Lệnh cấm “đào coin” ở Trung Quốc có gây hại cho môi trường không?

Lệnh cấm khai thác Bitcoin ở Trung Quốc có thể khiến tình hình môi trường trở nên tồi tệ hơn, theo báo chí Nhật Bản. Bất chấp thực tế là Trung Quốc đã nhiều lần bị chỉ trích vì lượng khí thải carbon quá mức, giờ đây, theo Japan Times, mọi người đều thấy rằng, Trung Quốc là nước tiêu thụ nhiều nhất các nguồn năng lượng tái tạo.
Sputnik

Theo đó, nếu những “thợ mỏ” khai thác Bitcoin rời khỏi Trung Quốc, họ sẽ đến các nước đang phát triển khác, nơi sản xuất điện theo cách kém thân thiện với môi trường.

Trung Quốc từ lâu theo đuổi chính sách hạn chế Bitcoin và các loại tiền điện tử phi tập trung khác

Năm 2013, các nhà chức trách Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo đối với các cơ cấu tài chính của đất nước về những rủi ro có thể xảy ra với Bitcoin. Ngay từ năm 2017, Bắc Kinh đã cấm các sàn giao dịch chứng khoán và các đợt phát hành tiền điện tử lần đầu (ICO). Năm nay, Ủy ban ổn định tài chính của Trung Quốc tuyên bố rằng, cần phải đấu tranh chống lại hoạt động khai thác Bitcoin và giao dịch bằng tiền điện tử, kiên quyết ngăn chặn dòng rủi ro cá nhân vào khu vực công. 

Sau khi có tín hiệu rõ ràng từ Bắc Kinh, chính quyền địa phương bắt đầu theo đuổi chính sách nhất quán về hạn chế Bitcoin và các loại tiền điện tử phi tập trung khác. Các biện pháp tương ứng đã được công bố ở Nội Mông, Vân Nam, Tứ Xuyên, Tân Cương. Những biện pháp này đã khiến tỷ giá bitcoin giảm đáng kể, điều này không có gì đáng ngạc nhiên: Trung Quốc hiện chiếm tỷ lệ hơn 60% hashrate của thế giới, hashrate là đơn vị đo lường khả năng giải thuật toán của thiết bị “đào” tiền kỹ thuật số. Giờ đây, những trang trại khổng lồ khai thác tiền điện tử ở Trung Quốc đang bán các thiết bị hoặc tìm kiếm các quốc gia thay thế, nơi họ có thể đặt cơ sở sản xuất.

Theo báo chí Nhật Bản, trong tháng trước, các nhà kinh doanh khai thác tiền điện tử ở Gruzia, Kazakhstan và các nước đang phát triển khác có rất nhiều khách hàng mới. Ở những nước này có nguồn điện với giá tương đối rẻ. Bằng cách này hay cách khác, việc khai thác Bitcoin sẽ di chuyển sang các khu vực pháp lý khác, nơi có các quy định mềm hơn và chi phí khai thác tiền điện tử thấp hơn. Nhưng, vì các quốc gia này có tỷ trọng năng lượng tái tạo thấp hơn Trung Quốc, nên việc chạy các máy tính cần thiết để sản xuất bitcoin sẽ gây hại cho môi trường do lượng khai thác sẽ tăng lên. Chỉ số tiêu thụ điện của trường đại học Cambridge cho thấy việc khai thác bitcoin tiêu thụ 133,68 terawatt giờ điện mỗi năm, nhiều hơn lượng điện Thụy Điển hay Ukraina tiêu thụ năm ngoái. Theo tính toán của Học viện Khoa học Trung Quốc và Đại học Thanh Hoa, nếu mọi thứ vẫn không thay đổi, vào năm 2024, việc khai thác Bitcoin ở Trung Quốc sẽ tiêu thụ 296,59 terawatt giờ điện và sẽ tạo ra 130 triệu tấn khí thải carbon

Lệnh cấm “đào coin” ở Trung Quốc có gây hại cho môi trường không?

Chính quyền Bắc Kinh không thể không chú ý đến khai thác Bitcoin vì lý do môi trường vì Trung Quốc đặt mục tiêu đạt được “trung hòa carbon” vào năm 2060. Nhưng cũng có một khía cạnh quan trọng khác. Tính ẩn danh vốn có trong việc khai thác tiền điện tử phi tập trung đã tạo ra tiền đề cho sự phát triển của nền kinh tế ngầm. Đất nước khó có thể đấu tranh chống rửa tiền và rút vốn trái phép khi người ta sử dụng tiền điện tử. Sự biến động của tiền điện tử cũng là một mối đe dọa nghiêm trọng. Trong nỗ lực kiếm tiền, nhiều người Trung Quốc bắt đầu đầu tư vào Bitcoin và các loại tiền điện tử khác. Trong nhiều trường hợp, đây là những khoản tiết kiệm cuối cùng và đôi khi là quỹ tín dụng. Do những biến động của tiền điện tử hầu như không thể dự đoán được, các rủi ro cá nhân có thể lan sang hệ thống tài chính của đất nước và lĩnh vực xã hội. 

