Tại Nga, đoàn sẽ tham dự Lễ duyệt binh kỷ niệm 325 năm thành lập Hải quân Liên bang Nga và tham gia thi đấu môn “Cúp biển” (Sea Cup) thuộc Hội thao Quân sự quốc tế năm 2021 (Army Games 2021).
Cặp tàu hộ vệ tên lửa Việt Nam khởi hàng sang Nga thi đấu Army Games 2021
Như Sputnik Việt Nam đã thông tin trước đó, năm nay, lần đầu tiên, Hải quân Việt Nam cử biên đội hai tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard 015 Trần Hưng Đạo và 016 Quang Trung tham dự Hội thao Quân sự quốc tế Army Games 2021.
Sau lễ xuất quân được tổ chức tại quân cảng Cam Ranh hôm qua (12/7) biên đội hai tàu hộ vệ tên lửa Trần Hưng Đạo và Quang Trung, thuộc Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân của Việt Nam hôm nay lên đường đến thành phố Vladivostok của Nga.
Theo đó, sáng 13/7, theo lời mời của Bộ Quốc phòng Nga, Đại tá Trịnh Xuân Tùng, Phó tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã dẫn đầu biên đội tàu 015-Trần Hưng Đạo, tàu 016-Quang Trung cùng đoàn công tác rời Quân cảng Cam Ranh lên đường sang Liên bang Nga.
Tham dự lễ tiễn đoàn tại Quân cảng Cam Ranh có Chuẩn đô đốc Nguyễn Đình Hùng, Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, Chuẩn đô đốc Ngô Văn Thuân, Chính uỷ Vùng 4 Hải quân và đại diện chỉ huy các cơ quan, đơn vị chức năng của Vùng 4 Hải quân.
Sự kiện này sẽ giúp củng cố và tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga, cũng như sự hợp tác tốt đẹp giữa quân đội và hải quân hai nước.
Ngoài ra, hội thao cũng là nơi để Hải quân Việt Nam giao lưu, trao đổi và thúc đẩy hợp tác với các nước tham gia.
Dự kiến, hai tàu hộ vệ 015 Trần Hưng Đạo và 016 Quang Trung sẽ tiến hành duyệt binh tàu hải quân và thi đấu nội dung môn “Cúp biển” (Sea Cup) trong khuôn khổ hội thao. Dự trên tình hình cụ thể, đoàn công tác của Hải quân Việt Nam sẽ tham gia các hoạt động lễ tân, giao lưu và tham quan một số di tích, lịch sử, văn hóa tại thành phố Vladivostok.
Cơ hội chứng minh năng lực Hải quân Việt Nam
Nhân dịp này, các sĩ quan và thủy thủ biên đội tàu 015, 016 cũng sẽ thực hiện huấn luyện đi biển đường dài để nâng cao năng lực tổ chức chỉ huy hiệp đồng, khả năng sẵn sàng chiến đấu, kỹ năng thao tác làm chủ vũ khí, trang bị trong điều kiện hoạt động dài ngày trên biển.
Các kinh nghiệm tích lũy được sẽ rất có ích cho việc tổ chức các sự kiện quốc tế của Hải quân Việt Nam sau này.
Chia sẻ về nhiệm vụ mà toàn đội đang sắp triển khai, Trung tá Bùi Xuân Bình, Chính ủy Lữ đoàn 162 cho biết, trong nhiều tháng qua, toàn thể cán bộ, chiến sĩ đội tàu đã đặt ra quyết tâm cao nhất trong huấn luyện, đảm bảo chuẩn bị mọi thứ thật chu đáo trước khi lên đường sang nước bạn.
Trung tá Bình nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với QĐND rằng, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đã xây dựng, triển khai Nghị quyết lãnh đạo chuyên đề, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đơn vị trong năm 2021.
“Công tác giáo dục chính trị, quán triệt ý thức, trách nhiệm, niềm vinh dự tự hào đại diện cho Hải quân nhân dân Việt Nam tham gia thi đấu với hải quân các nước trong khu vực và thế giới đến từng cán bộ, chiến sĩ”, Trung tá Bình cho biết.
Theo anh, Lữ đoàn đã phát động phong trào thi đua với chủ đề “Luyện tập chuyên cần, lập công quyết thắng”.
Cần nhắc lại, đây là lần đầu tiên Hải quân Việt Nam tham gia một hội thao quân sự có quy mô quốc tế tầm cỡ như Army Games 2021.
