Và trên bầu trời Việt Nam, cách Hà Nội 50 km về phía đông bắc, lần đầu tiên trong lịch sử, các tên lửa đã bay lên cao. Ba quả tên lửa đã tiêu diệt ba chiếc Phantom của Mỹ.
Lịch sử tổ hợp tên lửa phòng không Dvina kể từ khi ra đời
Các tổ hợp Dvina đã trở thành cơ sở cho lực lượng phòng không Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhờ các đặc tính kỹ thuật và thiết kế, tổ hợp này có thể được triển khai ở vị trí chiến đấu trong vòng bốn đến năm giờ và được tháo dỡ trong bốn giờ. Tốc độ di chuyển của tổ hợp khi hành quân lên đến 20 km/giờ.
Tổ hợp Dvina được thiết kế như hệ thống cơ động, có thể dễ dàng triển khai gần bất kỳ đối tượng nào mà máy bay đối phương có thể không kích. Tổ hợp Dvina có khả năng tiêu diệt các loại máy bay chiến đấu hồi bấy giờ của các nước phương Tây. Hiệu quả của tổ hợp này đã làm các chuyên gia quân sự kinh ngạc. Dvina đã tiêu diệt các mục tiêu bay với tốc độ lên đến 1.500 km/giờ ở độ cao từ 3 đến 22 km. Không một hệ thống pháo phòng không nào có những đặc điểm như vậy.
Các tổ hợp Dvina đã xuất hiện trong biên chế của quân đội Liên Xô vào tháng 11 năm 1957. Ngay sau đó, Dvina đã lập những chiến công đầu tiên, và không chỉ trên bầu trời Liên Xô. Thành công chiến đấu đầu tiên của Dvina đã được ghi nhận vào ngày 16 tháng 11 năm 1959, khi một khinh khí cầu của Mỹ được phóng với mục đích trinh sát bị bắn rơi ở khu vực Volgograd. Tuy nhiên, một số cựu binh phòng không cho rằng, lần ra trận đầu tiên của tổ hợp tên lửa Dvina đã diễn ra một tháng trước đó không phải ở Liên Xô mà ở Trung Quốc, một số tổ hợp đã được chuyển giao cho nước này ngay trước đó. Ngày 7 tháng 10 năm 1959, tại khu vực Bắc Kinh, ba quả tên lửa đã bắn hạ chiếc máy bay trinh sát cao tốc của chế độ Tưởng Giới Thạch ở độ cao 21 km. Vào ngày 1 tháng 5 năm 1960, một chiếc máy bay trinh sát U-2 của Mỹ đã xâm phạm không phận Liên Xô và bay từ đông sang tây qua một nửa lãnh thổ của đất nước. Pháo phòng không không có khả năng bắn hạ nó. Tại vùng Urals, chiếc máy bay đã bị phá hủy bởi quả tên lửa đầu tiên của tổ hợp Dvina. Hai năm rưỡi sau, vào đỉnh điểm của "cuộc khủng hoảng Caribe", các tổ hợp tên lửa Liên Xô đóng tại Cuba đã tiêu diệt chiếc máy bay U-2 thứ hai.
Tên lửa Dvina tại Việt Nam
Vào tháng 2 năm 1965, khi các nhà lãnh đạo của Liên Xô và Việt Nam nhất trí tại Hà Nội về việc Liên Xô sẽ viện trợ quân sự quy mô lớn cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã không phát sinh câu hỏi phải sử dụng loại tên lửa nào để bảo vệ nước cộng hòa. Tổ hợp Dvina có khả năng tiêu diệt tất cả các loại máy bay mà các nước phương Tây sở hữu vào thời điểm đó, cũng như các loại vũ khí tấn công đường không đầy hứa hẹn mà báo chí phương Tây đưa tin. Tổ hợp Dvina đã tước đi cơ hội của các phi công Mỹ bay "thoải mái" ở độ cao hơn 3 nghìn mét. Để thực hiện nhiệm vụ, các phi công Mỹ phải bay ở độ cao thấp hơn nhiều, do đó các máy bay trở thành mục tiêu dễ bị tổn thương bằng hỏa lực của các hệ thống phòng không.