Nước nào ở châu Á quyết định cấm hoàn toàn tiền ảo?

Điều quan trọng đối với Trung Quốc là các nguồn lực và cơ sở hạ tầng phải hoạt động vì lợi ích của nền kinh tế thực tế chứ không phải cho các giao dịch đầu cơ.

Quá trình phát triển tiền kỹ thuật số tạo bước tiến mới

Bắc Kinh cho rằng, nhà nước nên kiểm soát quá trình này. Trung Quốc đã tiến xa hơn các nước khác trong lĩnh vực phát triển đồng tiền kỹ thuật số quốc gia. Trên thực tế, tiền kỹ thuật số của Trung Quốc là một loại tiền hữu ích hơn nhiều so với Bitcoin, - Trợ lý Giám đốc Jia Jinjing từ Trung tâm Nghiên cứu Tài chính Chongyang tại Đại học Nhân dân Trung Quốc chia sẻ với Sputnik. 

“Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số và tiền điện tử là những thứ hoàn toàn khác nhau. Tiền điện tử phi tập trung chỉ là một tài sản. Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số là công cụ thanh toán hợp pháp. Và hai loại tiền này không thể thay thế cho nhau. Không có gì sai với tiền điện tử. Vấn đề duy nhất là tiền điện tử làm tăng lại mức giao dịch đầu cơ trên quy mô toàn cầu. Có nghĩa là, tiền điện tử không phải là giá trị thực được tạo ra, mà là một loại chimera nào đó. Chúng tôi thấy rằng, thế giới đang dần hiểu ra nhu cầu phát triển các loại tiền kỹ thuật số quốc gia. Trung Quốc đang tạo ra đồng nhân dân tệ kỹ thuật số. Đồng tiền này, do Ngân hàng Trung ương phát hành, có chủ quyền giống như tiền tệ fiat Yuan. Trung Quốc chỉ đơn giản sử dụng các công nghệ có liên quan đến tiền điện tử. Tất nhiên, không thể phủ nhận rằng, có sự đối lập rõ ràng giữa tiền điện tử và tiền kỹ thuật số. Đồng thời, không nên quên rằng, tiền điện tử chỉ là một loại hàng hóa. Và không nên tìm kiếm bất kỳ lợi thế nào khác ở đây". 
Lệnh cấm “đào coin” ở Trung Quốc có gây hại cho môi trường không?

Dân đào coin sẽ bị thiệt hại

Tất nhiên, những thợ mỏ đào Bitcoin sẽ chịu một số thiệt hại: sau cùng, hàng trăm triệu đô la đã được chi cho việc mua thiết bị. Trung Quốc đã đầu tư rất mạnh tay vào lĩnh vực điện toán lượng tử. Ngoài ra, ở Trung Quốc đã hình thành một chuỗi cung ứng các thiết bị và linh kiện cần thiết. Ví dụ, công ty Bitmain của Trung Quốc là nhà sản xuất ASIC lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, những hạn chế trong lĩnh vực khai thác tiền điện tử không có nghĩa là cơ sở hạ tầng này sẽ không còn cần thiết. Nó sẽ hữu ích cho sự phát triển tiền tệ kỹ thuật số quốc gia, chuyên gia Jia Jinjing cho biết.

“Nếu đồng nhân dân tệ kỹ thuật số trở nên phổ biến, nó sẽ đòi hỏi một cơ sở hạ tầng mạng hơn, vùng phủ rộng với mạng 4G và 5G. Mạng 3G không phù hợp cho mục đích này. Nhưng, cơ sở hạ tầng của nhiều quốc gia, không giống như Trung Quốc, có mạng di động 3G. Ngoài ra, khai thác Bitcoin phải dựa trên một cơ sở hạ tầng tính toán mạnh mẽ. Hiện tại, khoảng 70% sức mạnh tính toán để duy trì những hệ thống này tập trung ở Trung Quốc. Bắc Kinh đã tuyên chiến với các thợ mỏ đào tiền ảo. Tuy nhiên, những cơ sở này sẽ không bị mất - chúng sẽ được sử dụng để hỗ trợ cơ sở hạ tầng của đồng nhân dân tệ kỹ thuật số. Đây là một điểm hấp dẫn của đồng tiền kỹ thuật số Trung Quốc”.
Lệnh cấm “đào coin” ở Trung Quốc có gây hại cho môi trường không?

