Nhật Bản lo ngại về hoạt động của quân đội Nga ở quần đảo Kuril

TOKYO (Sputnik) - Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi bày tỏ quan ngại về hoạt động của quân đội Nga ở Viễn Đông, hãng thông tấn Kyodo đưa tin.
Sputnik
"Các hoạt động ở khu vực Viễn Đông đang tiếp tục diễn ra một cách tích cực", -  Bộ trưởng nói.

Ông lưu ý rằng hồi tháng 12 năm ngoái Nga đã triển khai các hệ thống tên lửa phòng không trên các đảo Kunashir và Iturup.

Tổ hợp S-300V4 của Nga diễn tập đẩy lùi cuộc không kích ở quần đảo Kuril

Hãng tin nhấn mạnh rằng việc kiểm tra căn cứ này gắn liền với các hoạt động tích cực của quân đội Nga ở khu vực này và các cuộc tập trận của quân đội Nga tại "lãnh thổ phía bắc", cách gọi của Nhật Bản đối với Kunashir, Iturup, Shikotan và Habomai. Bộ trưởng đã đưa ra chỉ thị để thực hiện công việc chuẩn bị nhằm sẵn sàng đáp trả bất kỳ hành động nào, kể cả trong không gian mạng.

Hôm thứ Hai, ông Kishi đã có chuyến thăm tới căn cứ không quân của lực lượng tự vệ ở Hokkaido, ông cũng lưu ý rằng Nga "đang tích cực tiến hành các cuộc tập trận và thu thập thông tin trong vùng trời xung quanh Nhật Bản".

Nga tập trận ở biển Nhật Bản

Tuần trước, Nga đã tổ chức một cuộc tập trận quy mô lớn kéo dài 5 ngày ở Biển Nhật Bản, Sakhalin và quần đảo Kuril, với tổng cộng hơn 10 nghìn quân nhân, tới 500 đơn vị thiết bị quân sự, khoảng 32 máy bay, khoảng 12 tàu thuyền sử dụng cho các mục đích khác nhau thuộc Hạm đội Thái Bình Dương.

Nhật Bản hứa sẽ thỏa thuận được với Nga về quần đảo Kuril

Quan hệ Nga-Nhật

Trong nhiều năm nay quan hệ giữa Nga và Nhật Bản khá ảm đạm do giữa hai bên không có hiệp ước hòa bình. Năm 1956, Liên Xô và Nhật Bản ký Tuyên bố chung, trong đó Moskva đồng ý xem xét khả năng chuyển giao Habomai và Shikotan cho Nhật Bản sau khi ký kết hiệp ước hòa bình, tuy nhiên không đả động gì về số phận hai đảo khác là Kunashir và Iturup. Liên Xô hy vọng rằng bản tuyên bố chung này sẽ chấm dứt được tình trạng tranh chấp, nhưng phía Nhật Bản chỉ coi văn kiện này là một phần biện pháp để giải quyết vấn đề, chứ không từ bỏ yêu sách đối với tất cả bốn hòn đảo nói trên.

Các cuộc đàm phán sau đó không mang lại kết quả nào, hiệp ước hòa bình giữa hai nước cứ như vậy từ cuối Chiến tranh thế giới II đến nay vẫn chưa được ký kết. Có ý kiến cho rằng Hoa Kỳ đã tỏ ý chống đối quyết liệt, đe dọa rằng ngay cả nếu Nhật Bản đồng ý chuyển giao hai trong số bốn hòn đảo nói trên cho Nga, thì điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến quá trình trao trả chủ quyền Okinawa cho Nhật Bản (Hiệp định trao trả Okinawa cho Nhật Bản có hiệu lực vào năm 1972 - chú thích biên tập). Lập trường của Moskva là quần đảo này đã trở thành một phần lãnh thổ Liên Xô sau Chiến tranh thế giới II, và chủ quyền của Liên bang Nga đối với chúng là không thể bàn cãi.

Năm 2018 tại Singapore, sau hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo Nga và Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Bản cho biết các bên nhất trí thúc đẩy tiến trình đàm phán về hiệp ước hòa bình dựa trên Tuyên bố chung Xô-Nhật năm 1956. Đây là một sự nhượng bộ nghiêm túc của phía Nhật Bản, bởi vì cho đến nay quan điểm chính thức của nước này là trước hết đòi lại bốn hòn đảo nói trên, và chỉ sau đó mới ký kết hiệp ước hòa bình.

Thảo luận