Tổ hợp Dvina mà Matxcơva bắt đầu cung cấp cho Việt Nam từ mùa xuân năm 1965, đã trở thành hệ thống tên lửa phòng không đầu tiên trên thế giới được thử nghiệm trong điều kiện chiến đấu thực sự. Vào cuối những năm 1960, Tạp chí Hàng không Quân sự Mỹ đã viết: "Đây là thứ vũ khí đáng gờm nhất mà các phi công Mỹ từng gặp".
Trận chiến đầu tiên của Dvina trên bầu trời Việt Nam
Trả lời phỏng vấn của Sputnik, ông Vladislav Konstantinov, người tham gia trận đánh tên lửa đầu tiên ở Việt Nam, sĩ quan điều khiển tên lửa trong tiểu đoàn 63 thuộc Trung đoàn tên lửa phòng không số 1 của quân đội Việt Nam, hồi tưởng lại:
Tôi đã đến Hà Nội vào cuối tháng 4 năm 1965 trong thành phần nhóm chuyên gia tên lửa đầu tiên của Liên Xô. Khi đó tôi 26 tuổi. Chúng tôi, cũng như các nhóm tiếp theo, đã công tác tại Việt Nam trong một năm - sau đó một nhóm mới đến thay thế chúng tôi. Nhiệm vụ chính là huấn luyện lính tên lửa Việt Nam. Theo chương trình đã được phê duyệt, thời gian học tập là 4 tháng. Để so sánh, chương trình của Mỹ đào tạo lính tên lửa Thổ Nhĩ Kỳ kéo dài 8 tháng. Song đứng trước tình hình không quân Mỹ ngày càng điên cuồng đánh phá miền Bắc Việt Nam, Lãnh đạo Trung tâm huấn luyện đã thống nhất với Bộ Tư lệnh Phòng không-Không quân rút ngắn thời gian huấn luyện xuống còn 2,5 tháng. Và trong đêm 23 tháng 7, hai tiểu đoàn của trung đoàn chúng tôi được lệnh di chuyển đến vị trí. Các bệ phóng đã được thiết lập trong bóng tối. Cư dân địa phương, cả người già, phụ nữ và trẻ em, đã giúp xây dựng trận địa. Mọi thứ đã sẵn sàng vào buổi sáng. Chúng tôi đã chờ địch. Các sĩ quan Liên Xô điều khiển tên lửa không rời khỏi cabin bằng kim loại chặt chẽ trong 12 giờ - và đây là vào tháng Bảy! Nhiệt độ trong cabin lên tới 70 độ. Có những vũng mồ hôi dưới ghế của người điều hành. Do căng thẳng thần kinh và không khí khó thở, một số người bất tỉnh. Nhưng, vào thời điểm quan trọng, cả con người và kỹ thuật quân sự đều không làm chúng tôi thất vọng. Bốn chiếc Phantom của Mỹ đã bay theo đội hình, có đèn định vị, ở độ cao mà không súng phòng không nào có thể bắn hạ. Và chính các máy bay này đã trở thành mục tiêu đầu tiên của tên lửa Liên Xô. Tiểu đoàn của tôi đã bắn rơi hai chiếc máy bay, tiểu đoàn lân cận bắn rơi một chiếc nữa. Hai phi công Mỹ đã bị bắt. Sau đó, ngày diễn ra trận đánh này - ngày 24 tháng 7 – đã trở thành Ngày hội của lực lượng tên lửa phòng không Việt Nam.
“Ký ức về những năm phục vụ ở Việt nam sống mãi trong chúng tôi”
Trong nhóm chuyên gia tên lửa Liên Xô đầu tiên đến Việt Nam có Yuri Demchenko, 27 tuổi. Tại Việt Nam, ông được bổ nhiệm làm chỉ huy bệ phóng trong Trung đoàn Tên lửa Phòng không số 2 của quân đội Việt Nam.
Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, ông cho biết:
"Ở Việt Nam, tất cả chúng tôi đều trải qua những khó khăn giống nhau: độ ẩm cao bất thường trong khí hậu nhiệt đới, khát nước liên tục, thiếu sản phẩm vệ sinh cá nhân, không có chỗ tắm. Đây là nguyên nhân khiến nhiều chuyên gia mắc bệnh. Hiếm khi những bệnh này có thể được điều trị tại chỗ, vì vậy bệnh nhân phải được gửi đến Liên Xô. Tuy nhiên, so với nhiệm vụ chính của chúng tôi - hỗ trợ các đồng chí Việt Nam - thì tất cả những khó khăn này đã lùi xa. Phục vụ tại Việt Nam là một trong những giai đoạn quan trọng và không thể quên trong cuộc đời quân ngũ của tôi, mà tôi đã hoàn thành với cấp bậc Thiếu tướng. Còn lại từ thời đó có cả những kỷ niệm vui. Khi đến Bệnh viện Trung ương Quân đội ở Hà Nội, tôi vô cùng ngạc nhiên trước khả năng của chú đười ươi bị trói bằng xích vào cột kim loại. Khi người ta mang cho nó ăn, chú đười ươi đứng lên hết cỡ và nói to: "Chào đồng chí!". Và sau khi ăn những thứ người ta mang theo, nó đặt cái bát rỗng lên đầu, vươn chân phải về phía trước và hét lên: "Đi Sài Gòn!"
