COVID-19: Chủ để "nóng" trong tập huấn giữa lực lượng GGHB Việt Nam - Ấn Độ tại Nam Sudan

HÀ NỘI (Sputnik) - Lần đầu tiên phối hợp Tập huấn trực tuyến nâng cao năng lực y tế giữa 2 bệnh viện cấp 2 Việt Nam và Ấn Độ hoạt động tại Nam Sudan. Đây là hoạt động bổ ích và thiết thực nhằm chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động khám chữa bệnh giữa hai bệnh viện khi cùng hoạt động trong môi trường dã chiến.
Sputnik

Trong hai ngày 26 và 27/7, sự kiện tập huấn y tế trực tuyến về COVID-19 và bệnh lý tổng quát khác do 2 bệnh viện dã chiến cấp 2 thu hút sự tham gia của nhiều y bác sỹ của hai bệnh viện. Phía Ấn Độ tại Malakal có sự tham gia, chỉ đạo của Chuẩn tướng Brig Gen Jai Singh Bainsla - Chỉ huy trưởng lực lượng Gìn giữ hoà bình (GGHB) Ấn Độ và Đại tá Rishi Raj – Chỉ huy trưởng Bệnh viện dã chiến cấp 2 Ấn Độ. Từ phía Việt Nam đóng quân ở Bentiu, đứng đầu là đồng chí Nguyễn Bá Hưng – Chỉ huy trưởng lực lượng GGHB Việt Nam và Trung tá Trịnh Mỹ Hòa – Chỉ huy trưởng Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 (BVDC 2.3) Việt Nam.

COVID-19 - Chủ đề "nóng" tại tập huấn

Bảy báo cáo liên quan đến dịch bệnh COVID-19 là chủ đề được quan tâm đặc biệt  tại ngày tập huấn thứ nhất. Hai bên cùng nhau chia sẻ về cách sắp xếp khu vực cách ly và quy trình sàng lọc đối với bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19. Các đồng nghiệp tại Bệnh viện dã chiến (BVDC) Ấn Độ đã chia sẻ những hiểu biết quý báu về các biến thể, đặc biệt là biến thể Delta, được xác minh lần đầu tiên ở Ấn Độ. Đây là một biến thể mới với tốc độ lây lan nhanh, khiến cho việc kiểm soát dịch bệnh trở thành một thách thức cực lớn với nhiều quốc gia. Chính vì thế, tiêm chủng vaccine đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược phòng chống đại dịch tại nhiều nơi.

COVID-19: Chủ để "nóng" trong tập huấn giữa lực lượng GGHB Việt Nam - Ấn Độ tại Nam Sudan

Tại phái bộ Bentiu, BVDC 2.3 phụ trách tiêm chủng cho 500 nhân viên Liên hợp quốc (LHQ) cũng như theo dõi, xử lý các phản ứng và biến chứng sau tiêm chủng. Bác sĩ Hoàng Thanh Toàn trong bài báo cáo về một ca lâm sàng mắc hội chứng Stevens-Johnson sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 được điều trị khỏi thành công tại BVDC 2.3 đã giúp người tham dự có cái nhìn mới về một bệnh cấp tính, hiếm gặp và có thể gây tử vong.

Một vấn đề thu hút được sự quan tâm của các y bác sĩ hai bệnh viện là quy trình vận chuyển bệnh nhân COVID-19 nặng bằng máy bay. Bác sĩ Đinh Văn Hồng - Đội trưởng Đội Cấp cứu đường không BVDC 2.3 cho biết:

“Dựa trên quy trình vận chuyển BN COVID-19 của WHO, BVDC cấp 2 của Việt Nam đã xây dựng và vận hành tốt quy trình vận chuyển bệnh nhân COVID-19 nặng bằng máy bay. Các tình huống phức tạp trong quá trình vận chuyển đều được nghiên cứu kĩ như bệnh nhân diễn biến xấu phải đặt nội khí quản-thở máy, xử lý tràn khí màng phổi...Đồng thời, các thành viên trong đội cũng ý thức được những khó khăn phải đối mặt như nguy cơ lây nhiễm từ bệnh nhân".

