Đại dịch COVID-19

Dịch Covid-19 phức tạp, TP.HCM thí điểm cách ly F0 ở nhà

Tin tức mới nhất về tình hình dịch Covid-19 của Việt Nam: Bản tin tối ngày 13/7 của Bộ Y tế công bố thêm 852 ca dương tính mới, nâng tổng số ca mắc Covid-19 ghi nhận trong ngày lên tới 2.301 trường hợp.
Sputnik

Bộ Y tế Việt Nam cho phép tiêm trộn vaccine Covid-19 của Pfizer/BioNTech với AstraZeneca trong trường hợp lượng vaccine hạn chế.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, TP.HCM sẽ thí điểm điều trị 2 nhóm đối tượng F0 tại nhà gồm các bệnh nhân đã điều trị cách ly 10 ngày, xét nghiệm có lượng virus thấp, khả năng lây nhiễm thấp và nhân viên y tế có kinh nghiệm theo dõi sức khỏe.

Nhà máy đông công nhân nhất ở TP.HCM – Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam chuyên sản xuất giày thể thao cho các hãng lớn ở Bình Tân buộc phải cho khoảng 33.000/56.000 công nhân tạm ngừng việc vì dịch Covid-19.

Phát hiện thêm 2301 ca Covid-19 mới

Theo bản tin tối của Bộ Y tế, với 852 ca mắc mới, cả ngày 13/7, Việt Nam ghi nhận tới 2.301 trường hợp mắc Covid-19.

Theo Bộ Y tế, tính từ 13h đến 18h ngày 13/7 có 852 ca mắc mới (BN33649-34500), trong đó có 3 ca nhập cảnh, 849 trường hợp lây nhiễm trong nước. Cụ thể, TP. Hồ Chí Minh (546), Bình Dương (186), Long An (49), Đồng Tháp (19), Phú Yên (15), Hưng Yên (8 ), Hà Nội (6), Cần Thơ (5), An Giang (4), Đà Nẵng (4), Trà Vinh (3), Kiên Giang (3), Bắc Giang (1).

Có 759 người được phát hiện ở khu cách ly/khu đã phong tỏa. Như vậy, tính cả ngày 13/7, Việt Nam ghi nhận 2.301 ca mắc mới, trong đó có 5 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Tây Ninh (4), Thanh Hóa (1) và 2.296 ca ghi nhận trong nước.

TP.HCM đề xuất tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho shipper, người nghèo và trên 65 tuổi

Thống kê cho thấy, TP. Hồ Chí Minh (1797), Bình Dương (186), Long An (130), Đồng Tháp (31), Bà Rịa - Vũng Tàu (27), Phú Yên (26), Vĩnh Long (23), Đồng Nai (12), Bến Tre (11), Hà Nội (8 ), Hưng Yên (8 ), Tây Ninh (5), Cần Thơ (5), An Giang (4), Đà Nẵng (4), Trà Vinh (3), Kiên Giang (3), Quảng Ngãi (2), Bình Thuận (2), Bắc Ninh (2), Bắc Giang (2), Nam Định (1), Nghệ An (1), Lào Cai 1), Bình Phước (1), Thanh Hóa (1).

Bộ Y tế cho hay, số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 30.985 ca, trong đó có 6.779 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 11 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hoà Bình. Đồng thời, có 08 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Bắc Kạn, Thừa Thiên - Huế, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Đắk Nông, Quảng Nam, Nam Định, Lào Cai.

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 4.117.627 xét nghiệm cho 10.338.948 lượt người.

Dịch Covid-19 phức tạp, TP.HCM thí điểm cách ly F0 ở nhà

Ngày hôm nay, cả nước có thêm 5 ca tử vong, 222 người được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca bình phục lên thành 9.553 người.

Việt Nam hiện đã tiêm chủng được 4.063.872 liều vaccine phòng Covid-19, trong đó số người đã được tiêm 1 mũi là 3.783.505 người, lượng người được tiêm đủ 2 mũi là 280.367 người.

Tiêm trộn 2 mũi vaccine Pfizer và AstraZeneca nếu người dân đồng ý

Ngày 13/7, Bộ Y tế quyết định phân bổ hơn 746.000 liều vaccine Comiranty được Pfizer cung ứng trong tháng 7 cho 63 tỉnh/thành phố.

