Lộ diện 19 bị can trong vụ án công ty SAGRI, bao gồm cựu phó Chủ tịch UBND TP.HCM

HÀ NỘI (Sputnik) - Lê Tấn Hùng, cựu Tổng giám đốc SAGRI bị truy tố về hai tội 'Tham ô tài sản' và 'Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí'. Ngoài ra, một trong số các bị can còn có Phó Chủ tịch UBND TP.HCM.
Sputnik

Cựu phó Chủ tịch UBND TP.HCM là một trong 19 bị can

Ngày 28/7, Viện KSND tối cao ban hành cáo trạng vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí”, “Tham ô tài sản”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Che giấu tội phạm” xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI), đồng thời đề nghị truy tố 19 bị can.

Ông Nguyễn Đức Chung ưu ái Nhật Cường vì muốn đưa ‘công nghệ Nga’ áp dụng cho Hà Nội?

Cụ thể, Lê Tấn Hùng, cựu Tổng giám đốc SAGRI và Nguyễn Thị Thúy (Kế toán trưởng SAGRI) bị truy tố về hai tội “Tham ô tài sản” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Bị can Trần Vĩnh Tuyến (cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM) và 8 bị can khác bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Có 5 bị can bị truy tố tội “Tham ô tài sản”; 2 bị can bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và 1 bị can bị truy tố tội “Che giấu tội phạm”.

Theo cáo trạng, giai đoạn giữ chức tổng giám đốc SAGRI, ông Lê Tấn Hùng biết việc chuyển nhượng dự án khu nhà ở tại KP.4, P.Phước Long B, Q.9 (nay là TP.Thủ Đức, TP.HCM) chỉ xây dựng được 80% công trình kỹ thuật hạ tầng, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước, chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng nhưng vẫn chỉ đạo cấp dưới hoàn thiện thủ tục. Đồng thời, ký văn bản đề nghị UBND TP.HCM chấp thuận để chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Tổng công ty Phong Phú; ký hợp đồng và các văn bản khác hoàn tất việc chuyển nhượng dự án hơn 168 tỉ đồng, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 672 tỉ đồng.

Cựu phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã tiếp tay như thế nào?

Với vai trò là Phó chủ tịch UBND TP.HCM, bị can Trần Vĩnh Tuyến đã ký quyết định chấp thuận chuyển nhượng dự án phát triển khu nhà ở tại KP.4, P.Phước Long B do SAGRI làm chủ đầu tư cho Tổng công ty Phong Phú.

Theo cơ quan điều tra, bản chất việc chuyển nhượng này là chuyển nhượng dự án kinh doanh bất động sản kèm theo việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Đồng thời, đây cũng là hình thức chuyển nhượng phần vốn góp ra bên ngoài của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Do vậy, việc ký chấp thuận cho SAGRI chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Tổng công ty Phong Phú là chưa đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch.

Công ty cổ phần địa ốc Alibaba đã chiếm đoạt hơn 2.373 tỷ đồng bằng thủ đoạn nào?

Đồng thời, quyết định của UBND TP chấp thuận chuyển nhượng dự án mà không giao SAGRI thực hiện xác định giá trị phần tài sản hình thành từ vốn góp theo giá thị trường tại thời điểm chuyển nhượng làm căn cứ xác định giá trị chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của SAGRI và không đưa ra đấu giá là chưa đảm bảo nguyên tắc thị trường. Cáo trạng nêu:

“Đây là cơ sở để Lê Tấn Hùng và các đồng phạm tại SAGRI tự ý quyết định giá trị dự án để chuyển nhượng trái pháp luật, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 672 tỉ đồng. Bị can Trần Vĩnh Tuyến thừa nhận hành vi phạm tội, cho phép chuyển nhượng dự án không đảm bảo các yêu cầu, quy định của pháp luật. Một phần nguyên nhân vì nể nang, áp lực về tình cảm, quan hệ”.

Ngoài hành vi nêu trên, năm 2016, bị can Lê Tấn Hùng chỉ đạo cấp dưới lập 10 hồ sơ, hợp đồng khống cho cán bộ, nhân viên SAGRI đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại nước ngoài, chiếm đoạt 13,3 tỉ đồng của SAGRI để sử dụng vào mục đích cá nhân.

Thảo luận