Vụ cái chết của Trần Đức Đô: Có hay không tình trạng bạo lực trong quân đội?

Vụ quân nhân nghĩa vụ Trần Đức Đô tử vong, cơ quan Điều tra Hình sự Khu vực 3, Quân khu 1, Bộ Quốc phòng, kết hợp với giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật Hình sự, Công an tỉnh Thái Nguyên đã chỉ rõ, nguyên nhân cái chết của binh nhì Trần Đức Đô là ngạt ‘do treo cổ’.
Sputnik

Cơ quan điều tra cũng làm rõ sự thật có hay không tình trạng cán bộ, chỉ huy hành hung đồng đội không? Có tình trạng cán bộ, chỉ huy quân phiệt bộ đội không? Có tình trạng chiến sĩ cũ bắt nạt chiến sĩ mới không? Có tình trạng cá độ, lô đề cờ bạc hay không.

Nguyên nhân gây nên cái chết của binh nhì Trần Đức Đô là gì?

Theo đó, căn cứ vào kết quả kiểm tra xác minh, Cơ quan Điều tra Hình sự Khu vực 3, Quân khu 1, Bộ Quốc phòng đã có kết luận về nguyên nhân tử vong của quân nhân Trần Đức Đô, vụ việc gây xôn xao dư luận Việt Nam thời gian qua.

Nguyên nhân quân nhân Trần Đức Đô tử vong: Chết do ‘tự treo cổ’

Theo kết luận điều tra của cơ quan chức năng, quân nhân Trần Đức Đô là binh nhì, học viên đào tạo Tiểu đội trưởng Công binh thuộc Tiểu đội 4, Trung đội 2, Đại đội 14, Tiểu đoàn 4, Trường Quân sự Quân khu 1.

Quân nhân Trần Đức Đô được khẳng định đã tử vong vào ngày 28/6/2021 tại thao trường huấn luyện tổng hợp của Trường Quân sự Quân khu 1 (tại xóm Bãi Phẳng, xã Bàn Đạt, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên).

Trong thông cáo báo chí phát đi, lãnh đạo Quân khu 1 cho hay, cơ quan điều tra đã trưng cầu Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh Thái Nguyên) giám định pháp y tử thi quân nhân Trần Đức Đô để xác định nguyên nhân chết, thời gian chết, cơ chế hình thành các dấu vết trên cơ thể của binh nhì này.

Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng trưng cầu Viện Pháp y Quân đội giám định độc chất trong phủ tạng, tình trạng mô bệnh học trong phủ tạng và da cơ, nồng độ cồn trong máu.

Đặc biệt, cơ quan chức năng cũng xét nghiệm chất ma túy, trưng cầu Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) giám định so sánh các chất bám dính trên cơ thể, quần áo với dây dù và vỏ cây keo thu ở hiện trường liên quan đến cái chết của quân nhân nghĩa vụ Trần Đức Đô.

“(Trong) mẫu phủ tạng của Trần Đức Đô gửi giám định không phát hiện thấy các chất độc, (trong) mẫu máu của Trần Đức Đô gửi giám định không phát hiện thấy các chất ma túy, không có (chất) Ethanol”, bản kết luận pháp y về hóa pháp ngày 1/7 của Viện Pháp y Quân đội nêu rõ.

Tiếp đó, bản kết luận giám định mô bệnh học ngày 2/7 của Viện Pháp y Quân đội khẳng định, Phù phổi, sung huyết các phủ tạng, tổn thương da rãnh hằn vùng cổ bên phải có tính chất sống.

Điểm đáng chú ý nhất trong báo cáo về kết luận điều tra cái chết của Trần Đức Đô chính là thông tin về nguyên nhân tử vong.

“Nguyên nhân chết của quân nhân Trần Đức Đô là ngạt do treo cổ”, bản kết luận giám định pháp y về tử thi của Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Thái Nguyên khẳng định.

Đơn vị này cũng cho biết, thời gian binh nhì Trần Đức Đô chết là sau bữa ăn cuối cùng từ 2 giờ đến 3 giờ, thời gian chết đến thời điểm khám nghiệm tử thi từ 6 - 8 giờ.

