Duy trì nhất quán chủ trương
Nhìn lại nửa năm vừa qua, ASEAN đứng trước những khó khăn rất lớn, lớn hơn rất nhiều so với năm 2020 khi dịch bệnh Covid-19 lây lan hết sức phức tạp. Không chỉ vì Covid mà còn là tình hình khu vực đặt ra nhiều thách thức như tình hình tại Myanmar hay sự cạnh tranh giữa các nước lớn, có lợi ích trong khu vực này trở nên phức tạp hơn, căng thẳng hơn. Tuy nhiên, cũng có thể nhìn thấy có những điểm sáng của ASEAN trong sáu tháng đầu năm. Chia sẻ với Sputnik về diễn biến đáng khích lệ của ASEAN thời gian qua, Ông Vũ Hồ, Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết:
“Hợp tác giữa các nước ASEAN vẫn tiếp tục được đẩy mạnh, xây dựng Cộng đồng ASEAN được thúc đẩy. Trong đó có việc ASEAN chung tay cùng nhau tham gia hỗ trợ cho Myanmar vượt qua khó khăn, phức tạp hiện nay trong tình hình chính trị nội bộ, hay là những hoạt động giữa ASEAN và những đối tác như các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN có các cuộc họp với những đối tác lớn của ASEAN như Mỹ, Trung Quốc, Nga".
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Trung Quốc theo hình thức trực tuyến.
© Ảnh : Phạm Kiên – TTXVN
Đối với Việt Nam, các nguyên tắc, chủ trương chung của Việt Nam khi tham gia ASEAN vẫn được duy trì nhất quán. Cùng với sự thay đổi trong ban lãnh đạo mới sau thành công của Đại hội 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam, hoạt động của Việt Nam trong ASEAN tiếp tục khởi sắc.
“Ngay từ đầu năm Việt Nam đã tích cực tham gia vào tất cả các tiến trình của ASEAN. Như các bạn theo dõi cũng thấy Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đích thân bay sang Jakarta, Indonesia để dự Hội nghị của các nhà lãnh đạo ASEAN vừa bàn về công tác chống dịch, vừa bàn về xây dựng cộng đồng, vừa là động thái hỗ trợ các nước láng giềng xung quanh đang gặp khó khăn vượt qua thử thách hiện nay. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng với các quốc gia ASEAN tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao đặc biệt ASEAN-Trung Quốc ở Trùng Khánh hồi đầu tháng 7 vừa qua. Đó là nét nổi bật nhất trong hoạt động đối ngoại của Việt Nam cũng như trong ASEAN” - Vụ trưởng Vũ Hồ nhấn mạnh với Sputnik.
Có thể đánh giá rằng hoạt động của Việt Nam trong ASEAN sáu tháng đầu năm qua dù không còn là Chủ tịch ASEAN nữa nhưng vẫn tiếp tục được thúc đẩy một cách đầy đủ trên tất cả các mặt hợp tác của ASEAN từ lĩnh vực chính trị, an ninh tới hợp tác kinh tế hay trong văn hóa xã hội.
Đẩy mạnh hợp tác 3 trụ cột
Là thành viên ASEAN chủ động, thích ứng với hoàn cảnh, năm 2020 Việt Nam đã thúc đẩy một loạt các sáng kiến về phòng chống Covid-19. Ví dụ như việc lập ra quỹ phòng chống Covid của ASEAN, hay kho dự trữ vật tư y tế cho các nước đang gặp khó khăn trong phòng chống dịch bệnh đã được hoàn tất và hoàn thiện. Những sáng kiến này của Việt Nam đã trở thành tài sản chung và đi vào lịch sử của ASEAN.
