Bộ Y tế hướng dẫn TP.HCM thí điểm cách ly đối tượng F1 tại nhà
Ngày 27/6, Bộ Y tế đã có hướng dẫn chi tiết để TP.HCM căn cứ, triển khai thí điểm việc cách ly y tế các đối tượng F1 tại nhà hoặc nơi cư trú.
Theo đó, hiện nay, tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, xuất hiện các chủng SARS-CoV-2 mới có khả năng lây nhiễm nhanh trên diện rộng với số lượng người tiếp xúc gần (F1) nhiều gây quá tải các cơ sở cách ly y tế tập trung. Nhằm chủ động phòng, chống dịch Covid-19 và giảm nguy cơ lây nhiễm chéo tại các cơ sở cách ly tập trung, Bộ Y tế đã xây dựng Hướng dẫn cách ly y tế tại nhà bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19 cho các đối tượng thuộc diện F1 để UBND TP.HCM xem xét, áp dụng thí điểm trên địa bàn thành phố. Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát chặt chẽ, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho người cách ly theo quy định.
Theo hướng dẫn này, đối tượng áp dụng là những người được xác định tiếp xúc gần với ca bệnh Covid-19 (sau đây gọi là F1) được cách ly y tế tại nhà ở riêng lẻ (nhà biệt thự, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập). Trước cửa nhà có biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng “Địa điểm cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19”.
Bộ Y tế lưu ý, trong nhà phải có phòng cách ly riêng, khép kín và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình. Nếu nhà có nhiều tầng thì sử dụng một tầng riêng biệt để thực hiện cách ly y tế. Cạnh phòng cách ly y tế phải có một phòng riêng để nhân viên y tế thực hiện việc khám, lấy mẫu, theo dõi sức khỏe (bố trí bàn, ghế, dung dịch sát khuẩn tay chứa ít nhất 60% cồn, thùng đựng chất thải lây nhiễm, thùng đựng chất thải sinh hoạt). Đặc biệt, phòng cách ly phải bảo đảm khép kín, có nhà vệ sinh, nhà tắm dùng riêng, có đủ dụng cụ vệ sinh cá nhân, xà phòng rửa tay, nước sạch, dung dịch sát khuẩn tay chứa ít nhất 60% cồn (hay dung dịch sát khuẩn tay) và dụng cụ đo thân nhiệt cá nhân.
Ngoài ra, trong phòng cách ly phải có thùng đựng chất thải màu vàng và có nắp đậy; mở bằng đạp chân, có lót túi màu vàng đựng chất thải lây nhiễm (khẩu trang, khăn, giấy lau mũi miệng); có dán nhãn “Chất thải có nguy cơ chứa virus SARS-CoV-2” (hay thùng đựng chất thải lây nhiễm). Thùng đựng chất thải sinh hoạt phải có nắp đậy, mở bằng đạp chân và có lót túi màu xanh (hay thùng đựng chất thải sinh hoạt).
Hướng dẫn của Bộ Y tế nêu rõ, trong nhà không được dùng điều hòa trung tâm, bảo đảm thông thoáng khí, tốt nhất nên thường xuyên mở cửa sổ; có máy giặt hoặc xô, chậu đựng quần áo để người cách ly tự giặt; có chổi, cây lau nhà, giẻ lau, 2 xô và dung dịch khử khuẩn hoặc chất tẩy rửa thông thường để người cách ly tự làm vệ sinh khử khuẩn phòng. Phòng cách ly phải được vệ sinh khử khuẩn hằng ngày.
Bộ Y tế cũng yêu cầu phải trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân phòng, chống lây nhiễm (khẩu trang y tế, găng tay y tế, giày, kính bảo hộ, quần, áo) để người nhà sử dụng khi bắt buộc phải tiếp xúc gần với người cách ly. Cùng với đó, bố trí bàn trước cửa phòng cách ly để cung cấp suất ăn riêng, nước uống và các nhu yếu phẩm khác cho người cách ly. Nghiêm cấm không được mang đồ dùng, vật dụng của người cách ly ra khỏi nhà.
Cũng theo Bộ Y tế, người cách ly y tế tại nhà phải chấp hành nghiêm các quy định và thời gian cách ly y tế tại nhà; có cam kết với chính quyền địa phương (theo mẫu đã quy định). Đồng thời không ra khỏi phòng cách ly trong suốt thời gian cách ly; không tiếp xúc với người trong gia đình cũng như những người khác; không tiếp xúc với động vật nuôi; được bố trí suất ăn riêng; luôn thực hiện “Thông điệp 5K” và các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Người cách ly y tế tự đo thân nhiệt, theo dõi sức khỏe và cập nhật hằng ngày trên ứng dụng VHD hoặc Bluezone. Trường hợp không có điện thoại thông minh thì phải thông báo cho cán bộ y tế hằng ngày qua số điện thoại được cung cấp. Đặc biệt, khi có biểu hiện nghi ngờ như ho, sốt, đau rát họng, khó thở thì phải cập nhật ngay trên ứng dụng VHD hoặc Bluezone và báo ngay cho cán bộ y tế. Trường hợp không thể tự đo thân nhiệt thì cán bộ y tế hoặc người chăm sóc, hỗ trợ (nếu có) sẽ đo cho người cách ly.
Người cách ly y tế tại nhà sẽ được lấy mẫu xét nghiệm 5 lần vào các ngày thứ nhất, thứ 7, 14, 21 và 28 của đợt cách ly. Trường hợp F1 là trẻ em hoặc người già yếu, có bệnh nền cần người chăm sóc, hỗ trợ, chính quyền có thể cho phép bố trí người chăm sóc, hỗ trợ cách ly cùng và đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch.
Hơn 27.900 trường hợp đang cách ly tại nhà, nơi lưu trú ở TP.HCM
Sáng 27/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho hay, đến thời điểm hiện tại, thành phố đã cách ly kiểm dịch 39.578 người. Trong đó, 11.626 người đang cách ly tập trung, 27.952 trường hợp đang cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
TP.HCM đã và đang điều tra truy vết, khoanh vùng, phong tỏa tạm thời các địa điểm liên quan đến các ca nhiễm mới. Chuỗi lây nhiễm liên quan điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng đã được kiểm soát. Các chuỗi lây nhiễm mới được phát hiện như: Xưởng cơ khí ở Hóc Môn; chung cư Ehome 3; chuỗi Hnam Mobile, chuỗi vựa ve chai Đề Thám, quận 1; chuỗi công ty Kim Minh, quận 5; công ty thực phẩm Trung Sơn… đang tiếp tục được điều tra, truy vết, khoanh vùng, giám sát chặt.
Theo HCDC, chiến dịch tiêm chủng đợt 4 với 836.000 liều vắc-xin phòng Covid-19 bắt đầu từ ngày 20/6 đến nay cơ bản hoàn thành đúng tiến độ.