Chiến thuật “phục kích” để bắn hạ máy bay Mỹ
Để tiêu diệt máy bay Mỹ, các chuyên gia tên lửa Liên Xô đã sử dụng thành công chiến thuật phục kích bất ngờ. Sau khi phóng tên lửa, đơn vị rút khí tài và chuyển sang trận địa mới, tại điểm cũ vẫn ngụy trang như thể tiểu đoàn tên lửa còn ở đó.
Ngày 11 tháng 8 năm 1965 đã xảy ra một trận đánh đặc biệt thành công của bộ đội tên lửa nhờ chọn tốt địa điểm phục kích. Ông Nikolai Kolesnik, chuyên gia bệ phóng tên lửa, nay là chủ tịch Hội Cựu chiến binh Xô Viết đã công tác ở Việt Nam, hồi tưởng lại:
Trận địa tên lửa được triển khai tại xã Gia sơn, tỉnh Ninh Bình với nhiệm vụ phục kích đánh máy bay Mỹ. Mọi việc xảy ra trước nửa đêm 10 phút khi bốn chiếc máy bay Mỹ đang bay theo đội hình ở độ cao 3 nghìn mét. Cả bốn máy bay đều bị bắn hạ bởi ba quả tên lửa! Một máy bay đã rơi vì bị trúng các mảnh vỡ của một quả tên lửa được phóng từ một trận địa gần đó. Bốn mươi phút sau - thay vì 4 giờ theo tiêu chuẩn! – đơn vị đã rời vị trí và tiến sâu vào rừng rậm. Ngay sau đó, trên vị trí bị bỏ hoang đã xuất hiện một "tiểu đoàn tên lửa" của Việt Nam - cư dân địa phương rất khéo léo chế tạo tất cả tên lửa và các thiết bị khác bằng những thanh tre phủ thảm rơm. Ngày hôm sau, các phi công Mỹ đã phát hiện vị trí được cho là có thật này và quyết định phá hủy nó. Kết quả là có thêm ba chiếc máy bay Mỹ bị bắn hạ bởi một khẩu đội cao xạ gần đó.
Nhân tiện, hai "pháo đài bay" B-52 đầu tiên đã bị bắn hạ bởi các tên lửa được phóng từ "trận địa phục kích" ở vùng vĩ tuyến 17. Bộ đội tên lửa đã lập chiến công này vào ngày 17 tháng 9 năm 1967.
Thiếu tá Fyodor Ilinykh trở thành bậc thầy về “phục kích” ở Việt Nam. Đơn vị của ông đã trải qua 18 trận chiến đấu, bắn hạ 24 máy bay Mỹ. Thiếu tá Tereshchenko đã trải qua 11 trận chiến đấu và bắn rơi 10 máy bay. Thiếu tá Ryzhikh tham gia 9 trận bắn rơi 8 chiếc. Đại úy Bogdanov cũng bắn rơi 8 máy bay Mỹ trong 10 trận đánh. Xin nhắc lại rằng, đối với tất cả các chuyên gia này, chuyến công tác ở Việt Nam chỉ kéo dài một năm.
Các chuyên gia tên lửa Liên Xô đào tạo, huấn luyện cho những binh sĩ ưu tú nhất tại Việt Nam
Cho đến tháng 5 năm 1966, chỉ có các sĩ quan Liên Xô đã thực hiện các cuộc tấn công tên lửa vào máy bay địch. Những binh sĩ người Việt phục vụ trong các đơn vị tên lửa luôn bên cạnh họ, học hỏi và lắng nghe những kinh nghiệm của các chuyên gia quân sự Liên Xô.
