Mỹ viện trợ vaccine cho Việt Nam: Không mục đích nào ngoài cứu dân

HÀ NỘI (Sputnik) - Tổng lãnh sự Mỹ Marie Damour tại TP.HCM thông tin về 3 triệu liều vaccine Moderna viện trợ cho Việt Nam, không có ý định sử dụng vaccine để đổi lấy sự ủng hộ hay nhượng bộ. Mà với một mục đích duy nhất là ngăn chặn Covid-19, cứu sống mọi người và chấm dứt đại dịch.
Sputnik

Các yếu tố cân nhắc khi viện trợ vaccine ngừa Covid-19

Giữa lúc làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 ở Việt Nam bùng phát với nhiều diễn biến phức tạp và số ca nhiễm vượt mốc 100.000 ca, rất nhiều nước đã có hành động nhân văn thông qua việc gửi hàng nghìn, triệu liều vaccine không hoàn trả. Một trong số đó là vào ngày 24/7, TP.HCM tiếp nhận 1.499.960 liều vaccine Moderna do Mỹ viện trợ thông qua cơ chế chia sẻ vaccine COVAX.

Chiều tối 25/7, 1,5 triệu liều vaccine Moderna do Mỹ tài trợ cũng được chuyển đến Hà Nội. Tổng cộng tại hai địa điểm, Việt Nam tiếp nhận thêm 3 triệu liều vaccine Moderna viện trợ từ Mỹ.

Mỹ viện trợ vaccine cho Việt Nam: Không mục đích nào ngoài cứu dân

Chia sẻ về công tác viện trợ này, Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM Marie Damour cho biết loại vaccine nào, viện trợ cho mỗi quốc gia bao nhiêu phụ thuộc vào các yếu tố hậu cần. Bà Damour thông tin:

"Chính phủ Mỹ sẽ quyết định loại vaccine nào và số lượng vaccine cụ thể cho mỗi quốc gia một khi chúng tôi thống nhất được với nước tiếp nhận về tất cả thông số hậu cần, cũng như tình hình thực tiễn của nước đó".

Tổng lãnh sự Mỹ cũng chia sẻ cảm xúc xúc động khi chưa bao giờ bà tận mắt nhìn thấy 1,5 triệu lọ vaccine Moderna nào trước đây cho đến khi chúng được về đến kho vào ngày 26/07. Tổng lãnh sự Mỹ nói:

"Thật tuyệt vời khi được chứng kiến một minh chứng cụ thể về quan hệ đối tác của Mỹ tại Việt Nam”.

Trên thực tế, để những liều vaccine Moderna về được đến kho bảo quản công ty cổ phần Dược Mỹ Phẩm May đã phải trải qua công tác hậu cần rất phức tạp. Bao gồm vận chuyển và đánh giá điều kiện bảo quản, tiếp nhận của từng quốc gia. Chính phủ Mỹ đang cố gắng chuyển giao vaccine nhanh nhất có thể, trong khi vẫn tuân thủ quy định của hệ thống quản lý và pháp lý Mỹ cũng như nước sở tại. Về công đoạn này, bà Damour thông tin:

Vaccine Moderna về Việt Nam kịp thời, đúng lúc

“Do mỗi loại vaccine đều có điều kiện bảo quản, vận chuyển khác nhau, chúng tôi cũng phải chắc chắn rằng vaccine còn sử dụng được khi đến tay nước tiếp nhận”.

Vấn đề cần cân nhắc ở đây là nhu cầu của từng quốc gia và tình hình giao thông vận tải trên thực tế. Ngoài ra, một số khoản viện trợ vaccine cũng phụ thuộc vào việc bên nhận có cấp phép tiêm vaccine được viện trợ hay không, kế hoạch tiêm chủng của nước đó là gì, và một số yếu tố thực tiễn khác.

Sau đó, Washington sẽ làm việc với các bên nhận viện trợ, đánh giá nhu cầu và khả năng của mỗi quốc gia, cũng như hợp tác chặt chẽ với COVAX để xác định cụ thể gửi loại vaccine nào tới đâu.

