Để hiểu được thách thức của nạn buôn bán người tại Việt Nam, Sputnik phỏng vấn ông Michael Brosowski, người đồng sáng lập The Blue Dragon Children's Foundation (Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh), tổ chức NGO có trụ sở tại Việt Nam giúp chống lại nạn buôn bán người, đồng thời trợ giúp nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng.
Michael Brosowski được đài CNN bình chọn là một trong những anh hùng trong năm 2011 (CNN Heroes). Năm 2012, Ông vinh dự nhận Huân chương AM, Huân chương cao quý của chính phủ Australia trao tặng cho những cá nhân có những cống hiến đặc biệt của mình. Blue Dragon cũng được trao tặng nhiều Giải thưởng, bằng khen vì sự cống hiến không ngừng nghỉ trong phòng, chống buôn bán người và nô lệ hiện đại.
Sputnik: Cảm ơn Ông Michael Brosowski nhận lời phỏng vấn của Sputnik. Ông đánh giá như thế nào về tình hình nạn buôn bán người và nô lệ hiện đại tại Việt Nam hiện nay?
Michael Brosowski: Nạn buôn bán người, không thể chối cãi, hiện là một vấn đề ưu tiên của Việt Nam. Vấn nạn này gây ra hậu quả và thiệt hại sâu sắc tới từng cá nhân, gia đình và cộng đồng vốn đã nghèo khó và dễ bị tổn thương. Chúng tôi biết rằng, đối tượng dễ bị buôn bán nhất cũng là đối tượng nhiều khả năng bị thiệt thòi về nhiều mặt khác, đặc biệt là phụ nữ và người dân tộc thiểu số. Vì vậy, với tư cách là một xã hội, tất cả chúng ta phải có trách nhiệm chấm dứt tội ác này.
Vì nhiều lý do nên con số nạn nhân chính xác là rất khó xác định. Nhưng rõ ràng là người Việt Nam rất dễ bị buôn bán sang các nước láng giềng và nước ngoài; và ở mức độ thấp hơn, bị buôn bán trong nước. Lợi nhuận là nguyên nhân mấu chốt khiến những kẻ buôn người thực hiện công việc này. Nếu chúng tìm thấy bất cứ cơ hội "buôn bán” ai đó và kiếm tiền, chúng sẵn sàng làm điều đó, không chút mảy may.
Chính phủ Việt Nam đã và đang có những bước tiến dài trong việc cải thiện luật pháp, đào tạo cán bộ và hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi nạn buôn người. Cá nhân tôi rất ấn tượng với cam kết trên toàn quốc trong việc chống lại nạn buôn người. Chúng tôi thấy điều đó trong cơ quan thực thi pháp luật, tại các tòa án và thậm chí ở các ngôi làng, nơi các nhà lãnh đạo địa phương làm phần việc của họ để giữ an toàn cho người dân. Tất nhiên, còn nhiều việc phải làm, nhưng Việt Nam đang thực hiện rất xuất sắc để đạt được nhiều tiến bộ hơn nữa.
Sputnik: Theo Ông, đại dịch COVID-19 có ảnh hưởng như thế nào đến tình trạng buôn bán người và nô lệ hiện đại?
Michael Brosowski:Buôn bán người và nô lệ đều là các vấn đề phức tạp và khó khăn để tháo gỡ ngay cả trong thời điểm bình thường. Khi đại dịch mới bùng phát, một số giả thuyết cho rằng, việc giãn cách và hạn chế di chuyển sẽ ngăn chặn được nạn buôn người, ít nhất là tạm thời; nhưng rất tiếc thực tế lại không như những gì chúng ta nghĩ. Những kẻ buôn người tiếp tục tìm cách lợi dụng, và thay đổi các mánh khoé trước đây chúng sử dụng. Chúng ta đang chứng kiến một số hình thức buôn bán người mới mà rất hiếm so với trước kia như trẻ em gái chưa đủ tuổi thành niên bị bán theo nhóm vào làm việc tại các quán bar, karaoke. Điều này hầu như chưa từng nghe trước đây, nhưng trong bối cảnh nạn buôn người xuyên quốc gia ngày càng diễn biến phức tạp, thì đối tượng buôn người ngày càng có nhiều mánh khóe tinh vi để kiếm lời. Bằng chứng cho thấy, nạn buôn người vẫn diễn ra cho dù biên giới có đóng. Tất cả điều này chứng minh mức độ quyết tâm của những kẻ buôn người như thế nào.