“Chúng ta còn có thể thấy tinh thần lạc có ý nghĩa quan rất quan trọng trong việc vượt qua đại dịch hiện nay. Trong hợp tác của ASEAN thì tinh thần lạc quan thể hiện rõ, qua việc các nước ASEAN bắt đầu manh nha hoặc đang bàn đến từng bước một để phục hồi hiệu quả. ASEAN cũng vừa thông qua sáng kiến hợp tác phục hồi của ASEAN sau đại dịch. Chúng tôi hy vọng sẽ được sự hỗ trợ, ủng hộ của không chỉ của các nước thành viên mà cả các đối tác bên ngoài” - Vụ trưởng Vũ Hồ nêu bật với Sputnik về ý nghĩa quan trọng của sự lạc quan, hợp tác trong đại dịch.
Theo ông Vũ Hồ, Chủ tịch hiện nay của ASEAN là Brunei cũng thúc đẩy tích cực vấn đề này ví dụ như quỹ của ASEAN về phòng chống Covid-19 đã được các nước cam kết đóng góp thực tế khoảng 20 triệu USD. Điều này thể hiện các quốc gia chia sẻ niềm tin cũng như kinh nghiệm trong phòng chống dịch Covid 19.
Trong hợp tác kinh tế của ASEAN, có thể thấy nét nổi bật nhất là việc ký kết thành công Hiệp định RCEP vào tháng 11/2020. Hiệp định này có rất nhiều ý nghĩa, nhưng điều quan trọng nhất hiện nay là việc phê chuẩn đưa hiệp định RCEP vào hiệu lực và có thể được thực hiện trong thời gian sớm nhất. Đây cũng là mong mỏi của ASEAN. Nhận xét về hợp tác kinh tế trong ASEAN cũng như các sáng kiến của Việt Nam trên lĩnh vực này, Vụ trưởng Vụ ASEAN Vũ Hồ cho biết:
“Hợp tác ASEAN nói chung không chỉ là mối liên kết giữa các trụ cột, mà còn là thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN. Thúc đẩy hợp tác tiểu vùng ASEAN là một trong các sáng kiến của Việt Nam trong năm 2020 theo hướng gắn kết hợp tác tiểu vùng với các mục tiêu phát triển chung của ASEAN. Hợp tác tiểu vùng bao gồm rất nhiều các tiểu vùng khác nhau trong ASEAN, trong đó có tiểu vùng Mê Công. Các tiểu vùng thường là những khu vực có tiềm năng lớn nhưng lại không nằm trong bộ máy hợp tác của ASEAN, bởi vậy, thêm phát triển tiểu vùng cũng là thêm sức mạnh cho ASEAN. Ngoài ra, đời sống kinh tế - xã hội ở các tiểu vùng cũng là một vấn đề lớn cho các quốc gia ASEAN. Đời sống của người dân cần được quan tâm đúng với tinh thần “không bỏ ai lại phía sau” của ASEAN” - Ông Vũ Hồ chia sẻ với Sputnik.
Trụ cột thứ ba chính là văn hoá - xã hội, tình trạng “ngăn sông cấm chợ”, tình trạng giãn cách diễn ra khắp nơi trong cả khu vực này chứ không chỉ riêng nước này hay nước khác. Để vượt qua việc này không có cách gì khác là sự tiếp xúc giữa con người với con người, cố gắng tìm những cách thức mới để con người tiếp xúc với con người chứ không để dịch bệnh ngăn cản hay cắt đứt mối liên hệ giữa các nước. Như chúng ta cũng đã thấy dù các hoạt động diễn ra trực tuyến nhưng vẫn rất đầy đủ và bao trùm trong trụ cột văn hóa xã hội của ASEAN.