Hội thao Army Games llần này cũng là dịp để các chiến sĩ khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, khả năng chỉ huy, trình độ huấn luyện làm chủ phương tiện, vũ khí trang bị kỹ thuật, hiệp đồng giữa các vị trí, đồng thời là cơ hội để cán bộ, thủy thủ giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, tăng cường hiểu biết lẫn nhau.
Hội thao Quân sự quốc tế lần này cũng là dịp để chuyển tải thông điệp hòa bình hữu nghị, hiểu biết, tin cậy lẫn nhau của Hải quân Việt Nam tới quân đội, hải quân và bạn bè quốc tế. Vì thế, công tác huấn luyện của đơn vị nhận được rất nhiều sự quan tâm của Đảng ủy, chỉ huy lữ đoàn.
Quy trình huấn luyện cường độ cao của các chiến sĩ Hải quân Việt Nam
Trao đổi với báo chí, Thượng úy Nguyễn Duy Phong, Phó trưởng Ngành Cơ điện Tàu 015, Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân, Đội trưởng Đội Đấu tranh bảo vệ sức sống tàu đã có một số chia sẻ về việc huấn luyện, luyện tập của đơn vị.
Theo đó, quy chế phần thi đấu tranh chống chìm tàu năm 2021 chỉ mới được cập nhật hơn 2 tuần trước và có một số thay đổi so với quy chế năm 2020.
Trong khi đó, suốt giai đoạn huấn luyện thứ nhất (từ 1/3/2021) đến giai đoạn 3, đội đều áp dụng quy chế năm 2020 với yêu cầu thời gian xuất hiện mỗi lỗ là 8 giây và có tổng là 4 lỗ thủng. Điểm số được tính theo thời gian và chất lượng bịt lỗ thủng, căn cứ trên mực nước tràn vào trong tàu.
Trong khi đó, quy chế mới yêu cầu tổng số lỗ thủng là 5 lỗ, thời gian xuất hiện các lỗ thủng là 10 giây/lỗ thủng và đo chất lượng bịt lỗ thủng thông qua mực nước sau khi đội trưởng báo cáo hoàn tất bịt rò các lỗ thủng.
Ngay sau khi cập nhật quy chế mới, đội đã điều chỉnh chiến thuật tập luyện, từ làm nhanh tất cả các lỗ sang làm nhanh từng lỗ một với yêu cầu đặt ra dưới 50 giây để bịt được toàn bộ 5 lỗ thủng. Ngoài ra, thứ tự xuất hiện các lỗ dựa theo bốc thăm bất kỳ chứ không được biết trước.
Theo quy chế, áp lực nước trong thi đấu là 4 at (tương đương 4kg lực/cm2). Tuy nhiên, các chiến sĩ trong đội luyện tập trong điều kiện áp lực là 6 at, cao hơn 2 at so với bài thi.
“Điều này sẽ giúp tăng cường kỹ năng vì trong thi đấu còn yếu tố tâm lý nên thành tích sẽ khó cao được như khi luyện tập”, vị lãnh đạo lưu ý.
Để làm chủ được thời gian thì đòi hỏi phải làm chủ về kỹ năng để xử lý lỗ thủng. Khi đã thuần thục kỹ năng với áp lực nước cao thì sẽ dễ dàng làm chủ trong điều kiện áp lực nước thấp. Tổng thời gian huấn luyện cả lý thuyết lẫn thực hành là gần 600 giờ. Kết quả sát hạch của đội tiệm cận với thành tích đạt huy chương của các đội dự thi năm 2020.
Để đạt được thành quả này, phần lớn là nhớ ngay từ đầu, đội đã luyện tập nâng cao, thực hiện huấn luyện khó hơn so với bài thi thực nên khi chuyển đổi phương pháp huấn luyện không gặp nhiều khó khăn, kịp thời đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Trung tá Phạm Anh Tuấn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 162 cho biết, đơn vị huấn luyện với cường độ tăng dần, từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, trên tinh thần huấn luyện nội dung nào được nội dung đó, tăng cường sửa tập, tuyệt đối không bớt xén nội dung, thời gian và chạy theo thành tích.
Sau mỗi giai đoạn huấn luyện đều tổ chức rút kinh nghiệm để kịp thời điều chỉnh, khắc phục.
