ty phải giảm giá tương ứng cho Bộ Y tế.

Trường hợp AstraZeneca tăng giá bán cho VNVC thì Bộ Y tế chỉ thanh toán cho công ty này theo giá đã đàm phán, ký hợp đồng; thanh toán chi phí vận chuyển vaccine về Việt Nam theo hóa đơn, chứng từ thực tế do AstraZeneca cung cấp cho VNVC theo các điều khoản trong hợp đồng giữa AstraZeneca và VNVC; thanh toán các khoản phí bảo lãnh tạm ứng, bảo đảm hợp đồng theo số tiền Công ty cổ phần vaccine Việt Nam phải thanh toán thực tế cho ngân hàng.

Bộ Y tế có thể từ chối mua nếu vaccine bị chậm tiến độ

Quyết định của Thủ tướng cũng chấp nhận các nội dung sau: điều khoản miễn trừ trách nhiệm đối với các khiếu nại phát sinh từ hoặc liên quan đến vaccine hoặc việc sử dụng vaccine cho AstraZeneca và VNVC. Công ty cổ phần vaccine Việt Nam có thể giao hàng không đúng tiến độ trong năm 2021, nếu vaccine giao trong năm 2022 thì Bộ Y tế có quyền từ chối không mua số vaccine về trong năm 2022.

Việt Nam sử dụng lô vaccine Sinopharm do Trung Quốc tài trợ như thế nào?

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm về thông tin, số liệu, báo cáo giải trình tại các Tờ trình số 725/TTr-BYT ngày 24/5/2021, số 784/TTr-BYT ngày 30/5/2021 và số 848/TTr-BYT ngày 9/6/2021 và về đơn giá, số lượng trên cơ sở kết quả đã đàm phán với VNVC.

Ngoài ra, tổ chức thực hiện việc mua vaccine phòng COVID-19 AZD1222 do AstraZeneca sản xuất của VNVC theo đúng quy định của pháp luật và các nội dung quy định tại Điều 1 của Quyết định này, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, tiến độ trong phòng, chống dịch COVID-19.

Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Thảo luận