‘Cái khéo’ của ông Vương Đình Huệ

Là nhà lãnh đạo được đánh giá vừa có tâm, vừa có tầm, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam khiến nhiều người bất ngờ với câu trả lời hết sức khôn ngoan ở cuộc gặp gỡ báo chí chiều tối nay 22/7 khi nói về “cái khéo” của một Chủ tịch Quốc hội.
Sputnik

Theo đồng chí Vương Đình Huệ, cái khéo của Chủ tịch Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, là khơi dậy được trí tuệ, năng lực làm việc của tập thể, chứ “một mình cá nhân không thể làm được”.

Ông Vương Đình Huệ nói về cái khéo của Chủ tịch Quốc hội

Chiều nay, 22/7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và ba phó Chủ tịch gồm Trần Thanh Mẫn, Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải đã có buổi gặp mặt, trả lời báo chí. Riêng Phó Chủ tịch Trần Quang Phương do bận công tác nên không thể tới dự.

Cuộc gặp mặt các cơ quan thông tấn báo chí được tổ chức cuối ngày làm việc thứ ba của Quốc hội với những chia sẻ hết sức cởi mở từ Chủ tịch Vương Đình Huệ và các phó Chủ tịch.

Không ai phản đối ông Vương Đình Huệ làm Chủ tịch Quốc hội Việt Nam

Người đứng đầu Quốc hội nhấn mạnh, hôm nay là buổi đầy đủ nhất sau khi Quốc hội bầu Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội và Tổng Thư ký Quốc hội.

Trả lời báo chí về cảm xúc khi lần thứ hai được bầu làm Chủ tịch Quốc hội, điểm khác biệt giữa lần tuyên thệ nhậm chức này với hồi tháng 3, ông Vương Đình Huệ cho biết, tuyên thệ nhậm chức là quy định của Hiến pháp.

“Khi được bầu làm Chủ tịch Quốc hội, tôi thực hiện thủ tục tuyên thệ, dù là được bầu làm Chủ tịch Quốc hội khóa XIV hơn 3 tháng trước hay được bầu làm Chủ tịch Quốc hội khóa XV lần này”, đồng chí Vương Đình Huệ chia sẻ.

Lãnh đạo Quốc hội cho biết, cảm giác khi đứng trước gần 500 đại biểu và nhiều quan khách, là vinh dự, tự hào, rất thiêng liêng, xúc động, đồng thời rất áp lực.

“Cảm xúc dâng trào, rất khó tả, hai lần cảm giác vẫn tươi nguyên”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Khi được hỏi, từng là một người Thầy, một nhà khoa học, từng giữ nhiều cương vị, vị trí khác nhau trước khi được bầu làm Chủ tịch Quốc hội, điều này có mang lại lợi thế không, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, ông 43 năm công tác, trong đó hơn một nửa thời gian – tức 23 năm làm giảng viên, rồi được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo, sau đó kinh qua chức Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cùng nhiều cương vị khác nhau.

‘Cái khéo’ của ông Vương Đình Huệ

Theo Chủ tịch Quốc hội, trải qua nhiều lĩnh vực công tác cũng là một lợi thế, bởi hoạt động của Quốc hội là tổng hòa nhiều lĩnh vực.

“Nhưng tôi nghĩ quan trọng nhất là trí tuệ, đóng góp của 499 đại biểu Quốc hội, đặc biệt là của toàn dân”, đồng chí Vương Đình Huệ nói.
“Cái khéo của Chủ tịch Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, là khơi dậy được trí tuệ, năng lực làm việc của tập thể, chứ một mình cá nhân không thể làm được”. Chủ tịch Quốc hội Việt Nam trả lời hết sức khôn khéo.

Chất lượng Đại biểu là nhân tố quyết định

Theo đồng chí Vương Đình Huệ, chất lượng đại biểu là nhân tố quyết định chất lượng Quốc hội.

Đại biểu là trung tâm trong hoạt động của Quốc hội. Với vị trí quan trọng như thế, ông Huệ với tư cách là một trong 499 ĐBQH khóa XV cũng có những tâm tư, nguyện vọng nhất định.

Theo Chủ tịch Quốc hội, ông cũng như các đại biểu đã được 70 triệu cử tri cân nhắc lựa chọn nên đây là vinh dự rất lớn.

Ông Vương Đình Huệ: Bầu cử Việt Nam ‘dân chủ, minh bạch’

Lần thứ ba tham gia Quốc hội, ông rất vinh dự, rất tự hào nhưng cũng là trọng trách nặng nề “luôn phải suy nghĩ mình cần làm gì để xứng đáng với lựa chọn của cử tri, của nhân dân”.

Nhấn mạnh quãng thời gian 5 năm cho nhiệm kỳ sắp tới với trách nhiệm nặng nề, Chủ tịch Vương Đình Huệ cam kết phấn đấu cầu thị lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân của cử tri cả nước.

“Đặt chân vào nghị trường là vinh dự lớn nhưng có hoàn thành trọng trách của mình hay không là việc còn lớn hơn. Dù là Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội hay đại biểu bình thường cũng có trọng trách rất nặng nề với đất nước”, đồng chí Huệ cho biết.

