Các tác giả nghiên cứu cho rằng vào năm 2030, do những thay đổi về nhân khẩu học nên các khu vực có khoảng 180 triệu người sinh sống sẽ phải đối mặt với nguy cơ lũ lụt. Theo đó, từ năm 2000 đến năm 2018 lũ lụt đã ảnh hưởng đến 255-290 triệu người. Gần 90% lũ lụt xảy ra ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á ở vùng lưu vực của những con sông lớn, trong đó có sông Indus, sông Hằng và sông Mekong.
Ở những khu vực dễ bị ngập lụt, dân số trong khoảng thời gian năm 2000-2015 đã tăng 34%, trong khi mức tăng trưởng toàn cầu là 18%. Các nhà khoa học giải thích nghịch lý này là do ở những nơi bị lũ lụt ảnh hưởng, giá đất ngày càng giảm. Vì lý do này nên người dân nhanh chóng chuyển đến sống ở những khu vực mới bị ngập lụt gần đây. Những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra lũ lụt là mưa to, bão nhiệt đới, tuyết tan và sông băng. Hiện tượng vỡ đập chỉ chiếm 2% tổng số các trận lũ lụt, nhưng chúng có xu hướng gây ra nhiều thiệt hại nhất.
Vào cuối tháng 7, lũ lụt và lở đất ở bang Maharashtra Ấn Độ đã cướp đi gần 200 sinh mạng. Hơn 30 ngôi nhà bị vùi lấp trong lòng đất. Do thời tiết xấu, khu vực này phải đối mặt với nhiều khó khăn về thông tin di động và khả năng tiếp cận phương tiện giao thông. Tại một số khu vực, mực nước đã dâng lên 3,5 mét. Vài ngày sau lại xảy ra lũ lụt ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Hơn 300 người trở thành nạn nhân của thảm họa thiên tai này. Thiệt hại kinh tế do bị lũ lụt tàn phá lên tới 18 tỷ USD.