Chỉ mấy ngày sau khi gặp gỡ thượng đỉnh Nga-Mỹ giữa tổng thống Nga Vladimir Putin và tổng thống Mỹ Joe Biden kết thúc tại Geneve, Thụy Sỹ, đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov đã quay trở lại Washington làm việc, đại sứ Mỹ tại Nga John Sullivan sẽ trở lại Moskva trong tuần này. Rồi từ 21-24/6 Tổng thư ký Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu Helga Schmid thăm Moskva. Đó là một vài diễn biến mang chiều hướng tích cực trong quan hệ ngoại giao Nga-Mỹ và Nga-EU.
Các nhà phân tích, chuyên gia quan hệ quốc tế Việt Nam có bình luận gì về những sự kiện trên?
Diễn biến tích cực trong quan hệ Nga-Mỹ
Theo đánh giá chung, việc đại sứ Nga tại Mỹ và đại sứ Mỹ tại Nga trở lại nhiệm sở của mình là một trong những kết quả cuộc gặp thượng đỉnh ngày 16/6 tại Thụy Sỹ. Đạy là một tín hiệu tốt nhưng chưa thể nói tới một sự cải thiện quan hệ đáng kể.
“Với những thỏa thuận mà hai Tổng thống đã đạt được như thúc đẩy đối thoại Nga-Mỹ về ổn định chiến lược và có thể đối thoại về trao đổi tù nhân, về an ninh mạng... thì hai Đại sứ rõ ràng là sẽ có việc để làm! Cho nên các Đại sứ lại tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bình thường của mình là một diễn biến tích cực.
Nhưng chuyện đó chưa cho thấy sự cải thiện quan hệ đáng kể nào giữa Nga và Mỹ. Hôm qua (20/6), Washington nói sẽ có thể áp đặt loạt biện pháp trừng phạt Nga mới, liên quan đến việc Nga đang giam giữ nhân vật đối lập Alexei Navalny. Moskva tuyên bố chưa thể đưa Mỹ ra khỏi danh sách những quốc gia không hữu nghị với Nga và khẳng định các biện pháp trừng phạt do Mỹ đưa ra đều không hợp pháp”, - nhà báo Nguyễn Đăng Phát nói với Sputnik.
Hôm 21/6 báo chí Nga đưa tin “Nga và Mỹ sẽ sớm bắt đầu khôi phục việc cấp thị thực”, còn Thứ trưởng Ngoại giao Nga Yevgeny Ivanov cho biết: Hiện tại, hai bên đang xác định định dạng làm việc.
“Việc khôi phục cấp thị thực nhập cảnh giữa Nga và Mỹ là một điều tất yếu để các nhân viên ngoại giao của Nga có thể đến Mỹ là việc và các nhân viên ngoại giao Mỹ có thể đến Nga làm việc cùng với các đại sứ của họ. Ngoài ra, sự khôi phục việc cấp thị thực đó cũng là minh chứng cho lập luận của phía Nga được nêu trong cuộc họp báo sau cuộc gặp là “không để các vấn đề quan hệ chính trị hai bên ảnh hưởng đến các quan hệ dân sự”, - Chuyên gia Hồng Long đưa ra nhận xét với Sputnik.
“Tuy phía Mỹ và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu không còn đề cập đến vấn đề Crimea nhưng đối với NATO thì lại là chuyện khác. Việc gia hạn thêm một năm các biện pháp hạn chế đối với Crimea, theo đó, khách du lịch phương Tây không thể đến Crimea thực chất chỉ là một hành động có tính hình thức. Bởi phía Ukraina phản đối bất kỳ một quan hệ nào của Mỹ và phương Tây đối với Ukraina, kể cả hoạt động dân sự như đi du lịch, tham quan, dưỡng bệnh. Thứ hai là trong điều kiện dịch bệnh hiện nay, việc du lịch đến Crimea cũng bị chính quyền sở tại hạn chế, ngay cả đối với người Nga. Bên cạnh đó, việc gia hạn các biện pháp hạn chế đối với Crimea cũng có thể là một con bài để EU mặc cả với Nga trong các cuộc đàm phán EU-Nga sau này, khi cuộc đàm phán của OSCE có những tiến triển nhất định trong việc khôi phục tiến trình Minsk 2.0”, - Chuyên gia Hồng Long bình luận với Sputnik.
Hạ nhiệt quan hệ Nga-EU
Tổng thư ký Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu Helga Schmid hứa sẽ làm mọi thứ có thể để góp phần giải quyết hòa bình cuộc xung đột ở miền đông Ukraina.
Tất cả các bên tham gia Thỏa thuận Minsk phải tái khẳng định cam kết thực hiện của họ. Điều này đã được bà Helga Schmid tuyên bố hôm thứ Hai 21/6 tại Moskva trong cuộc họp báo sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.
“Chủ đề chính của cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và tân Tổng thư ký Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) Helga Schmid là tình hình ở Ukraina. Sergei Lavrov bày tỏ những lời phàn nàn về hoạt động của phái bộ giám sát đặc biệt hoạt động ở miền Đông nước này. Moskva cho rằng, phái bộ quan tâm quá ít đến các vi phạm nhân quyền trên lãnh thổ do chính quyền Ukraina kiểm soát. Điều này được nêu ra ngay tại cuộc họp báo sau hội đàm. Helga Schmid thừa nhận rằng bà thậm chí còn chưa nghe về việc chính quyền Ukraina đóng cửa ba kênh truyền hình tiếng Nga. Có thể đánh giá cuộc gặp giữa tổng thống Nga Vladimir Putin và tổng thống Mỹ Joe Biden đã gần như “bật đèn xanh” cho việc tái khởi động quá trình Minsk 2.0”, - PGS-TS Hoàng Giang nói với Sputnik.
