Sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt
Văn bản nói trên cũng đề nghị xem xét chính sách ưu đãi để phát triển dòng xe ô tô chiến lược, dung tích nhỏ, tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường.
Bộ Tài chính đang cùng Bộ Công Thương nghiên cứu, trình các cơ quan chức năng các chính sách, biện pháp hỗ trợ, khuyến khích đối với sản xuất, lắp ráp ô tô, nâng cao giá trị gia tăng tạo ra trong nước với các dòng ô tô chiến lược, trong đó có giải pháp về thuế tiêu thụ đặc biệt.
Cơ quan này sẽ nghiên cứu, đánh giá và đề xuất chính sách thuế với những dòng ô tô chiến lược trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt thời gian tới.
Hiện tại, theo quy định, thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống được tính theo dung tích xi lanh. Xe có động cơ dưới 1.5L chịu mức thuế 35%; loại trên 1.5-2.0 L chịu thuế 40%, trên 2.0-2.5L chịu 50%, trên 2.5-3.0L chịu 60%, trên 3.0-4.0L chịu 90%, trên 4.0-5.0L chịu 110%, trên 5.0- 6.0L chịu 130% và trên 6.0L chịu 150%.
Với xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện/sinh học, trong đó tỷ trọng xăng không quá 70%, thuế tiêu thụ đặc biệt bằng 70% mức thuế so với xe cùng loại sử dụng xăng. Xe ô tô chạy bằng năng lượng sinh học, thuế tiêu thụ đặc biệt bằng 50% mức thuế so với xe chạy bằng xăng.
Chính sách về thuế tiêu thụ đặc biệt là một trong những chính sách được các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô mong đợi nhất.
Cần khuyến khích linh kiện ô tô sản xuất trong nước
Từ năm 2017, Bộ Công Thương đã đề xuất miễn thuế tiêu thụ đặc biệt với linh kiện ô tô, nằng giúp các nhà sản xuất giảm giá bán, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, đến nay, quá trình nghiên cứu, sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt vẫn đang diễn ra.
Năm 2019, trong Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật này, Bộ Tài chính đã đề xuất: giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống, sản xuất trong nước, là giá do cơ sở sản xuất bán ra, trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước.
Giới chuyên môn thừa nhận những chính sách này sẽ khuyến khích doanh nghiệp tìm mua linh kiện sản xuất trong nước thay cho hàng nhập khẩu, từ đó mở rộng cửa cho ngành công nghiệp hỗ trợ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa ô tô, hạ giá thành sản phẩm.
Không chỉ riêng các doanh nghiệp ô tô mà người tiêu dùng Việt Nam cũng rất mong chờ những chính sách này sớm được ban hành, bởi giá xe ô tô sẽ giảm theo, nhu cầu sở hữu ô tô sẽ nằm trong tầm tay nhiều người.