Chiều 1/8, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết Việt Nam ghi nhận thêm 4.246 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 21 ca nhập cảnh và 4.225 ca được phát hiện trong nước.
Như vậy, trong ngày 1/8, cả nước có 8.620 ca mắc Covid-19 mới, gồm 23 trường hợp nhập cảnh và 8.597 bệnh nhân được ghi nhận trong nước tại TP.HCM (4.052), Bình Dương (2.179), Long An (569), Đồng Nai (425), Khánh Hoà (298), Bà Rịa – Vũng Tàu (184), Tây Ninh (102), Cần Thơ (100), Đồng Tháp (86), Bến Tre (82), Hà Nội (81), Sóc Trăng (53), Vĩnh Long (50), Phú Yên (49), Hậu Giang (41), Bình Thuận (32), Trà Vinh (31), Kiên Giang (24), An Giang (21), Bình Phước (20), Bình Định (16), Đắk Lắk (15), Thừa Thiên – Huế (14), Quảng Nam (11), Thanh Hóa (8 ), Hải Dương (7), Kon Tum (7), Gia Lai (6), Quảng Ngãi (5), Lâm Đồng (4), Hà Giang (4), Quảng Bình (4), Quảng Trị (3), Ninh Thuận (3), Hà Tĩnh (3), Nghệ An (3), Đắk Nông (2), Hưng Yên (1), Thái Nguyên (1) và Bạc Liêu (1).
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương gửi lời kêu gọi đội ngũ bác sĩ, y tá, chuyên gia, nhân viên y tế, thầy thuốc đã nghỉ hưu trên địa bàn tỉnh đăng ký tình nguyện tham gia vào các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, chung tay góp sức, chia sẻ một phần gánh nặng cùng với ngành Y tế.
Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương, tỉnh đã và đang nỗ lực cùng lực lượng chi viện, hỗ trợ của Bộ Y tế và các địa phương trong cả nước tích cực thực hiện các hoạt động kiểm soát, khống chế dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, sự phát tán nhanh của dịch bệnh với biến thể Delta khiến công tác phòng, chống dịch gặp khó khăn, công tác điều trị quá tải.
Tỉnh Bình Dương dự báo, trong thời gian tới, số lượng bệnh nhân Covid-19 có thể sẽ tăng rất nhanh. Hiện dịch bệnh đã lan vào các khu nhà trọ, công ty có số lượng công nhân đông nên khó kiểm soát.
Thủ tướng chỉ đạo triển khai phương án chi viện nhân lực y tế phòng, chống dịch Covid-19
Ngày 1/8, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Công văn số 5258/VPCP - KGVX về nhân lực y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 đến Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo đó, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải tăng cường kịp thời nhân lực chống dịch, đặc biệt là bác sĩ, điều dưỡng viên điều trị, hồi sức cấp cứu cho các địa phương có số ca nhiễm Covid-19 rất cao như TP.HCM và một số tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang…, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế chủ động, khẩn trương hơn nữa trong việc chỉ đạo tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực điều trị, hồi sức cấp cứu trên phạm vi cả nước; căn cứ yêu cầu và khả năng đáp ứng chung trên bình diện toàn quốc, triển khai ngay phương án điều động, chi viện kịp thời các địa phương đang có nhiều ca lây nhiễm, bệnh nặng.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan y tế địa phương nâng cao năng lực, tham gia lực lượng chi viện theo sự điều động của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Cùng ngày, Văn phòng Chính phủ ban hành Văn bản số 5256/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về việc phân bổ, tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19.
Văn bản nêu rõ, để tổ chức tiêm vắc-xin đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất đối với một số khu vực phía Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chỉ đạo UBND TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An chủ động phối hợp với Bộ Y tế để điều chỉnh quy trình tiêm vắc-xin phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tiễn dịch bệnh trên địa bàn; xây dựng kế hoạch tiêm và thông báo cho Bộ Y tế nhu cầu vắc-xin theo kế hoạch tiêm.
Các địa phương cần xây dựng phương án tổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh, đi lại của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân sau khi người dân được tiêm vắc-xin. Bộ Y tế sẽ phân bổ vắc-xin đảm bảo tiến độ tiêm theo đề nghị của UBND TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An.