Theo đó, kết quả điều tra về nguyên nhân tử vong của quân nhân nghĩa vụ Trần Đức Đô được khẳng định là chết ngạt ‘do tự treo cổ’, không có dấu hiệu tội phạm, không khởi tố vụ án hình sự liên quan việc binh nhì Trần Đức Đô ‘chết trong tư thế treo cổ’.
Thông tin về vụ quân nhân Trần Đức Đô tử vong, Trung tướng Dương Đình Thông, Chính ủy Quân khu 1, Bộ Quốc phòng cho biết, nguyên nhân cái chết của Trần Đức Đô là do ‘tự treo cổ’.
Phía gia đình quân nhân Trần Đức Đô không tin con trai mình tự tử, đồng thời sẽ kiến nghị xác minh điều tra lại nguyên nhân cái chết của Đô.
Nguyên nhân tử vong của quân nhân Trần Đức Đô là gì?
Vụ quân nhân Trần Đức Đô chết khi huấn luyện ở Trường Quân sự Quân khu 1, Thái Nguyên, lãnh đạo Quân khu 1, Bộ Quốc phòng Việt Nam vừa thông báo kết luận nguyên nhân tử vong của quân nhân Trần Đức Đô mới nhất.
Theo đó, kết luận của cơ quan điều tra, quân nhân Trần Đức Đô không có mâu thuẫn với đồng đội và không bị đánh đập. Quân nhân Đô được xác định tử vong do “tự treo cổ”.
Cụ thể, chiều 12/7, Trưởng phòng Tuyên huấn Quân khu 1 (Bộ Quốc phòng) - đại tá Nguyễn Xuân Thìn cho biết, cơ quan điều tra Quân khu 1 đã có kết luận nguyên nhân tử vong của quân nhân Trần Đức Đô (19 tuổi, quê thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).
Trung tướng Dương Đình Thông, Chính ủy Quân khu 1, Bộ Quốc phòng khẳng định với báo chí chiều nay 12/7 cho biết, Cơ quan điều tra Quân đội kết luận “không có dấu hiệu tội phạm” liên quan đến cái chết của quân nhân nghĩa vụ Trần Đức Đô.
“Nguyên nhân được xác định là do tự treo cổ”. Tướng Thông khẳng định.
Vì sao không khởi tố vụ án hình sự liên quan cái chết của quân nhân Trần Đức Đô?
Đại tá Nguyễn Xuân Thìn cũng thông tin cho biết, cơ quan chức năng không phát hiện thấy dấu hiệu việc quân nhân Đô bị xúi giục, bị thúc ép hay làm nhục.
Trưởng phòng Tuyên huấn Quân khu 1 khẳng định không khởi tố vụ án để điều tra về nguyên nhân tử vong của quân nhân Trần Đức Đô.
Căn cứ khoản 1 Điều 157, khoản 1 Điều 158 Bộ luật tố tụng hình sự, Cơ quan điều tra hình sự Khu vực 3, Quân khu 1 kết luận và ra quyết định không khởi tố hình sự vụ việc trên.
Theo Đại tá Thìn, trong thời gian huấn luyện, quân nhân Đô cũng không có mâu thuẫn trong đơn vị, với gia đình hay có quan hệ nam nữ.
Theo kết luận của pháp y, vết bầm xước là do cọ sát vào mặt vật thể không bằng phẳng. Với diễn biến kết quả xác minh trên có đủ căn cứ kết luận không có phạm tội xảy ra.
Ngoài ra, Quân khu 1 xác định quân nhân Đô không có hành vi đánh bạc hay vay nợ ai, cũng không bị đánh đập hay hành hung trong đơn vị.
“Các dấu vết xây xát, bầm tím trên cơ thể quân nhân Đô là do khi treo cổ và quá trình cắt dây đưa quân nhân Đô xuống để cấp cứu đã va quệt vào thân cây. Với diễn biến và kết quả, xác minh nêu trên, cơ quan điều tra đủ cơ sở không có sự việc phạm tội xảy ra, cơ quan không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ việc trên”, đại tá Thìn cho hay.
Trưởng phòng Tuyên huấn Quân khu 1 cho biết, khi khám nghiệm, cơ quan chức năng phát hiện trong balo của quân nhân Đô có 3 lá thư viết cho gia đình nhưng chưa gửi đi.
Lá thư thứ nhất có nội dung nói về nỗi nhớ nhà. Lá thư thứ hai kể về cuộc sống sinh hoạt huấn luyện trong quận đội được học tập, làm quen.
Lá thư thứ 3 kể về sự yêu thương, giúp đỡ nhau của đồng đội trong quá trình nhập ngũ.
Ngoài ra, anh Đô cũng tâm sự với một quân nhân khác về sở thích đi làm về thích ở nhà, đóng cửa tắt điện.
“Bác ruột và bố đã chứng kiến toàn bộ quá trình khám nghiệm tử thi quân nhân Đô. Quá trình điều tra, gặp gỡ các nhân chứng đều có sự tham gia chứng kiến của 2 luật sư do gia đình mời.
Quá trình phục dựng lại hiện trường tự tử của quân nhân Đô, đại diện ra gia đình và 2 luật sư gia đình mời đều tham gia chứng kiến”, Đại tá Thìn chia sẻ với phóng viên báo chí.
Vụ quân nhân Trần Đức Đô tử vong khi huấn luyện ở Thái Nguyên
Như Sputnik đã thông tin trước đó, ngày 16/1, quân nhân Trần Đức Đô nhập ngũ và tham gia khóa huấn luyện tại tỉnh Bắc Giang. Giữa tháng 6, anh chuyển đến Trường Quân sự Quân khu 1 để tiếp tục tham gia huấn luyện.
Ngày 26/6, quân nhân Đô cùng đồng đội ra thao trường học khóa huấn luyện 10 ngày. Vào 13h45 đến 14h ngày 28/6, khi đơn vị đang chuẩn bị huấn luyện thì quân nhân Đô báo cáo chỉ huy đơn vị, xin ra ngoài đi vệ sinh.
Sau khoảng 20 phút không thấy quân nhân Đô quay lại, chỉ huy Đại đội 14 cử 3 chiến sĩ đi tìm. Đến 14h30 cùng ngày, Đô được phát hiện đang treo cổ trên cây phía sau đỉnh đồi, cách địa điểm huấn luyện của đơn vị khoảng 50 m. Ngay sau đó, đơn vị đã đưa Đô đi cấp cứu tại bệnh viện ở thành phố Thái Nguyên.
Đến 15h30 ngày 28/6, bệnh viện thông báo quân nhân Trần Đức Đô tử vong.
Gia đình không tin Trần Đức Đô tự tử
Đại diện Quân khu 1, Bộ Quốc phòng khẳng định, để khách quan thì sẽ cho phép luật sư, gia đình được tiếp cận vụ án Trần Đức Đô. Người thân và luật sư có thể được ghi chép, tiếp cận các nhân chứng, đồng đội của Đô.
Trao đổi với báo chí, bố của quân nhân Trần Đức Đô, ông Trần Đức Hội cho hay, ở góc độ một người làm cha, ông và gia đình không tin con trai mình tự tử.
“Không bao giờ tin con trai mình tự tử”, ông Hội nhấn mạnh.
Ông Hội khẳng định, khi có thông báo chính thức sẽ kiến nghị cơ quan chức năng xác minh lại nguyên nhân cái chết của con trai mình là quân nhân nghĩa vụ Trần Đức Đô.