"Trường hợp số lượng vaccine hạn chế thì ưu tiên sử dụng vaccine Pfizer để tiêm mũi 2 cho những người tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca từ 8-12 tuần nếu người được tiêm chủng đồng ý và tiêm mũi thứ nhất cho những người chưa được tiêm chủng", Bộ Y tế nêu.

Với quyết định này, Bộ Y tế đã chính thức cho phép tiêm 2 mũi vaccine Covid-19 sản xuất bởi hai hãng khác nhau. Đây cũng là cách mà nhiều quốc gia khác trên thế giới đang áp dụng ở thời điểm này.

Hiện TP.HCM là địa phương nhận số lượng vaccine được phân bổ nhiều nhất với gần 55.000 liều. Xếp tiếp theo là Hà Nội với hơn 38.000 liều, Bình Dương và Đồng Nai mỗi tỉnh nhận gần 26.000 liều.

TP.HCM có 365 bệnh nhân Covid-19 và phát sinh thêm 2 ổ dịch mới

Vaccine được chia thành 4 đợt. Trong đó, đợt 1 và 2 lên tới 97.110 liều/đợt, đợt 3 gần 228.00 liều, đợt 4 hơn 325.200 liều.

Trong số các bệnh viện và các viện trực thuộc Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Phổi Trung ương là hai nơi nhận được nhiều vaccine nhất, hơn 15.200 liều/bệnh viện. Bệnh viện Nhi Trung ương nhận hơn 14.000 liều, Bệnh viện E nhận hơn 12.800 liều.

Tại phía Nam, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện y học TP.HCM và Viện Pasteur TP.HCM được phân bổ 10.500 - 14.000 liều. Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chịu trách nhiệm tiếp nhận, bảo quản và vận chuyển vaccine tới Dự án Tiêm chủng mở rộng khu vực để phân bổ tới 63 tỉnh/thành phố và lực lượng công an, quân đội.

Bộ Y tế lưu ý, các vaccine được bảo quản nhiệt độ 2°C đến 8°C thì phải sử dụng hết trong vòng tối đa 31 ngày. Các đơn vị được phân bổ cần phối hợp chặt chẽ với Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Dự án Tiêm chủng mở rộng khu vực để lập kế hoạch tiếp nhận vaccine và triển khai tiêm chủng kịp thời, đảm bảo sử dụng hết số vaccine được nhận.

Trước đó, vào sáng 7/7, Bộ Y tế tiếp nhận lô vaccine phòng Covid-19 Comirnaty của Pfizer/BioNtech gồm 97.110 liều. Đây là lô vaccine đầu tiên trong cam kết cung ứng 31 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNtech cho Việt Nam năm 2021. Có khoảng 9 triệu liều vaccine Covid-19 được chuyển về Việt Nam trong tháng 7.

Dịch Covid-19 phức tạp, TP.HCM thí điểm cách ly F0 ở nhà

Hơn 33.000 công nhân Pouyuen Việt Nam phải tạm ngừng việc

Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam, quận Bình Tân buộc phải dừng sản xuất theo yêu cầu chính quyền TP.HCM để phòng chống Covid-19.

Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty trách nhiệm hữu hạn Pouyuen Việt Nam (chuyên sản xuất giày thể thao cho các nhãn hàng lớn ở quận Bình Tân) xác nhận có khoảng 33.000 trên tổng số 56.000 công nhân đã tạm ngừng việc vì nhiều lý do khác nhau có liên quan đến dịch Covid-19 kể từ đầu năm đến nay.

"Xe tiêm vaccine lưu động" và sự nhân văn của người Việt trong mùa dịch Covid-19

Trong đó, có khoảng 10.000 công nhân nhà ở Long An ngày 12/7 đã không đến Công ty làm việc do quy định hạn chế đi lại để phòng, chống dịch của chính quyền tỉnh. Hơn 3.500 công nhân ở Tiền Giang, Bến Tre cũng phải tạm ngừng việc với lý do tương tự. Tất cả số công nhân trên đều được xe Công ty đưa, đón hàng ngày từ nhà đến Công ty và ngược lại.

