Quốc hội khoá XV: Không gì quan trọng bằng phòng, chống dịch Covid-19 lúc này

HÀ NỘI (Sputnik) - Về nhiệm vụ trong những tháng còn lại của năm, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết Chính phủ quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép" nhưng ưu tiên lúc này là tập trung phòng, chống dịch hiệu quả.
Sputnik

Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64%

Sáng 22/7, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 Phạm Bình Minh trình bày Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.

Báo cáo của Phó Thủ tướng điểm lại những thành tựu nổi bật trong thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm. Đồng thời, tổng kết lại ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021.

Phó Thủ tướng cũng trân trọng cảm ơn sự hợp tác chặt chẽ, sự giúp đỡ quý báu của các quốc gia, tổ chức, bạn bè quốc tế trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19. Phó Thủ tướng chia sẻ:

“Chính phủ trân trọng, cảm ơn đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài, các cấp, các ngành, nhất là lực lượng tuyến đầu như Y tế, Quân đội, Công an cùng các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân luôn đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực khắc phục khó khăn, chung tay trong công tác phòng, chống dịch”.
Quốc hội khoá XV: Không gì quan trọng bằng phòng, chống dịch Covid-19 lúc này

Khái quát lại tình hình kinh tế - xã hội nửa năm qua, Phó Thủ tướng nhắc đến đợt dịch thứ 4 với sự xuất hiện của chủng mới Delta có khả năng lây nhiễm nhanh hơn, nguy hiểm hơn, đã tác động mạnh đến một số tỉnh, thành phố phía Bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội và ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là TP.HCM.

Trong bối cảnh đó, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm tiếp tục duy trì ổn định và đạt được kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, là mức khá cao so với các nước trên thế giới. Nhiều địa phương có dịch nhưng tăng trưởng khá.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng lưu ý, vẫn còn những hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức trên các lĩnh vực, trong đó có những vấn đề cần giải quyết trong trung và dài hạn. Phó Thủ tướng chỉ rõ:

“Đất nước ta tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 với biến chủng mới gây ra, nhất là ở TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ. Tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu cần được nhanh chóng khắc phục”.
Quốc hội khoá XV: Không gì quan trọng bằng phòng, chống dịch Covid-19 lúc này

Phòng, chống dịch Covid-19 được ưu tiên hàng đầu

Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng cảnh báo, nguy cơ dịch lan rộng ở nhiều địa phương có thể làm đứt gãy chuỗi sản xuất và xuất khẩu. Vậy nên, việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm 2021 gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có giải pháp phù hợp, vừa kiểm soát tốt dịch, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Chính vì thế, Chính phủ đưa ra một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, trong đó hàng đầu là phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần "chống dịch như chống giặc", “bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết".

Cụ thể, Chính phủ tập trung thực hiện nghiêm các biện pháp chủ động phòng ngừa, triển khai hiệu quả chiến lược vắc xin và nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch vẫn là cơ bản, chiến lược, có tính chất quyết định.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra thực hiện “mục tiêu kép” tại Bình Dương

Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; tiếp tục thực hiện chủ trương “5K + vắc xin” và tăng cường ứng dụng công nghệ chặt chẽ, rộng rãi; chủ động các phương án, kịch bản để kịp thời ứng phó với mọi tình huống, nhất là khi dịch đang xâm nhập vào khu công nghiệp, khu đô thị có mật độ dân số cao, khu đông dân cư. Phó Thủ tướng lưu ý:

"Trước mắt, tập trung lực lượng để dập dịch nhanh nhất, sớm nhất tại TP.HCM và một số tỉnh đang bùng phát mạnh”.

Qua đó, phải triển khai giãn cách, phong tỏa, cách ly linh hoạt, phù hợp, nhưng phải triệt để, hiệu quả, khi cần có thể áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn. Tập trung điều trị các ca bệnh nặng, giảm tối đa các ca tử vong. Cùng với việc thực hiện có hiệu quả chiến lược vắc xin, sớm đạt miễn dịch cộng đồng, chậm nhất vào nửa đầu năm 2022.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng cho hay, Chính phủ sẽ thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các đột phá chiến lược. Đó là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tiếp đến, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhiệm kỳ 2016-2021 Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.

Quốc hội khoá XV: Không gì quan trọng bằng phòng, chống dịch Covid-19 lúc này

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 đề ra 23 chỉ tiêu chủ yếu, tăng 02 chỉ tiêu so giai đoạn 2016-2020, với 08 chỉ tiêu về kinh tế, 09 chỉ tiêu về xã hội và 06 chỉ tiêu về môi trường.

Một số chỉ tiêu quan trọng là: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%; đóng góp của TFP vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; bội chi NSNN bình quân 3,7% GDP; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%.

Sau đó, thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế (UBKT) nhấn mạnh: Các chỉ tiêu hằng năm cần phấn đấu đạt cao hơn; đề nghị trong điều hành cần quan tâm một số chỉ tiêu cụ thể: Môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh, chi phí logistics, tỷ lệ đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân, tỷ lệ nội địa hóa. Báo cáo rõ về phương pháp xác định đối với chỉ tiêu kinh tế số so với GDP.

Ông Vũ Hồng Thanh: Chiến lược vaccine gặp nhiều thách thức

Báo cáo thẩm tra kết quả kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Chính phủ tại Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, chiến lược vaccine của Việt Nam đang gặp nhiều thách thức, tỷ lệ dân số được tiêm chủng còn thấp.

Cụ thể, đến 13/7, Việt Nam đã nhận khoảng 8 triệu liều vaccine, trong đó hơn 4 triệu liều đã được tiêm cho người dân. Trong khi để đạt miễn dịch cộng đồng, cần khoảng 150 triệu liều vaccine để tiêm cho 70% dân số. Ông Thanh nhận định:

"Nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam, có nguy cơ lỡ nhịp với nền kinh tế thế giới vì không đủ nguồn cung và công nghệ sản xuất vaccine".
Quốc hội khoá XV: Không gì quan trọng bằng phòng, chống dịch Covid-19 lúc này

Chính vì thế, công khai xây dựng, đẩy nhanh lộ trình mua, đa dạng hoá nguồn cung và tổ chức tốt việc tiêm vaccine. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, thí nghiệm, cấp phép và sản xuất vắc xin trong nước. Đồng thời, thực hiện tốt chiến dịch tiêm chủng, huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, phát triển “quỹ vắc xin”. Đặc biệt, phải thông tin đầy đủ, liên tục, chính xác, minh bạch về tiêm chủng.

Ngoài ra, một số vấn đề nổi cộm được ông Thanh nhắc tới là biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp; tình trạng hạn hán, thiếu nước, cạn kiệt nước ngầm; phá rừng, khai thác cát, đá, sỏi trái phép còn diễn ra ở một số nơi. Ngoài ra, còn nhiều hồ, đập chưa được sửa chữa, không bảo đảm an toàn; chất lượng môi trường nhiều nơi xuống cấp.

Theo báo cáo thẩm tra, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay còn 50% số hồ xuống cấp cần phải tu sửa, trong đó có 90 hồ trong tình trạng hư hỏng nặng, 78 hồ mất an toàn. Tương tự, tại tỉnh Hà Tĩnh có 90 hồ hư hỏng, xuống cấp, 57 hồ có nguy cơ mất an toàn cao. Tại tỉnh Hòa Bình có 544 hồ chứa thì 192 hồ hư hỏng, xuống cấp.

Sputnik sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về nội dung Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV.

Thảo luận