Phải có quy định phù hợp, đảm bảo chất lượng
Sau đó, Phó Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo như sau: Bộ GD-ĐT nghiên cứu các ý kiến góp ý trên tinh thần cầu thị, nghiêm túc, có hình thức phù hợp để trao đổi ý kiến thật sự khoa học và tiếp thu các ý kiến xác đáng nhằm nâng cao chất lượng và tiếp cận với chuẩn mực quốc tế trong đào tạo tiến sĩ. Đối với những ngành đặc thù thì có quy định cho phù hợp, đảm bảo chất lượng.
Quy chế mới về đào tạo tiến sĩ "chặn đứng" không khí học thuật trong lành
Trước đó, việc Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 18/2021 quy định về đào tạo trình độ tiến sĩ đã gây ra cuộc tranh luận gay gắt trong giới khoa học. Trong đó, nổi cộm là việc quy định mới 'hạ chuẩn' với các nghiên cứu sinh và người hướng dẫn, có thể dẫn đến việc đào tạo tiến sĩ tràn lan không đảm bảo chất lượng. Từ đó, gây ra những hệ lụy với giáo dục đại học và sau đại học trong tương lai.
GS.TS Lê Huy Bắc, Trưởng khoa Việt Nam học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng từng bày tỏ quan điểm:
"Đối với các ngành KHXH thì theo tôi, thông tư này chặn đứng đà phát triển học thuật KHXH của nước nhà".
Ông Bắc cho biết Thông tư 18 có điểm tích cực như trao quyền tự chủ hơn cho các cơ sở đào tạo, nhưng cần xem lại “phần cứng” của nghiên cứu sinh (NCS) và người hướng dẫn. Đối với các ngành Khoa học tự nhiên và Kinh tế vốn có nhiều thành tựu trong công bố quốc tế thì Thông tư này không có gì đáng bàn nhiều. Các nhà khoa học thuộc lĩnh vực này thường xuyên tiếp cận với chuẩn quốc tế.
Quy chế đào tạo tiến sĩ từ năm 2017 yêu cầu NCS và người hướng dẫn phải có bài báo đăng tạp chí ISI/Scopus. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, quy chế này đã khiến cho các ứng viên TS, PGS, GS “dưới chuẩn quốc tế” không còn đất dụng võ, các “lò ấp” tiến sĩ bị xóa sổ, mang lại không khí học thuật trong lành cho ngành KHXH.