Ngoài ra, gần 20.000 công nhân của Công ty cũng phải tạm nghỉ việc do mắc Covid-19, cùng các trường hợp liên quan đến các ca nhiễm phải đi cách ly tập trung, cách ly tại nhà. Một số công nhân khác sinh sống ở khu vực bị phong tỏa hoặc chủ động xin nghỉ phép.

Về lương và các quyền lợi của người lao động, ông Củ Phát Nghiệp cho biết, Công ty vẫn chi trả đủ cho công nhân trong tháng 6, kể cả những trường hợp tạm nghỉ. Tuy nhiên, trong tháng 7 này sẽ phải thỏa thuận lại phương án chi trả lương do có nhiều trường hợp nghỉ quá 14 ngày/tháng.

Hiện tình hình sản xuất của Công ty trách nhiệm hữu hạn Pouyuen Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn khi hơn 1/2 công nhân, người lao động công ty tạm ngừng việc. Ngược lại, một số công nhân đến công ty nhưng không tập trung làm việc, thể hiện tâm lý lo lắng, bất an do tác động tâm lý từ tình hình dịch bệnh.

Dịch Covid-19 phức tạp, TP.HCM thí điểm cách ly F0 ở nhà
“Công đoàn Công ty cũng đã nhiều lần tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn nhưng chưa hiệu quả. Trước mắt, chúng tôi sẽ kiến nghị với lãnh đạo Công ty để đánh giá lại toàn bộ tình hình, tìm giải pháp thuyết phục hơn đối với người lao động và doanh nghiệp trong thời gian tới”, ông Nghiệp nhận định với TTXVN.

Theo ông Củ Phát Nghiệp, hiện Công ty đang có nhiều đơn hàng gấp nhưng việc thiếu hụt lao động làm ảnh hưởng quy trình sản xuất, tiến độ giao hàng bị chậm nhiều. Trong đó, có nhiều đơn hàng kéo dài thời gian hoàn thành tăng gấp 2 - 3 lần so với trước đó.

“Nếu không thỏa thuận được với khách hàng, Công ty không chỉ giảm uy tín, còn có khả năng sẽ phải bồi thường vì sự chậm trễ này”, ông Nghiệp nhấn mạnh.

Bộ Y tế công bố thêm 4 trường hợp tử vong liên quan đến Covid-19
Trong suốt thời gian kể từ khi dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, Công ty trách nhiệm hữu hạn Pouyuen Việt Nam luôn phối hợp ngành y tế thành phố và chính quyền địa phương để kịp thời phát hiện ca nhiễm bệnh, đồng thời, chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng xét nghiệm, truy vết, cách ly các trường hợp liên quan, khoanh vùng khu vực sản xuất đó.

Đại diện ngành y tế thành phố cũng xác nhận, Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam thường xuyên phối hợp cùng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố tiến hành lấy mẫu xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 cho hàng chục nghìn công nhân nơi đây.

Theo lãnh đạo công ty, tính từ 4/7 đến nay, Công ty cùng các ngành chức năng đã phát hiện 35 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 và hàng nghìn trường hợp đã phải cách ly phòng dịch bệnh.

Dự kiến thí điểm cách ly F0 tại nhà ở TP. HCM

Trả lời báo chí trưa 13/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo bệnh nhân Covid-19 điều trị tại bệnh viện 10 ngày nếu không có triệu chứng có thể cho về nhà.

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh triển khai xét nghiệm Covid-19 tại sân bay Tân Sơn Nhất

Theo đó, Bộ Y tế dự kiến, F0 sau khi được bệnh viện điều trị 10-14 ngày mà không có triệu chứng sẽ cho về tiếp tục theo dõi, cách ly tại nhà. Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiến hành thí điểm phương án cách ly F0.

"Ban đầu sẽ áp dụng cho nhóm bệnh nhân như nhân viên y tế và những người có khả năng tự theo dõi sức khỏe", Thứ trưởng Sơn nói.

Nhóm này phải đáp ứng các điều kiện về nơi cách ly tương tự các tiêu chí khi áp dụng cách ly F1 tại nhà đã được thí điểm triển khai thời gian qua.