Vì sao có các dấu vết trên thi thế binh nhì Trần Đức Đô?

Cơ quan điều tra cũng làm rõ việc xuất hiện các dấu vết (vết bầm) trên thi thể của binh nhì Trần Đức Đô.

Bản kết luận nêu rõ, về cơ chế hình thành các dấu vết trên thi thể của Trần Đức Đô - Rãnh hằn vùng cổ và xây xát da vùng cằm trái, mặt tím tái phù nề, sung huyết các phủ tạng… đều được xác định là “do treo cổ”.

“Vết xây xát da và tụ máu dưới da vùng thái dương phải do tác động tương hỗ với vật có bề mặt không phẳng, vết xây xát da vùng ngực (mũi ức) và cổ tay trái do tác động tương hỗ với vật có bề mặt không phẳng, các vết sẹo mờ hình tròn vùng hạ sườn trái và hố chậu trái là bệnh lý da”, kết luận điều tra khẳng định.

Vụ Trần Đức Đô: Bộ Quốc phòng Việt Nam sẽ có câu trả lời về nguyên nhân cái chết?
Tiếp đó, kết luận giám định ngày 6/7 của Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an cho biết, do lượng dấu vết ít nên không đủ cơ sở để giám định hình thái các tổ chức nghi thực vật có trong các mẫu vật chất bám dính tại vùng cổ, mẫu vật chất bám dính tại lòng bàn tay phải, mẫu vật chất bám dính tại lòng bàn tay trái và trên bộ quần áo thu trong quá trình khám nghiệm tử thi Trần Đức Đô, ba đoạn dây dù thu tại hiện trường nơi phát hiện quân nhân Trần Đức Đô trong tư thế treo cổ.

Mẫu vật chất bám dính tại vùng cổ có xơ sợi vải, trong đó có loại xơ sợi cùng loại với phần dây dù thu ở hiện trường nơi phát hiện quân nhân Trần Đức Đô trong tư thế treo cổ.

“Mẫu vật chất bám dính tại lòng bàn tay phải và lòng bàn tay trái đều có xơ sợi vải, do số lượng xơ sợi vải ít và ngắn nên không đủ cơ sở để giám định so sánh với dây dù thu tại hiện trường”, Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an nói.

Tại sao không khởi tố hình sự vụ án Trần Đức Đô?

Cùng với đó, cơ quan Điều tra khẳng định đều đã lấy lời khai của toàn bộ các cán bộ, học viên, nhân viên phục vụ chuyến đi huấn luyện dã ngoại của Đại đội 14 và một số lời khai của các quân nhân huấn luyện tân binh ở Trung đoàn 2 (Sư đoàn 3) cùng với quân nhân Trần Đức Đô.

“Các lời khai đều khẳng định không có hiện tượng mất đoàn kết, hành hung, quân phiệt, đánh nhau xảy ra trong đơn vị. Đa số các cán bộ, học viên đều nhận xét quân nhân Đô là người trầm tính, ít nói, không vi phạm kỷ luật, không thấy có mâu thuẫn với ai”, kết luận điều tra nhấn mạnh.

Cùng với đó, kết quả kiểm tra, xác minh không phát hiện thấy quân nhân Trần Đức Đô bị xúi giục, bức ép, làm nhục.

“(Quân nhân Trần Đức Đô) không có mâu thuẫn trong đơn vị, gia đình, quan hệ tình cảm nam nữ, không có hành vi cờ bạc, lô đề, vay nợ, không có việc bị đánh đập hành hung”, kết luận điều tra nhấn mạnh.

Các dấu vết xây xát trên cơ thể quân nhân Đô là do khi treo cổ và quá trình cắt dây đưa quân nhân xuống để cấp cứu đã làm va quệt vào thân cây gây ra.

Căn cứ quy định tại khoản 1, Điều 157 và khoản 1, Điều 158 Bộ luật Tố tụng hình sự, Cơ quan Điều tra hình sự Khu vực 3 (Quân khu 1) kết luận xác minh, ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với sự việc trên.

“Với diễn biến và kết quả kiểm tra, xác minh nêu trên, đủ căn cứ để xác định không có sự việc phạm tội xảy ra”, cơ quan chức năng khẳng định.
Vụ Trần Đức Đô: Có hay không tình trạng bạo lực trong quân đội?