Bên cạnh đó, bác sĩ Hồng cũng nhấn mạnh, việc xử lý rác thải lây nhiễm sau khi vận chuyển là cực kỳ quan trọng, từ máy bay, xe cứu thương, đến các trang thiết bị y tế, tránh lây nhiễm cho tổ bay cũng như những người xung quanh.

COVID-19: Chủ để "nóng" trong tập huấn giữa lực lượng GGHB Việt Nam - Ấn Độ tại Nam Sudan

Đối với các bệnh nhân mắc COVID-19 nặng, vấn đề thông khí nhân tạo đóng vai trò sống còn. Trong bài chia sẻ của mình, Bác sĩ J.K.Sinha – Bác sĩ gây mê hồi sức của BVDC Ấn Độ đã giới thiệu về những khó khăn trong quá trình điều trị COVID-19 nặng, trong đó quan trọng nhất là tối ưu hóa thông khí nhân tạo cho bệnh nhân. Do BVDC cấp 2 của Ấn Độ tại Malakal còn khó khăn về nguồn oxy (hiện chưa có máy tạo oxy), bệnh nhân COVID-19 nặng thường được chuyển lên BVDC cấp cao hơn để điều trị. Trong khi đó, tại BVDC 2.3 Việt Nam, các y bác sĩ hoàn toàn chủ động trong việc cung cấp oxy cho bệnh nhân bởi bệnh viện được trang bị hẳn một hệ thống sản xuất oxy hiện đại.

Ngày thứ hai được tiếp nối với các báo cáo hữu ích về các mặt bệnh hay xảy ra tại hai bệnh viện như: xử trí rắn cắn, xử trí đau sau phẫu thuật bụng, hội chứng vành cấp.

Buổi tập huấn thắt chặt tình hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ

Buổi tập huấn thành công tốt đẹp góp phần thắt chặt mối quan hệ gắn bó giữa Việt Nam và Ấn Độ nói chung, hai bệnh viện nói riêng. Thay mặt Lãnh đạo Cục GGHB Việt Nam, Đồng chí Nguyễn Bá Hưng – Chỉ huy trưởng lực lượng GGHB Việt Nam đánh giá cao ý nghĩa của hoạt động trao đổi chuyên môn giữa 2 đơn vị BVDC Việt Nam và Ấn Độ.

COVID-19: Chủ để "nóng" trong tập huấn giữa lực lượng GGHB Việt Nam - Ấn Độ tại Nam Sudan
“Tôi hy vọng những kinh nghiệm, kiến thức trong hoạt động lần này sẽ giúp các bạn nâng cao trình độ chuyên môn và chất lượng điều trị cho bệnh nhân tại đơn vị mình. Đồng thời, tôi cũng mong muốn hai đơn vị duy trì hợp tác về mọi mặt, tiếp tục tổ chức những hoạt động tương tự trong thời gian tới” - Đồng chí Nguyễn Bá Hưng, chỉ huy trưởng lực lượng GGHB Việt Nam cho biết.

Có thể nói lớp tập huấn online về COVID-19 và bệnh lý tổng quát không chỉ dừng lại ở lần phối hợp đầu tiên giữa 2 bệnh viện cấp 2 của 2 quốc gia khác nhau tại Nam Sudan mà còn là kết quả của 1 quá trình quyết tâm "mang BVDC cấp 2 Việt Nam đi ra khỏi Bentiu” của Ban giám đốc BVDC 2.3.

Vì sao Việt Nam là 'mắt xích' quan trọng trong UNESCO?

Buổi kết nối còn giúp Chỉ huy trưởng 2 Bệnh viện dã chiến cấp 2 Ấn Độ và Việt Nam nhận ra họ là bạn học cùng khóa ở Brindisi,Ý cuối năm 2019 do UN tổ chức. Hi vọng với những kiến thức thu nhận được, hai bên sẽ có sự kết hợp ăn ý trong những dự án chung sắp tới, góp phần mang lại những điều tốt đẹp nhất cho đất nước Nam Sudan.

Thảo luận