"Đặc biệt, F0 cách ly tại nhà phải có hệ thống y tế kết nối trực tiếp và phản ứng hết sức linh hoạt khi có những triệu chứng báo động y tế, phải được cấp cứu đưa ngay đến các cơ sở y tế theo đúng kế hoạch đã phân công", ông Sơn cho hay.

Những ngày qua, mỗi ngày TP. HCM đều ghi nhận hơn 1.000 bệnh nhân. Tính đến trưa 13/7, số ca mắc Covid-19 trong đợt dịch thứ tư tại địa phương này đã là 16.027. Trước đó, đã có nhiều chuyên gia đề xuất phương án cách ly F0 không triệu chứng tại nhà.

Sau khi đánh giá thí điểm tại TP. HCM, Bộ Y tế sẽ xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương để quyết định việc áp dụng hướng dẫn cách ly F0 tại nhà trên phạm vi toàn quốc.

Trả lời vấn đề này, Phó giám đốc Sở Y tế thành phố Nguyễn Hữu Hưng cho biết, mọi việc sẽ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Hôm 11/7, tại cuộc họp trực tuyến với TP. HCM, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu thành phố làm việc với Bộ Y tế để xem xét điều chỉnh thời gian điều trị F0 tại các bệnh viện dã chiến phù hợp.

Hiện, tất cả bệnh nhân Covid-19 (F0) được cách ly, điều trị bắt buộc tại cơ sở y tế. Tại TP. HCM, các ca nhiễm không triệu chứng được điều trị tại bệnh viện dã chiến, được theo dõi y tế và lấy mẫu xét nghiệm định kỳ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Tây Ninh

Theo quy định hiện nay của Bộ Y tế, các ca F0 không triệu chứng cách ly tập trung tại cơ sở y tế tối thiểu 14 ngày và lấy ít nhất hai mẫu bệnh phẩm cách nhau 48-72 giờ, xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR. Thời gian từ khi lấy mẫu bệnh phẩm cuối cùng đến khi ra viện không quá 24 giờ. Người bệnh sau đó tiếp tục được cách ly tại nhà thêm 14 ngày sau khi ra viện.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, từ kinh nghiệm thực tế, có thể thấy thời điểm mấu chốt để sàng lọc phân loại bệnh nhân nặng hay nhẹ là ngày điều trị thứ 7-8. Cơ sở y tế cần theo dõi sát thời gian đầu. Những bệnh nhân sau hơn một tuần không có dấu hiệu dự báo tiến triển nặng trên lâm sàng và xét nghiệm, có thể coi là bệnh nhân nhẹ và chuyển sang khu cách ly chờ hồi phục.

Cho đến lúc này, Bộ Y tế mới chỉ hướng dẫn cách ly F1 tại nhà, đang triển khai thí điểm ở một số địa phương. Cuối tháng 6, Bộ Y tế hướng dẫn TP HCM cách ly F1 tại nhà 28 ngày, nếu đảm bảo đủ điều kiện, như có phòng riêng, khép kín, tách biệt khu sinh hoạt chung của gia đình.

Theo đó, UBND cấp xã tại TP. HCM cho phép F1 cách ly tại nhà nếu họ có nhà ở riêng (biệt thự, nhà ở liền kề, nhà ở độc lập). Nhà có phòng cách ly riêng, khép kín, tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình. Nhà nhiều tầng thì dùng riêng một tầng để cách ly F1. Các hộ gia đình đảm bảo có một phòng khác để nhân viên y tế đến khám, lấy mẫu, theo dõi sức khỏe F1.

Phòng cách ly có nhà vệ sinh, nhà tắm riêng; đủ dụng cụ sinh hoạt cá nhân; có dụng cụ đo thân nhiệt; thùng đựng rác có nắp đậy và dán nhãn "chất thải có nguy cơ chứa Covid-19".

Nhà có điều kiện được khuyến khích dùng điều hòa, máy giặt riêng; đảm bảo thông thoáng khí, thường xuyên mở cửa sổ. Bên cạnh đó, mỗi gia đình cần có bộ phòng hộ cá nhân như khẩu trang y tế, găng tay, giày, kính, quần áo bảo hộ để các thành viên dùng khi tiếp xúc với F1.

Thảo luận