Đối ngoại - Cầu nối ASEAN với thế giới
Quan hệ đối ngoại của ASEAN đã tồn tại và phát triển trong suốt những năm qua, nhiều quan hệ với đối tác bên ngoài của ASEAN đã được triển khai từ đầu những năm 70 của thế kỷ trước. Những mối quan hệ này cũng dần dần mở rộng ra trong suốt thời gian vừa qua và nay cũng gần như đủ tất cả các nước trong Hội đồng Bảo an LHQ như Nga, Mỹ, Trung Quốc và tới đây có thể là Anh. Vụ trưởng Vụ ASEAN Vũ Hồ cũng chia sẻ với Sputnik những nỗ lực mà Việt Nam cần thực hiện để thúc đẩy quan hệ đối ngoại ASEAN với các đối tác bên ngoài.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trong buổi “Cái bắt tay của ASEAN” tại Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN ở Manila, Philippines
© AP Photo / Andrew Harnik
“Quá trình mở rộng này đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, nỗ lực bên trong của ASEAN và nỗ lực bên ngoài của các nước. Với tinh thần đó chúng ta có thể thấy rằng quan hệ đối ngoại của ASEAN nhằm phục vụ mục tiêu lớn là hòa bình, ổn định và phát triển phồn vinh chứ không phải là để ngả theo bên này hay bên kia. Có thể thấy rằng quan hệ đối ngoại của ASEAN nhằm phục vụ mục tiêu chung là lợi ích của cả khu vực Đông Nam Á và rộng hơn là khu vực châu Á Thái Bình Dương” - Vụ trưởng Vụ ASEAN nhấn mạnh.
Điểm lớn thứ hai trong quan hệ đối ngoại của ASEAN đó là quan hệ giữa các nước lớn luôn phức tạp ở quy mô, nội dung, cũng như về hình thức. Vụ trưởng Vũ Hồ nhận định:
“Trong quan hệ đối ngoại của mình với các đối tác, ASEAN mong muốn làm lực lượng trung tâm và các trao đổi được diễn ra trên nguyên tắc hòa bình, hữu nghị và hợp tác. ASEAN rất cần đến ngoại lực để hỗ trợ phát triển của mình. Vậy thì ASEAN phải mở rộng vòng tay đối với đối tác bên ngoài khi đến đây với những mục tiêu, công cụ có thể hỗ trợ tiến trình xây dựng cộng đồng của ASEAN".
Hướng đi cụ thể của Việt Nam trong tương lai
Việc tham gia vào ASEAN là một quá trình và trong quá trình này thì tất nhiên là có các ưu tiên. Những ưu tiên này tùy theo từng thời điểm, thời gian và hoàn cảnh có thể thay đổi. Tuy nhiên, xuyên suốt thời gian tham gia ASEAN, Việt Nam thể hiện hướng đi của mình trên một số điểm. Vụ trưởng Vụ ASEAN Vũ Hồ nêu rõ:
“Điểm thứ nhất là duy trì và bảo đảm tinh thần đối thoại và hợp tác trong khu vực vì đó là nền tảng cho lòng tin cũng như là nền tảng cho các hoạt động phòng ngừa các sự cố, sự việc không muốn xảy ra. Quá trình đối thoại và hợp tác diễn ra trong suốt 25 năm qua từ khi Việt Nam tham gia ASEAN cho đến nay. Đó là điều chúng tôi vẫn phải tiếp tục duy trì trong sáu tháng tới trong bối cảnh khó khăn phức tạp mà chúng ta vừa điểm qua. Điểm thứ hai là việc phòng chống Covid-19 - vượt qua dịch bệnh tiếp tục là ưu tiên rất lớn trong việc tham gia ASEAN của Việt Nam trong sáu tháng cuối năm. Điểm thứ ba, chúng ta tiếp tục duy trì nguyên tắc lấy khu vực làm cơ sở, lấy đối thoại và hợp tác làm công cụ cùng nhau hướng tới hòa bình và ổn định cũng như phục hồi sau dịch bệnh”.
Trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang tác động lớn đến tiến trình hợp tác và hội nhập khu vực của các nước, các nỗ lực và sáng kiến của Việt Nam đã và đang góp phần không nhỏ vào sự phát triển, thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng cũng như hiện thực hóa các ưu tiên, sáng kiến trong năm 2021 dưới chủ đề "Cùng quan tâm, cùng chuẩn bị, cùng thịnh vượng".