Bộ trưởng Y tế phân công nhiệm vụ cho 9 giám đốc bệnh viện lớn, cùng lên đường đến TP.HCM

HÀ NỘI (Sputnik) - Bộ trưởng Y tế cùng 9 giám đốc các bệnh viện lớn nhất nước bay khẩn cấp vào TP.HCM chỉ đạo chống dịch, yêu cầu lập thêm 3 trung tâm hồi sức tích cực.
Sputnik

Cả nước đồng lòng hướng về TP.HCM

Đêm qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng giám đốc 9 bệnh viện lớn tại Hà Nội đã đáp chuyến bay khẩn vào TP.HCM. Đặc biệt, trong lần này Bộ Y tế tiếp tục điều tất cả lãnh đạo Cục/Vụ liên quan và 9 giám đốc các bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện chuyên khoa tuyến trung ương gồm:

Bạch Mai, Việt Đức, K, Phổi Trung ương, E, Lão khoa, Hữu nghị, Nội Tiết, Trung Ương Huế...để chung sức thiết lập hệ thống điều trị, đặc biệt là hệ thống hồi sức tích cực cho bệnh nhân Covid-19 nặng.

Bộ Y tế sẽ chuyển hơn 12 triệu liều vắc-xin Covid-19 cho các “đầu tàu kinh tế”

Sáng 29/7, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long làm việc Thành uỷ, UBND TP.HCM về công tác phòng chống dịch trên địa bàn. Bộ trưởng đánh giá:

“Đây là trận chiến chống dịch nặng nề nhất, chưa có trong tiền lệ”.

Điểm ưu tiên nhất hiện nay là cứu chữa các bệnh nhân nặng, nguy kịch và giảm tỉ lệ tử vong. Do đó, ngoài Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP. HCM với quy mô 1.000 giường đặt tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM do Bệnh viện Chợ Rẫy điều hành, Bộ Y tế sẽ cùng thành phố thiết lập thêm 3 trung tâm hồi sức tích cực khác, với số lượng khoảng 3.000 giường.

Phân chia nhiệm vụ cho các giám đốc bệnh viện khẩn cấp, hợp lý

Theo phân chia, giám đốc bệnh viện Việt Đức, ông Trần Bình Giang sẽ kiêm nhiệm Giám đốc Bệnh viện hồi sức Covid-19 có 500 giường đặt tại TP Thủ Đức. Đội ngũ y tế Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong đó có BS Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc sẽ hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại bệnh viện hồi sức này.

Ông Giang cho biết:

Thêm 2.821 ca mắc Covid-19, thuốc xuyên tâm liên bất ngờ 'cháy hàng' trên thị trường

"Tôi đã yêu cầu đội ngũ gây mê hồi sức của Bệnh viện Việt Đức tập huấn lại về chuyên môn để sẵn sàng vào TP.HCM, bắt tay vào việc ngay".

GS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai sẽ kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực của Bộ Y tế đặt tại Bệnh viện dã chiến số 16 của TP.HCM, quy mô 500 giường. Bệnh viện Bạch Mai sẽ cử các chuyên gia đầu ngành, trong đó có đội ngũ chuyên gia về hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực nhiều kinh nghiệm từng điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương... vào làm việc tại trung tâm hồi sức này.

Bệnh viện Trung ương Huế nhận nhiệm vụ thiết lập Trung tâm hồi sức quy mô 500 giường, đặt tại Bệnh viện dã chiến số 13 TP.HCM.

Ngoài ra, các bệnh viện Phổi Trung ương, Lão khoa Trung ương, E và K chung nhiệm vụ thiết lập thêm một trung tâm hồi sức tích cực khác khi cần. Thay mặt các giám đốc các bệnh viện tuyến trung ương, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức nói bày tỏ quan điểm:

Đại diện ngành điện lên tiếng lý do cấp điện chậm cho bệnh viện dã chiến

"Đội ngũ chuyên môn luôn sẵn sàng nhưng cần thiết nhất phải có trang thiết bị, hậu cần đáp ứng".

Đồng thời, để các trung tâm hồi sức hoạt động nhịp nhàng, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng cần lập 1 trung tâm điều phối, hỗ trợ các trung tâm hồi sức này hoạt động hiệu quả.

Ngay sau đó, lãnh đạo TP.HCM nhất trí với các phương án của Bộ Y tế, chỉ đạo các cơ quan trên TP khẩn trương phối hợp thiết lập các trung tâm hồi sức tích cực với tinh thần nhanh nhất có thể.

Hiện tại, số ca mắc tại TP.HCM đã lên gần 79.000 trường hợp. Hệ thống y tế tại đây đang quá tải, nhân lực chưa đủ đáp ứng, đặc biệt tại tuyến quận, huyện. Thành phố đã lập 16 bệnh viện dã chiến, nâng tổng số bệnh viện điều trị, thu dung bệnh nhân lên 37 cơ sở, đủ tiếp nhận khoảng 55.000 bệnh nhân.

Thảo luận