Cụ thể, đường dây buôn người khét tiếng mới nổi là Việt Nam - Myanmar. Rất nhiều phụ nữ và trẻ em gái bị lừa bán sang đây đã và đang cầu cứu. Nhưng do dịch COVID-19 bùng phát nên rất khó để tiếp cận và giải cứu họ. Thậm chí, ngay cả khi họ được giải cứu an toàn tại Myanmar thì việc đưa họ hồi hương trở lại Việt Nam là khó khăn không tưởng.
Một tác động đáng tiếc của đại dịch là khi nạn nhân của nạn buôn người được giải cứu ở nước khác, khi về Việt Nam phải cách ly ngay lập tức. Tất nhiên, đây là điều cần thiết vì sự an toàn của mọi người ... nhưng đối với một phụ nữ trẻ cuối cùng thoát khỏi kiếp nô lệ và trở về quê hương của mình, sẽ rất khó khăn để tiếp tục phải xa gia đình trong 2 tuần hoặc hơn.
Sputnik: Vậy thách thức khi thực hiện công tác phòng chống buôn bán người và nô lệ hiện đại là gì?
Michael Brosowski: Một mặt, khi nói về buôn người và nô lệ, chúng ta đang nói về một tội hình sự. Đó là vấn đề của cảnh sát, liên quan đến điều tra, bắt giữ và truy tố. Nhưng đồng thời, đó là một vấn đề nhân đạo. Điều này liên quan đến việc người bị lừa, lợi dụng và làm hại. Việc này đòi hỏi cách tiếp cận nhân văn bao gồm: chăm sóc, thấu hiểu, tư vấn tâm lý và hỗ trợ y tế.
Nói cách khác, để chống lại nạn buôn người một cách hiệu quả, chúng ta cần một cách tiếp cận đa ngành. Các bộ ngành khác nhau của chính phủ cần hợp tác và kêu gọi sự tham gia của xã hội và các tổ chức phi chính phủ vào việc ứng phó. Vấn đề này phức tạp hơn nhiều so với việc coi đây "chỉ” một tội phạm, hoặc “chỉ” là một vấn đề xã hội. Sự nỗ lực đòi hỏi sự tham gia ở tất cả các cấp, từ trong nước và quốc tế.
Ở Việt Nam, tôi thấy có nhiều người tốt ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Tất cả đều muốn làm điều gì đó để chấm dứt nạn buôn người và nô lệ. Nhưng tài trợ luôn là một vấn đề - đôi khi có sẵn, đôi khi không. Đương nhiên, vẫn có các vấn đề cần được ưu tiên khác và điều đó có thể tạo "rào cản” cho nỗ lực bền vững nhằm chấm dứt nạn buôn người.
Tôi cũng sẽ đề cập đến thách thức đối phó với nạn buôn người và nô lệ như một vấn đề toàn cầu, khi mỗi quốc gia có cách giải thích riêng về khái niệm buôn người và nô lệ là gì, đối phó với chúng theo cách khác nhau. Ngay cả trong các quốc gia, các cơ quan và tổ chức khác nhau có thể sử dụng các định nghĩa khác nhau. Điều này làm cho việc hợp tác quốc tế trở nên đặc biệt khó khăn, mặc dù hợp tác là cấp thiết.
Sputnik: Trong 20 năm đấu tranh chống buôn bán người và nô lệ hiện đại, Blue Dragon đã gặt hái được những kết quả gì? Giải pháp nào có hiệu quả nhất trong việc giúp nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng?