“Sau một thời gian sử dụng đủ mọi loại sức ép, tranh thủ tối đa những cơ hội để trừng phạt, cấm vận, hạ cấp ngoại giao như Washington vẫn không thể khuất phục được Moskva.Tuyên bố của Tổng thư ký OSCE chứng tỏ Mỹ và phương Tây đã phải điều chỉnh chính sách đối với Nga mà trước hết là vấn đề Ukraina. Tuy nhiên, cùng là vấn đề Ukraina nhưng chắc chắn các bên sẽ có những mục tiêu khác nhau. Điều đáng chú ý là lần này, OSCE đã tránh, không đề cập đến vấn đề Crimea”, - Chuyên gia Hồng Long phát biểu với Sputnik.
Theo nhà báo Nguyễn Đăng Phát, trong vấn đề Ukraina, chúng ta đều biết, Nga khẳng định Nga không phải là một bên xung đột, xung đột ở miền Đông Ukraina là xung đột nội bộ Ukraina. Và cơ sở cho giải pháp là Thỏa thuận Minsk đạt được năm 2015. Tuy nhiên, Mỹ, Ukraina và phương Tây luôn cáo buộc Nga "gây hấn" và gần đây, Hội nghị thượng đỉnh nhóm G-7 ở Anh trong Thông cáo chung của mình đã tuyên bố Nga là một bên xung đột ở Ukraina, đòi Nga phải có những hành động "phù hợp" để tạo điều kiện ổn định tình hình miền Đông Ukraina. Với lập trường khác biệt nhau sâu sắc như vậy, quan hệ Nga - Phương Tây trong hồ sơ Ukraina vẫn bế tắc. Cần nói thêm là Tổng thống Ukraina và các quan chức nước này đã tỏ ý muốn "sửa đổi" hoặc thay thế Thỏa thuận Minsk 2015, điều mà Nga kiên quyết bác bỏ.
Mặc dầu vậy, theo chuyên gia Hồng Long, mục đích của Liên minh Châu Âu cũng là hạ nhiệt quan hệ Nga-EU nhưng tên cơ sở bảo đảm an ninh cho Châu Âu trong khi vấn đề Ukraina chỉ là một trong các điểm nút cần giải quyết. Bởi từ năm 2014 đến nay, một loạt các sự kiện lớn khác đã chồng chất lên giữa hai bên như việc NATO triển khai thêm quân và tập trận ở các nước Baltic sát biên giới Nga; việc Chính phủ Kiev không những không đàm phán với quân nổi dậy miền Đông Ukraina mà còn có một số động thái gây hấn. Phía Nga cũng đáp trả bằng các cuộc tập trận của họ ở Quân khu miền Tây và bắt giữ một số tàu chiến của Ukraina xâm nhập qua eo biển Kerch để vào biển Azov.v.v...
“Nhưng quan trọng nhất là việc Nga và Đức đã triển khai xong dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” mà phía Mỹ coi đó là một động thái khống chế năng lượng đối với Châu Âu. Đối với Nga và EU thì đây là một thắng lợi kinh tế-chính trị rất quan trọng bởi nó gần như loại bỏ yếu tố Ukraina khỏi vấn đề quan hệ cung cấp năng lượng Nga-EU. Từ đây, Ukraina không còn có thể đe dọa “khóa đường ống” để “làm mình làm mẩy” với cả Nga và EU được nữa. Điều này có nghĩa là Mỹ đã mất quân bài Ukraina để làm rắc rối thêm quan hệ Nga-EU. Tổng thống Joe Biden thừa hiểu điều này trước khi gặp gỡ với Tổng thống Vladimir Putin”, - Chuyên gia Hồng Long bình luận với Sputnik.
Và đưa ra kết luận:
“Cuối cùng, không ai muốn quan hệ Nga-EU căng thẳng thêm nữa bởi xét từ khía cạnh chiến lược toàn cầu, sự căng thẳng đó chỉ có lợi cho Mỹ".
“Tôi cho rằng, Mỹ và các đồng minh của Mỹ thời gian này và sắp tới cũng chỉ đối thoại với Nga ở những vấn đề mà họ thấy có thể tìm được các giải pháp đáp ứng được lợi ích của họ, chẳng hạn, lĩnh vực kiểm soát vũ khí. Ở nhiều lĩnh vực khác, chính sách của Mỹ, NATO và Liên minh Châu Âu là vẫn gây áp lực, gây khó cho Nga”, - Nhà báo Nguyễn Đăng Phát nêu đánh giá của mình về tình trạng quan hệ Nga- phương Tây với Sputnik.
“Những gì diễn ra trong quan hệ Nga- Mỹ và Nga-EU chỉ mấy ngày sau gặp gỡ thượng đỉnh Nga- Mỹ tại Thụy Sỹ cho thấy “sự hạ nhiệt”phần nào, dù sao cũng cho cảm giác bớt căng thẳng. Tất nhiên, những bước đi của phương Tây trong cải thiện quan hệ với Nga vẫn còn rụt rè”, - PGS-TS Hoàng Giang bình luận với Sputnik.