Cả quá trình này nhằm đảm bảo chuyển giao vaccine một cách an toàn, nhưng vấn đề là cũng cần có thời gian để thực hiện.

Viện trợ không đi kèm điều kiện hay nhượng bộ nào

Đặc biệt, Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM nêu rõ Mỹ viện trợ Việt Nam số vaccine nói trên không đi kèm bất cứ điều kiện nào. Đồng thời, Mỹ cũng không yêu cầu Việt Nam phải ưu tiên số vaccine viện trợ này cho công dân Mỹ tại Việt Nam được tiêm trước. Bà Damour khẳng định:

Khi nào Việt Nam bắt đầu gia công, đóng ống vaccine Sputnik V?

“Chúng tôi không có ý định sử dụng vaccine để đổi lấy sự ủng hộ hay nhượng bộ. Mỹ viện trợ vaccine với một mục đích duy nhất là ngăn chặn Covid-19, cứu sống mọi người và chấm dứt đại dịch, cho dù là ở Việt Nam hay bất kỳ nơi nào khác trên thế giới”.

Quan điểm này cũng được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 24/6. Bà Hằng cho biết, Việt Nam không phân biệt đối xử giữa người Việt và người nước ngoài trong tiêm chủng vaccine Covid-19. Bà Hằng thông tin:

“Trên tinh thần nhân đạo, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, hỗ trợ để người nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc tại Việt Nam được đảm bảo sinh hoạt bình thường, an toàn và được giám sát, chăm sóc y tế, điều trị tích cực trong trường hợp cần thiết. Việt Nam không phân biệt đối xử trong quá trình chăm sóc sức khỏe cũng như tiêm chủng giữa công dân Việt Nam và công dân nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc tại Việt Nam. Công dân nước ngoài sẽ được tạo điều kiện tiêm chủng khi Việt Nam tiếp nhận thêm vaccine phòng Covid-19, hướng tới mục tiêu tạo miễn dịch cộng đồng, đẩy lùi dịch bệnh”.

Việt Nam nằm trong danh sách 92 quốc gia tiếp tục được nhận vaccine Pfizer

Sắp tới, Việt Nam cũng nằm trong danh sách 92 quốc gia nhận viện trợ 500 triệu liều vaccine Pfizer mà Tổng thống Joe Biden tuyên bố vào ngày 10/06. Đây là khoản viện trợ mới, ngoài khoản 80 triệu liều vaccine đã được công bố trước đó, theo Reuters.

TP HCM lên kế hoạch tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người nước ngoài

Tổng lãnh sự Mỹ cho biết, dự kiến 500 triệu liều vaccine sẽ được gửi đi dần từ tháng 8 tới. Tính đến cuối năm nay, khoảng 200 triệu liều sẽ được chuyển giao. Và 300 triệu liều còn lại sẽ được phân phối đến bên nhận vào nửa đầu năm 2022. Bà Damour khẳng định:

“Một khi xác định được tình hình cụ thể, chắc chắn chúng tôi sẽ phối hợp với các đối tác tại Việt Nam”.

Theo thông tin từ Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM, kể từ đầu đại dịch cho tới nay, nước này đã hỗ trợ Việt Nam khoảng 20 triệu USD dưới nhiều hình thức, trong đó có dụng cụ xét nghiệm, máy thở và các thiết bị y tế khác. Ngoài ra, Mỹ cũng hỗ trợ đào tạo đội ngũ y tế, và sắp tới sẽ tặng một số tủ làm lạnh sâu để bảo quản vaccine.

Các cơ quan đại diện chính phủ Mỹ đang hợp tác chặt chẽ với phía Việt Nam để thảo luận về hình thức hỗ trợ ngăn chặn Covid-19 trong thời gian tới.

“Chúng tôi đang tích cực làm việc với các bên liên quan tại Việt Nam, cho dù đó là Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ, hay Bộ Quốc phòng, để xác định chính xác những gì Việt Nam cần nhất, và chúng tôi có thể giúp đỡ như thế nào", bà Damour cho biết.
Thảo luận