Có rất nhiều điều để học hỏi! Ví dụ, các chuyên gia tên lửa Liên Xô thuộc Trung đoàn tên lửa phòng không số 2 của quân đội Việt Nam từ giữa tháng 9 năm 1965 đến giữa tháng 4 năm 1966 đã tham gia 61 trận chiến, phóng 71 quả tên lửa và bắn rơi 48 máy bay địch. Trung bình, họ đã sử dụng 1,5 quả tên lửa để bắn hạ một máy bay - đây là kết quả rất cao.
Tổng cộng, trong chưa đầy một năm, các chuyên gia quân sự Liên Xô đã huấn luyện và đào tạo 10 trung đoàn tên lửa phòng không Quân đội Nhân dân Việt Nam. Năm trung đoàn nữa với tổng biên chế khoảng ba nghìn người đã được đào tạo tại các trung tâm huấn luyện trên lãnh thổ Liên Xô.
Kết quả là, kể từ tháng 5 năm 1966, các quân nhân người Việt bắt đầu thực hiện nhiệm vụ tìm mục tiêu và phóng tên lửa, và các chuyên gia tên lửa Liên Xô chỉ có mặt trong những lúc xảy ra chiến sự. Trong mỗi trung đoàn tên lửa phòng không đã có từ mười đến mười lăm chuyên gia Liên Xô.
Nhiều sĩ quan Việt Nam đã trở thành những anh hùng thực sự của cuộc chiến tên lửa. Đơn vị của thượng úy Phạm Trương Huy đã bắn rơi 43 máy bay, đơn vị thượng úy Nguyễn Xuân Đại - 40 chiếc.
Chỉ riêng trong tháng 10 năm 1967, bộ đội tên lửa Việt Nam trong 212 trận đánh đã bắn hạ 88 chiếc máy bay Mỹ và 39 máy bay bị trúng tên lửa.
Kết quả sử dụng tổ hợp tên lửa phòng không Dvina ở Việt Nam
Từ tháng 4 năm 1965 đến tháng 12 năm 1972, Liên Xô đã cung cấp cho Việt Nam 95 hệ thống tên lửa phòng không S-75 Dvina và 7.658 đạn tên lửa cho tổ hợp này. Kết quả sử dụng các tên lửa của Liên Xô trong những năm chiến tranh ở Việt Nam là như thế nào? Để trả lời câu hỏi này cần phải dẫn ra nhiều con số.
Trước hết phải chú ý đến thực tế rằng, chỉ có 7% tổng số quân nhân của lực lượng phòng không và không quân trong thành phần Quân đội Nhân dân Việt Nam đã phục vụ trong các đơn vị tên lửa. Để so sánh: phục vụ trong lực lượng không quân tiêm kích có 5%, trong binh chủng pháo phòng không có 80% tổng số quân nhân.
Các lực lượng tên lửa phòng không đã chiến đấu hiệu quả trong vụ đánh bom Giáng sinh ở Hà Nội. Họ bắn hạ 54 máy bay Mỹ, trong đó có 31 máy bay ném bom chiến lược B-52, mỗi chiếc mang theo 25 tấn bom có thể phá hủy tất cả các sinh vật sống và công trình trên một khu vực tương đương với 30 bóng đá.
Để so sánh, trong cùng thời gian, lực lượng tên lửa phòng không đã bắn hạ 20 máy bay, bao gồm một chiếc B-52, và không quân tiêm kích - 7 chiếc, trong đó có 2 chiếc B-52. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lưu ý với lý do chính đáng cho rằng, chiến thắng của lực lượng tên lửa phòng không trên bầu trời Hà Nội cũng là một chiến thắng chính trị, vì nếu không có nó, người Mỹ khó có thể đồng ý ký thỏa thuận chấm dứt chiến sự ở Paris.
Tổng cộng, từ tháng 07 năm 1965 cho đến khi kết thúc chiến tranh, bộ đội tên lửa phòng không Liên Xô và Việt Nam bắn hạ gần 1300 máy bay địch, trong đó có 54 máy bay ném bom chiến lược.
Kỷ niệm 56 năm ngày sinh của lực lượng tên lửa phòng không Việt Nam, người ta không thể không nhắc nhở về việc, chỉ 15 năm sau trận chiến ra quân, cũng vào ngày 24 tháng 7, công dân Việt Nam đầu tiên - phi công Phạm Tuân - cất cánh bay vào vũ trụ cũng trên tên lửa Liên Xô.