Khi nào quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ rời khỏi Syria?

Cuộc họp cấp cao quốc tế lần thứ 16 về Syria theo định dạng Astana đã được tổ chức vào tuần trước tại thủ đô Nur-Sultan của Kazakhstan. Hội nghị có sự tham dự của phái đoàn các nước bảo lãnh - Iran, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, chính phủ Syria và phe đối lập vũ trang Syria.
Sputnik

Sau cuộc hội đàm, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ra tuyên bố nhấn mạnh về “cam kết của các bên đối với quá trình tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria”.

Nhà khoa học chính trị Thổ Nhĩ Kỳ, nhà sử học, tiến sĩ Khoa học Lịch sử Mehmet Perinçek, trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, nhận xét về kết quả hội nghị Nur-Sultan và triển vọng giải quyết chính trị cho cuộc xung đột Syria:

Thổ Nhĩ Kỳ dẹp trạm quan sát của mình ở Syria
“Để hiểu thế nào là dàn xếp chính trị, cần phải đánh giá tổng thể quá trình đàm phán Astana. Nguyên tắc cơ bản của nó là đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ Syria. Có hai yếu tố chính cản trở điều này. Một trong số đó là các hoạt động khủng bố ly khai của các đơn vị tự vệ PKK / người Kurd ở phía đông sông Euphrates với sự hỗ trợ của Mỹ. Yếu tố thứ hai là các nhóm khủng bố hoạt động ở Idlib. Nếu không loại bỏ được hai yếu tố này, việc duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ Syria và theo đó, một dàn xếp chính trị là không thể thực hiện. Nhờ vô hiệu hóa các phần tử khủng bố, có thể đưa phe đối lập không cực đoan vào đời sống chính trị đất nước. Tiến trình Astana giúp tách các nhóm khủng bố cực đoan khỏi những người theo chủ nghĩa đối lập ôn hòa”.

Astana hay Geneva?

Trong khi đó quá trình đàm phán khác vẫn tiếp tục diễn ra tại Geneva, nơi mà Hoa Kỳ và các nước phương Tây tham gia. Nói về quá trình nào trong hai tiến trình có nhiều khả năng dẫn đến việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, chuyên gia nhấn mạnh:

“Khó có thể tìm kiếm các điểm tiếp xúc hoặc đồng thuận chung giữa Astana và Geneva. Chỉ những ai đóng một vai trò quan trọng “trên thực địa” mới có thể có hiệu quả trong tiến trình chính trị và ra quyết định. Cho đến nay, không có giải pháp hiệu quả và khả thi nào khác cho vấn đề Syria, ngoại trừ các quyết định do những người tham gia tiến trình Astana đưa ra. Do đó, sự liên kết hơn nữa của các lực lượng ở Syria sẽ được hình thành phù hợp với đường lối sẽ được phát triển theo định dạng Astana. Đương nhiên, Hoa Kỳ đang tìm cách ngăn chặn điều này, cả thông qua sự hiện diện quân sự của họ ở Syria và bằng cách gây áp lực thông qua tiến trình Geneva. Tuy nhiên, 4 đại diện Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Iran và Damascus sẽ là thế lực có lời quyết định cuối cùng”.

Ý định của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria

Phát biểu về sự hiện diện của các lực lượng nước ngoài ở Syria, và đặc biệt là quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, ông Perincek lưu ý:

Quân đội Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức tập luyện chung ở Syria
“Tất cả những bên tham gia theo định dạng Astana đều chỉ ra tầm quan trọng của việc đạt được sự toàn vẹn lãnh thổ Syria. Sau khi mục tiêu này đạt được, hiển nhiên, tất cả lực lượng quân sự các quốc gia khác sẽ phải rời khỏi lãnh thổ Syria. Sự hiện diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria được giải thích do nhiệm vụ duy nhất - đảm bảo tính toàn vẹn của đất nước. Thổ Nhĩ Kỳ không có mục tiêu và ý định nào khác ở Syria. Do đó, sau khi nhận được những đảm bảo duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ đất nước, cụ thể là: loại bỏ mối đe dọa từ các đơn vị tự vệ PKK / người Kurd, chấm dứt sự hiện diện quân đội Mỹ, tiêu diệt hoàn toàn các nhóm khủng bố ở Idlib, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ rời khỏi các vùng lãnh thổ này. Đây là một kịch bản hoàn toàn tự nhiên cho sự phát triển của các sự kiện”.

Cuối cùng, Perincek chia sẻ ý kiến ​​của mình về những bước cần thực hiện để ổn định tình hình ở Idlib:

“Cách hiệu quả nhất để đảm bảo ổn định ở Idlib và vô hiệu hóa mối đe dọa từ các đơn vị tự vệ PKK / người Kurd là thiết lập đối thoại và tương tác giữa Ankara với Damascus. Các lợi ích của chính quyền Syria và Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ trùng khớp ở mức độ lớn nhất giữa tất cả các bên tham gia vào quá trình Astana. Vì các hoạt động khủng bố của các đơn vị tự vệ PKK / người Kurd, như các nhóm ở Idlib, hầu hết đều đe dọa an ninh của cả hai quốc gia”.
Thảo luận