Hiện tại, các cuộc thử nghiệm đồng nhân dân tệ kỹ thuật số đang được thực hiện ở một số thành phố thí điểm. Ngày càng có nhiều lĩnh vực ứng dụng tiền kỹ thuật số. Giờ đây, cả các nhà bán lẻ trực tuyến và ngoại tuyến cũng như dịch vụ đặt xe taxi đều đang hợp tác với Ngân hàng Trung ương Trung Quốc trong các cuộc thử nghiệm. Gần đây, các hệ thống tàu điện ngầm của Bắc Kinh và Tô Châu bắt đầu chấp nhận thanh toán bằng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số. Người ta chưa biết những chi tiết kỹ thuật về hoạt động của đồng nhân dân tệ kỹ thuật số. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thông báo rằng, đồng nhân dân tệ kỹ thuật số sẽ hoạt động trên blockchain, tuy nhiên, nó sẽ được tập trung hóa, việc phát hành và sử dụng sẽ do Ngân hàng Trung ương kiểm soát. Việc phát hành sẽ được thực hiện theo hai giai đoạn: từ Ngân hàng Trung ương đến các ngân hàng thương mại, và từ ngân hàng thương mại đến người tiêu dùng. Như vậy sẽ giảm thiểu được rủi ro thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Các nhà chức trách Trung Quốc cho biết rằng, đồng nhân dân tệ kỹ thuật số có thể được sử dụng ngay cả trong các trường hợp không có kết nối Internet nhờ công nghệ NFC (Near-Field Communications) - chuẩn kết nối không dây trong phạm vi tầm ngắn. Cuối cùng, đồng nhân dân tệ kỹ thuật số lúc đầu sẽ thay thế M0 - tổng lượng tiền mặt do Ngân hàng Trung Ương phát hành đang được lưu thông - và sẽ được sử dụng nội bộ nhà nước. 

Ý kiến chuyên gia: Ở Trung Quốc không có tương lai nào cho Bitcoin

Xu hướng phát triển tiền kỹ thuật số quốc gia 

Các biện pháp của Trung Quốc trong lĩnh vực tiền điện tử và tiền kỹ thuật số hiện được coi là chuẩn mực cho hành động. Ví dụ, việc Trung Quốc phát triển đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình đang thúc đẩy các quốc gia châu Á khác tiến tới việc tạo ra tiền kỹ thuật số quốc gia. Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) đã công bố một báo cáo cho thấy 86% trong số 65 ngân hàng trung ương được khảo sát đang có một số hoạt động về tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương. 60% quốc gia đã bắt đầu thử nghiệm và 14% đang thử nghiệm các loại tiền kỹ thuật số. Do đó, nếu các đồng tiền kỹ thuật số quốc gia được lưu hành rộng rãi, chúng sẽ biến đổi hoàn toàn hệ thống tài chính toàn cầu hiện tại dựa trên sự thống trị của đồng đô la, chuyên gia cho biết.

“Trong tương lai, các quốc gia khác nhau, bằng cách này hay cách khác, sẽ cố gắng xây dựng một đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình. Đây chỉ là vấn đề thời gian. Và quá trình số hóa sẽ có tác động đáng kể đến toàn bộ hệ thống tài chính toàn cầu. Ví dụ, trong thương mại quốc tế, đồng USD đang chiếm ưu thế vì nó là thuận tiện nhất để sử dụng. Nhưng, sự thuận tiện này là do đặc thù của việc bố trí cơ sở hạ tầng tài chính truyền thống. Và sau khi xuất hiện các loại tiền kỹ thuật số, tất cả sự tiện lợi của việc sử dụng đồng USD sẽ đặt ngang hàng với các loại tiền khác".

Tiền kỹ thuật số có thể giảm thiểu số lượng trung gian và thời gian của các giao dịch. Có nghĩa là SWIFT và toàn bộ cơ sở hạ tầng của các ngân hàng đại lý sẽ không còn cần thiết nữa. Điều này sẽ làm giảm chi phí giao dịch. Vấn đề duy nhất là cần phải phát triển các tiêu chuẩn công nghệ thống nhất để hệ thống của các quốc gia khác nhau tương thích với nhau.

Thảo luận