Kết luận điều tra ngày 10/7 của Cơ quan Điều tra Hình sự Khu vực 3, Quân khu 1 cho hay, cơ quan chức năng đã lấy lời khai của “toàn bộ cán bộ học viên, nhân viên phục vụ đi huấn luyện dã ngoại của Đại đội 14”, cùng với một số lời khai của các quân nhân huấn luyện tân binh ở Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 cùng với quân nhân Trần Đức Đô.

Trong đó, cơ quan điều tra đặc biệt nhấn mạnh đến cái tên của quân nhân Trần Văn Hiếu, cũng sinh 2002, cùng quê, cùng nhập ngũ và huấn luyện tân binh cùng đơn vị và là “chú họ” của Trần Đức Đô.

Bộ Quốc phòng lên tiếng về vụ quân nhân Trần Đức Đô treo cổ chết

Các lời khai được cho là trùng khớp và được nêu rõ trong kết luận điều tra của cơ quan chức năng rằng hoàn toàn không có hiện tượng mất đoàn kết, hành hung, quân phiệt, đánh nhau xảy ra trong đơn vị quân đội.

Lấy lời khai của một học viên tên Đào Bá Hải, cùng đơn vị với Trần Đức Đô cho thấy, vào khoảng 9 giờ sáng ngày 27/6, trong lúc Hải và Đô buộc giá để cuốc xẻng và dây móc chổi, hai người có nói chuyện với nhau. Nói về bẩn thân, Trần Đức Đô cho hay “chỉ thích ở trong phòng tối một mình, tắt điện, đóng cửa”.

Đáng chú ý, sau đó Đô hỏi lại Hải: “Ông đã bao giờ nghĩ đến chuyện tự tử chưa?" thì Hải quát Đô: “Ông bị điên à"…

Khi Đô hỏi Hải: “Ông có thích làm bạn với tôi không?” thì Hải không trả lời rồi chuyển sang chủ đề khác. Trong suốt cuộc nói chuyện, giọng nói của Đô trầm lặng, nét mặt buồn, không vui vẻ, theo lời kể của học viên Đào Bá Hải, theo Tiền Phong.

Ngày 30/6/2021, bố mẹ ruột của quân nhân Trần Đức Đô là ông Trần Đức Hội và bà Trần Thị Đông đã yêu cầu luật sư Lưu Quang Hùng (Công ty Luật TNHH Hoàn Cầu, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con trai mình.

Cơ quan điều tra sau đó đã thông báo về việc đăng ký bào chữa, tham gia tố tụng cho luật sư Lưu Quang Hùng căn cứ theo Điều 36, 78 và 84 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Đáng chú ý, cơ quan điều tra đã triển khai phát phiếu thăm dò với các học viên của Đại đội 14 (Tiểu đoàn 4, Trường Quân sự Quân khu 1) và 62 chiến sĩ ở Trung đoàn 2 (Sư đoàn 3, Quân khu 1, là đơn vị cũ của quân nhân Đô) bằng hình thức bỏ phiếu kín, đồng thời lập biên bản kiểm tra ghi nhận kết quả. Các câu hỏi được đặt ra là:

“Trong đơn vị có tình trạng cán bộ, chỉ huy hành hung đồng đội không? Có tình trạng cán bộ, chỉ huy quân phiệt bộ đội không? Quá trình học tập, huấn luyện tại đơn vị có tình trạng chiến sĩ cũ bắt nạt chiến sĩ mới không? Có tình trạng cá độ, lô đề cờ bạc không?”, trích phiếu thăm dò học viên của cơ quan điều tra.

Kết quả, các ý kiến đều phủ nhận các vấn đề trên.

Việc các chiến sĩ cắt dây đưa quân nhân Trần Đức Đô xuống để cấp cứu có sự chứng kiến của hai người dân sống gần đó. Cơ quan chức năng đã lấy lời khai của Bà Nguyễn Thị Chinh (SN 1974) và ông Nguyễn Văn Lương (SN 1978, cùng trú ở xóm Bãi Phẳng, xã Bàn Đạt, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) để phục vụ điều tra.