Qua sát hạch trước lúc lên đường, thành tích các đội đều tốt, thời gian thực hành các nội dung giảm một nửa so với giai đoạn đầu. Ngoài ra, đơn vị còn chú trọng tổ chức luyện tập thể lực, nâng cao sức bền, sự dẻo dai, khả năng chịu đựng sóng gió và cả trình độ ngoại ngữ cho cán bộ, chiến sĩ thuộc biên đội tàu…
Phát huy tinh thần chiến đấu, mang vinh quang về cho Tổ quốc
Theo Thiếu tá Mã Nguyên Thanh, Thuyền trưởng Tàu 015, nhiệm vụ lần này không cho phép lơ là, để xảy ra các sai sót, dù là nhỏ nhất trong công tác chỉ huy, vận hành.
“Hội thao là cơ hội để kiểm chứng kết quả huấn luyện cũng như năng lực, khả năng sẵn sàng chiến đấu, trình độ chuyên môn của cán bộ, chiến sĩ, khả năng làm chủ vũ khí, khí tài mới và sức mạnh, vị thế của Hải quân nhân dân Việt Nam trên đấu trường quốc tế”, Thiếu tá Thanh nhấn mạnh.
Thiếu tá Thanh cho biết, thuyền trưởng đóng vai trò rất quan trọng với các kíp trong thực hành các nội dung thi.
Lấy ví dụ về nội dung kỹ năng hàng hải, thuyền trưởng là người có toàn quyền quyết định với mọi tính toán về hướng, vận tốc cơ động, các thời điểm thả neo hay sử dụng máy móc. Những quyết định này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thời gian hoàn thành bài thi, từ đó định đoạt kết quả bài thi.
“Hay trong nội dung bắn pháo, thuyền trưởng phải xác định thời điểm phát hỏa, số lượng đạn mỗi loạt, căn cứ vào báo cáo về độ lệch, độ chụm của đường đạn của các vị trí chiến đấu. Nội dung bắn pháo đối hải có yêu cầu vừa về thời gian điều động tàu, vừa bảo đảm tiêu diệt mục tiêu đều do thuyền trưởng quyết định”, thuyền trưởng Mã Nguyên Thanh cho hay.
Thiếu tá Mã Nguyên Thanh nhấn mạnh, dù cho vũ khí thiết bị kỹ thuật có hiện đại đến mấy những nếu không được con người vận hành theo đúng theo các phương án, kế hoạch hiệp đồng thì vẫn khó có thể phát huy cao nhất hiệu quả và khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Do đó, ngay từ đầu, hai tàu đã chọn ra các cá nhân chuyên môn cao để nhanh chóng làm chủ và khai thác tốt trang thiết bị kỹ thuật.
Với sự nỗ lực không ngừng, cộng với việc nghiên cứu kỹ các quy chế hội thi để có phương án huấn luyện tối ưu nhất, các đội đã có sự tiến bộ rõ rệt về thành tích đạt được, đặc biệt là các đội cứu hộ cứu nạn, đấu tranh bảo vệ sức sống tàu.
Biên đội tàu cũng đã phối hợp với các cơ quan cấp trên để đảm bảo kỹ thuật, đảm bảo an toàn, thuận lợi cho chuyến hải trình dài.
Các phụ tùng thay thế được dự phòng sẵn cho mọi tình huống hỏng hóc có thể xảy ra trên biển, đảm bảo tàu đi theo đúng kế hoạch.
Ngoài ra, một vấn đề quan trọng khác là bảo quản lương thực, thực phẩm cho chuyến công tác. Để đảm bảo an toàn cho toàn đội trước nhưng diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các phương án đã được tính toán kỹ lưỡng. Các thiết bị, vật tư quân y đã được vận chuyển đầy đủ lên tàu.
Khi các chiến sĩ trên tàu lên bờ thực hiện nhiệm vụ đều được xét nghiệm nhanh Covid-19 trước khi hòa nhập với tàu. Biên đội tàu cũng tổ chức các khu cách ly riêng với các chiến sĩ có nguy cơ nhiễm Covid-19 cao.
Trung tá Bùi Xuân Bình nhấn mạnh, đến thời điểm hiện tại, mọi công tác chuẩn bị về kỹ thuật, hậu cần đều hoàn tất. Kíp tàu và các đội đã hoàn thành nội dung chương trình huấn luyện trong nước với kết quả tốt.
“Cán bộ, thủy thủ biên đội tàu đã sẵn sàng với tinh thần, ý chí quyết tâm cao nhất để lên đường sang Nga thi đấu cùng hải quân các nước bạn, quyết tâm vượt qua khó khăn, giành kết quả cao nhất mang vinh quang về cho đất nước, quân đội và Hải quân nhân dân Việt Nam”, Trung tá Bùi Xuân Bình khẳng định.