Michael Brosowski: Tôi tự hào nói rằng, Blue Dragon đã giúp gần 2000 phụ nữ, đàn ông, trẻ em gái và trẻ em trai - thoát khỏi nạn buôn người hoặc chữa lành chấn thương tâm lý. Nhiều người trong số những người sống sót này tiếp tục có cuộc sống hạnh phúc và viên mãn: trở lại trường học hoặc đại học; đi làm và khởi nghiệp; và có gia đình của riêng họ. Có thể mất nhiều năm và không phải ai cũng có thể phục hồi sau trải nghiệm của mình, nhưng nhiều người thì có. Họ chỉ cần một bàn tay giúp đỡ trên đường đi. Chúng tôi cũng đã đại diện cho gần 150 nạn nhân trong 87 phiên tòa, bao gồm 15 trường hợp tới thời điểm hiện tại trong năm nay.
Ở quy mô lớn hơn, Blue Dragon đã có tác động đến sự thay đổi mang tính hệ thống mà chúng tôi tin rằng sẽ rất quan trọng trong tiếp tục triển khai cuộc chiến chống buôn người và nô lệ của Việt Nam. Chúng tôi đã làm việc với Chính phủ Việt Nam để cải thiện luật pháp và chính sách tác động trực tiếp đến khả năng chống buôn người và hỗ trợ những người sống sót. Đồng thời, chúng tôi đã và đang phát triển các mô hình can thiệp có hiệu quả cao trong việc bảo vệ con người. Chúng tôi tin rằng những can thiệp này, chẳng hạn như đào tạo cho nhân viên xã hội ở các vùng nông thôn và thực hiện "Hệ thống Cảnh báo Sớm" trong trường học và cộng đồng là những công cụ có chi phí thấp nhưng hiệu quả cao, có thể được sử dụng ở bất cứ đâu.
Cụ thể, tái hòa nhập là chìa khóa thành công lâu dài. Blue Dragon nhận thấy rằng chúng ta có thể làm rất nhiều điều với những nạn nhân buôn người để giúp họ sẵn sàng, đặc biệt là thông qua tư vấn tâm lý. Tiếp đó là công tác xã hội và hỗ trợ vật chất để giúp họ quay lại trường học hoặc có việc làm. Nhưng nếu chúng tôi có cơ hội làm việc với chính quyền địa phương, nơi nạn nhân cư trú, và giúp họ biết cách hỗ trợ nạn nhân, thì kết quả sẽ tốt hơn nhiều. Và ở cấp trung ương, điều thực sự quan trọng là phải đảm bảo rằng các quỹ quốc gia được phân bổ đến các khu vực địa phương nhằm hỗ trợ những người sống sót sau nạn buôn người, đồng thời đảm bảo các luật về quyền riêng tư và bảo vệ nạn nhân một cách rõ ràng.
Sputnik: Xin Ông cho biết dự án trong tương lai của tổ chức trong việc chấm dứt nạn buôn bán người và nô lệ hiện đại.
Michael Brosowski: Hiện tại, Blue Dragon đang làm việc tại một số tỉnh để phát triển các biện pháp can thiệp và hỗ trợ các nỗ lực của địa phương trong việc chống buôn người. Chúng tôi có các chương trình chống buôn người ở các tỉnh Huế, Điện Biên và Hà Giang. Tại mỗi tỉnh, chúng tôi thấy rằng, bằng cách hợp tác với cộng đồng, trường học và các cơ quan chính phủ, chúng tôi có thể giảm thiểu tỷ lệ buôn người và giữ mọi người an toàn.
Chúng tôi muốn nhân rộng biện pháp này đến địa phương và các tỉnh khác. Bởi vì chúng tôi biết được các biện pháp này tác động như thế nào và có thể giúp đỡ nhiều người hơn. Nhìn chung, những biện pháp can thiệp này rất dễ nhân rộng - chẳng hạn như đào tạo cho nhân viên xã hội, hoặc thành lập các nhóm học sinh trong các trường học để giáo dục bạn bè của các em về nạn buôn người.
Việt Nam đang chuẩn bị xem xét lại Luật quốc gia về phòng chống buôn bán người. Chúng tôi sẵn sàng đóng góp vào việc rà soát đó. Đây là cơ hội quý giá và quan trọng để củng cố hệ thống và cơ chế hỗ trợ của đất nước.