Theo bà Chinh, vào tầm 14 giờ 30 phút ngày 28/6, khi bà đang ngồi chẻ lạt để buộc mạ ở khu Bãi Phẳng thì thấy có mấy người bộ đội ở chỗ cây keo (trong khu vực thao trường quân sự, cách chỗ bà Chinh 300m) và nhìn thấy có người rơi xuống, nhưng vẫn thấy có một người ở trên cây. Khi đó, bà Chinh tưởng là người đi bắt chim bị rơi xuống.

Còn theo ông Lương, chiều 28/6, đang ngồi uống nước ở nhà ông Đào Văn Nhuận cùng xóm thì được vợ gọi điện bảo "ở ngoài kia có bộ đội thắt cổ tự tử chết".

Nghe vậy, ông Lương và ông Nhuận đến xem thì thấy một chiến sĩ đang hô hấp ép tim ngoài lồng ngực, một người khác đang bóp tay cho người mặc áo lót màu xanh, quần rằn ri đang nằm ngửa dưới đất.

Ngay sau đó, có vài người khác chạy tới nhưng ông Lương không để ý. Khi đó, ông Lương có nói: "Chết rồi thì hô hấp làm gì nữa". Đáp lại, người đang ép tim nói: "Còn nước còn tát anh ạ". Khi xe cứu thương đến thì ông Lương ra về.

Quân khu 1 cho biết, cơ quan điều tra đã tiến hành kiểm tra tư trang của quân nhân Đô và các chiến sĩ khác trong toàn đơn vị. Kết quả, chỉ có ba lô của Đô là không có dây tăng võng.

Trong ba lô, ngoài tư trang vật dụng cá nhân, còn có 845.000 đồng và 3 lá thư quân nhân Đô viết cho gia đình nhưng chưa gửi. Các là thư có nội dung nói về nỗi nhớ nhà, cuộc sống quân ngũ và tình yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau của đồng đội trong đơn vị.

Vụ hai tử tù treo cổ chết ở buồng biệt giam: Công an tỉnh Bắc Kạn lên tiếng

Quá trình điều tra, cơ quan chức năng cũng đã lấy lời khai của bố, mẹ và một số người thân trong gia đình của quân nhân Trần Đức Đô. Cả bố và mẹ Đô đều cho biết, mỗi khi gọi điện về nhà, Đô chỉ nói lời thăm hỏi bình thường chứ chưa hề kể về việc bị ai đánh.

 Gia đình cũng không biết Đô có người yêu hay chưa vì nam quân nhân không tâm sự gì về chuyện đó. Riêng em gái Đô là Trần Thị Uyên cho biết anh trai chưa có người yêu.

Theo dì ruột của quân nhân Đô là bà Trần Thị Nhung, từ khi đi học Tiểu đội trưởng thì hai dì cháu thường liên lạc, nhắn tin qua điện thoại và Facebook.

Trước 25/6, Đô có gọi điện về. Khi đó, bà Nhung có hỏi "Đô à, ở đấy có khỏe không, có bị đánh không?", Đô vừa cười vừa nói "Cháu chỉ bị chỉ huy đánh thôi nhưng không sao đâu". Nam quân nhân còn dặn bà Nhung đừng nói chuyện này với bố mẹ. Đồng thời, bà Nhung cũng cung cấp nội dung đoạn tin nhắn Facebook giữa 2 người từ ngày 15/6/2021 đến ngày 25/6/2021 cho cơ quan điều tra.

Kết quả khám nghiệm hiện trường cho thấy, cây keo nơi phát hiện quân nhân Trần Đức Đô treo cổ cao khoảng 10m, đường kính phần gốc 25cm, cây nghiêng sang bên phải khoảng 13 độ theo hướng nhìn từ đỉnh đồi xuống.

Gốc cây có một cành cụt hướng lên trên, đầu cụt cách mặt đất 80cm; trên thân cây có các nhánh cách mặt đất lần lượt là 2,6m và 3,6m (3,6m là vị trí buộc dây treo cổ).

Quân nhân Trần Đức Đô đã được mai táng theo nghi thức Quân đội hôm 1/7 vừa qua.

Thảo luận