Việt Nam luôn ưu tiên bảo vệ trẻ em trong xung đột vũ trang

HÀ NỘI (Sputnik) - Thứ trưởng Bộ ngoại giao Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh điều kiện tiên quyết để bảo vệ trẻ em là chấm dứt chiến tranh và đem lại hòa bình cho tất cả các khu vực trên thế giới.
Sputnik

Trên 26.000 vi phạm nghiêm trọng đối với trẻ em tại 21 khu vực

Tối 28/6, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang đã tham dự và phát biểu tại Phiên thảo luận mở trực tuyến cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về chủ đề “Trẻ em và xung đột vũ trang” do Tổng thống Estonia Kersti Kaljulaid, Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 6/2021, chủ trì.

«Họ thậm chí còn ăn thịt trẻ em»: Người đào tẩu từ Bắc Triều Tiên tố cáo sự dã man trong các trại cải tạo

Cuộc họp có sự tham dự của Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres, Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Henritetta Fore, Đại sứ thiện chí của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) Forest Whitaker, Tổng thống Ireland, Tổng thống Niger cùng các Bộ trưởng và đại diện cấp cao các nước thành viên Hội đồng Bảo an và một số tổ chức quốc tế.

Tại Phiên họp, Tổng Thư ký Liên hợp quốc trình bày về báo cáo thường niên về Trẻ em và xung đột vũ trang, trong đó ghi nhận trên 26.000 vi phạm nghiêm trọng đối với trẻ em tại 21 khu vực trên thế giới; bày tỏ quan ngại sâu sắc và cho rằng bối cảnh đại dịch COVID-19 càng làm trầm trọng hơn các tác động tiêu cực của chiến tranh đối với trẻ em; kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường phối hợp nhằm chấm dứt mọi vi phạm đối với trẻ em.

Các nước thành viên Hội đồng Bảo an và các diễn giả quốc tế khác đều lên án mạnh mẽ các vi phạm nghiêm trọng đối với trẻ em trong xung đột, đặc biệt là hành vi giết hại, gây thương tật, lạm dụng, bắt lính và sử dụng trẻ em trong các lực lượng vũ trang, cản trở trẻ em tiếp cận hỗ trợ nhân đạo và y tế, tấn công vào trường học và các cơ sở y tế.

Đồng thời, kêu gọi các bên trong xung đột tuân thủ luật pháp quốc tế và củng cố các cam kết thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em thông qua các khuôn khổ như Công ước Quyền trẻ em và Nghị định thư về sự tham gia của trẻ em trong xung đột vũ trang; triển khai các biện pháp phòng ngừa, giúp trẻ em từng tham gia lực lượng vũ trang tái hòa nhập vào cuộc sống, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của giáo dục.

Nhiều nước kêu gọi lắng nghe ý kiến của trẻ em trong mọi tiến trình hoà bình và đáp ứng những nhu cầu cụ thể của trẻ em, với cách tiếp cận tính đến yếu tố giới; nhấn mạnh cần tiếp tục lồng ghép chương trình nghị sự về Trẻ em và xung đột vũ trang vào công việc của Hội đồng Bảo an và các cơ quan Liên hợp quốc liên quan.

Việt Nam ưu tiên bảo vệ trẻ em trong xung đột vũ trang

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang cho biết Việt Nam nhận thức sâu sắc về những mất mát, đau thương trong chiến tranh, đặc biệt liên quan tới trẻ em, do đó bảo vệ trẻ em trong xung đột vũ trang luôn là một trong những ưu tiên của Việt Nam kể từ nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực đầu tiên (năm 2008-2009).

Thứ trưởng hoan nghênh những kết quả tích cực mà cộng đồng quốc tế đạt được trong 25 năm qua trong thực hiện chương trình nghị sự về Trẻ em và xung đột vũ trang, song lấy làm tiếc rằng trẻ em ngày nay vẫn tiếp tục bị cuốn vào vòng xoáy các cuộc xung đột và là nạn nhân của bạo lực gia tăng.

Ngày Quốc tế của Trẻ em Vô tội là Nạn nhân bị Xâm lược: Thế giới cần làm gì?

Trước tình hình đó, Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh điều kiện tiên quyết để bảo vệ trẻ em là chấm dứt chiến tranh và đem lại hòa bình cho tất cả các khu vực trên thế giới, vì vậy cần thực hiện ngay lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, đồng thời cần thúc đẩy tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là luật nhân đạo quốc tế, bảo đảm cho trẻ em được tiếp cận đầy đủ các hỗ trợ nhân đạo và vaccine phòng COVID-19.

Thứ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ các cơ sở hạ tầng thiết yếu trong xung đột, nhất là trường học và bệnh viện; kêu gọi các nước tiếp tục thực hiện các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an và tham gia Tuyên bố Trường học An toàn nhằm cam kết duy trì giáo dục an toàn cho trẻ em trong xung đột vũ trang; khẳng định bảo vệ trẻ em cần được đặt ở vị trí trung tâm của hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và lồng ghép trong chức năng hoạt động của các phái bộ trên thực địa.

Thay cho lời kết, Thứ trưởng chia sẻ câu chuyện cảm động về các sỹ quan và bác sỹ Việt Nam công tác tại lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi kiên trì dạy học cho trẻ em địa phương trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, với mong muốn thắp lên trong các em hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn và giúp các em tự chuẩn bị cho mình hành trang để đi tới tương lai đó.

Thứ trưởng tin rằng những câu chuyện và bài học như vậy còn rất nhiều và cần được lan tỏa rộng hơn nữa, và kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy cùng chung tay xây dựng một ngày mai tốt đẹp hơn cho trẻ em.

Thảo luận