Chủ tịch Quốc hội dẫn lại câu thơ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng đọc trong một lần nhậm chức “Chén vui nhớ buổi hôm nay/ Chén mừng xin đợi ngày này năm sau”, để xem các đại biểu được bầu ra có thực sự xứng đáng với niềm tin, lá phiếu, sự kỳ vọng của nhân dân hay không.

Theo Chủ tịch Quốc hội, đất nước đang hướng về phía trước với những mốc kỷ niệm quan trọng như năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước.

“Chúng ta đang phấn đấu từ một quốc gia có thu nhập trung bình đến thu nhập trung bình cao, thu nhập cao. Chính vì vậy, nhiệm kỳ khóa XV, 5 năm tới là một chặng đường rất quan trọng để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước”, ông Huệ nhắc lại đồng thời khẳng định, là Đại biểu Quốc hội, phải luôn tu dưỡng để đạt phẩm hạnh của người đại diện nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Siết chặt kỷ luật, kỷ cương luật pháp

Nói về trọng tâm ưu tiên của Quốc hội XV, ông Huệ dẫn lại phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước Quốc hội rằng, bản thân Quốc hội phải luôn tự đổi mới, tự hoàn thiện.

Theo đó, những thành tựu mà Quốc hội khóa XIV đã đạt được, Quốc hội khóa mới (XV) tiếp thu là quá lớn, là áp lực để Quốc hội khóa mới này đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động hơn nữa.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kiểm tra công tác bầu cử tại một số điểm ở Hải Dương, Hà Nội

Ông Huệ cũng bộc bạch, kế thừa thành quả đã khó, tiến thêm bước nữa cũng là một khó khăn. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, sẽ thực hiện các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương lập pháp, gắn với trách nhiệm từng cơ quan, nhất là người đứng đầu.

Đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh, mục tiêu Quốc hội luôn theo đuổi là xây dựng hệ thống pháp luật ổn định, thống nhất, khả thi và đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước bền vững và hội nhập quốc tế.

Theo Chủ tịch Quốc hội, khi phát biểu nhậm chức, cá nhân ông có nói sẽ coi giám sát là khâu trọng tâm, then chốt nhằm đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Tinh thần giám sát là có trọng tâm, trọng điểm, làm đến nơi đến chốn, truy đến cùng sự việc, xác định rõ trách nhiệm, nêu lên những kiến nghị xác đáng, xác định trách nhiệm từng tập thể, cá nhân.

“Phải khắc phục cho bằng được tình trạng luật khung, luật ống và có nhiều vấn đề mà thực tế cuộc sống chưa đủ rõ nhưng chúng ta quy định quá chi tiết và đóng cứng trong luật, khiến tuổi thọ của luật thấp”, Chủ tịch Vương Đình Huệ nêu rõ.

Đối với công tác giám sát, ông Huệ nhắc lại việc đổi mới giám sát tối cao của Quốc hội là khâu then chốt, chọn đúng và trúng vấn đề, những câu hỏi quan trọng của đất nước, gắn liền với quốc kế, dân sinh.

Cùng với đó, trong nhiệm kỳ tới, Chủ tịch Vương Đình Huệ lưu ý các cơ quan của Quốc hội chú ý giám sát việc ban hành văn bản pháp luật và thực thi pháp luật vì tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu.

Đồng thời, Quốc hội Việt Nam sẽ tăng cường chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho sinh động, linh hoạt hơn, tăng cường các hoạt động giải trình các cơ quan của Quốc hội.

Có công khai ‘nút bấm’ của đại biểu?

Trả lời về việc có ý kiến cho rằng Quốc hội nên công khai “nút bấm” lựa chọn của Đại biểu khi biểu quyết, để người dân có thể giám sát, đánh giá năng lực ĐBQH.

Nếu được trúng cử, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ "chỉnh sửa" những gì?

Cùng với đó, có thể xem xét cơ chế để người dân được vào Nhà Quốc hội, quan sát các hoạt động của Quốc hội, ĐBQH, Chủ tịch Quốc hội cho hay, việc biểu quyết, trước hết, phải theo quy định của pháp luật.

“Pháp luật hiện nay chưa quy định công khai việc bấm nút. Vì vậy, trên cơ sở ý kiến, chúng ta sẽ tiếp tục nghiên cứu”, Chủ tịch Vương Đình Huệ nói.

Nói thêm về vấn đề công khai hoạt động của Quốc hội, ông Vương Đình Huệ cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ quan báo chí tham gia vào hoạt động.

Đối với việc để người dân, khách vào tham quan Nhà Quốc hội, dự khán các kỳ họp, ông Huệ cho biết, hiện nay đã thực hiện rồi nhưng chủ yếu địa phương vẫn đăng ký theo đoàn.

Vị lãnh đạo cũng giao Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội sớm hoàn thiện cơ chế phát ngôn, xây dựng quy chế cung cấp thông tin cho báo chí và tổ chức việc này hiệu quả.

Thảo luận