Cứu hộ động vật hoang dã tại Việt Nam

Công an tỉnh Nghệ An nói gì về việc 8 trong số 17 con hổ đã chết sau khi thu giữ?

Đại diện Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Nghệ An xác nhận, 8/17 con hổ bất ngờ chết sau khi được cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An “giải cứu”, thu giữ từ nơi nuôi nhốt của hai hộ dân xã Đô Thành, huyện Yên Thành.
Sputnik
Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Nghệ an, 8/17 con hổ bị thu giữ từ hôm 4/8 ở xã Đô Thành “bị chết chưa rõ nguyên nhân”.

Có 8/17 con hổ ở Nghệ An đã chết mà chưa rõ nguyên nhân

Sáng 6/8, có 8/17 cá thể hổ bị thu giữ từ nhà dân ở Đô Thành, Yên Thành, Nghệ An bất ngờ chết mà không rõ nguyên nhân.
Thông tin này đã được Thượng tá Trần Phúc Thịnh, Trưởng Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Nghệ An xác nhận.
“Có 8/17 con hổ cơ quan chức năng thu giữ bị chết chưa rõ nguyên nhân. Số hổ chết này đang được cấp đông để phục vụ công tác điều tra”, Thượng tá Thịnh cho biết.
Cứu hộ động vật hoang dã tại Việt Nam
Phát hiện 17 con hổ lớn nuôi nhốt trái phép trong khu dân cư
Báo Nghệ An cũng dẫn nguồn tin này cho biết, sau khi điều tra thu giữ được 17 con hổ ở nhà dân, vụ việc được bàn giao cho Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh và Công an huyện Yên Thành thụ lý.
Trước đó, như Sputnik đã thông tin, vào rạng sáng ngày 4/8, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với các lực lượng liên quan gồm hàng chục cảnh sát tiến vào hai nhà dân ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành.
Tại đây, lực lượng công tác thu giữ được 17 cá thể hổ đang bị nuôi nhốt trái phép. Việc huy động lực lượng tham gia vụ thu giữ số lượng lớn hổ này được thực hiện sau cả quá trình điều tra, theo dõi.
Cụ thể, cơ quan công an thu giữ 14 cá thể hổ Đông Dương trưởng thành tại nhà của vợ chồng Nguyễn Văn H. (39 tuổi) và Hồ Thị T. (31 tuổi).
Lực lượng chức năng sau đó tiếp tục thu giữ 3 cá thể hổ Đông Dương tại nhà bà Nguyễn Thị Đ. (50 tuổi).
Theo cơ quan chức năng, nhằm tránh bị phát hiện, chủ các cơ sở này đã xây tầng hầm 120 m2 để nuôi nhốt hổ.
Cùng với đó, lực lượng chức năng đã bắn thuốc mê vào các cá thể hổ để kiểm tra, giám định rồi chuyển vào các lồng sắt, cẩu lên xe tải để vận chuyển đi.
Sau khi hoàn tất các thủ tục, cơ quan chức năng đã sử dụng thuốc gây mê để vận chuyển hổ đến Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm, huyện Diễn Châu để gửi chăm sóc trong thời gian tiếp tục điều tra.
Trung bình mỗi cá thể hổ thu giữ có trọng lượng từ 200-260 kg. Theo lời một cán bộ vườn quốc gia ở Nghệ An, thông thường ở địa phương, người dân mua hổ từ Lào về khi còn nhỏ, nuôi nhốt cho lớn rồi đem giết thịt, nấu lấy cao.
Do nhu cầu về cao hổ trên thị trường hiện rất lớn, giá cao hổ đắt (từ 15-20 triệu đồng/gram) nên biết là trái luật nhưng nhiều người dân vẫn liều lĩnh nuôi nhốt hổ.
Vị này còn cho biết, giá trị những con hổ mà lực lượng chức năng Nghệ An vừa phát hiện có thể lên đến hàng tỷ đồng.

Nghệ An tăng cường phòng chống buôn bán động vật hoang dã quý hiếm

Thời gian qua, trước tình trạng mua bán nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã ở Nghệ An tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, các phòng nghiệp vụ công an tỉnh và công an các huyện, thành thị đã tiến hành rà soát các điểm nghi vấn nuôi nhốt động vật hoang dã và tiếp tục mở các chuyên án đấu tranh.
Cứu hộ động vật hoang dã tại Việt Nam
Phát hiện con hổ hơn 250 kg trong nhà dân
Trước vụ việc này, hôm 1/8, thông qua nhiều biện pháp nghiệp vụ xác minh, thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan, Đội 3 Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Nghệ An cũng đã phối hợp các lực lượng liên quan bắt giữ 2 đối tượng đi xe ô tô 7 chỗ, mang BKS 37A - 032.58 đang vận chuyển 7 cá thể hổ không có thủ tục giấy tờ từ thị trấn Hương Sơn, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đi qua địa bàn Nghệ An để tiêu thụ trái phép.
Những con hổ này sau đó được lực lượng chức năng bàn giao cho Vườn Quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An nhờ chăm sóc, nuôi dưỡng.
Từ đầu năm 2021, thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm buôn bán động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, Công an Nghệ An đã phát hiện, bắt giữ 15 vụ, 22 đối tượng, xử lý hình sự 12 vụ, 19 đối tượng.
Đáng chú ý, trong số này, Phòng Cảnh sát môi trường đã điều tra, phá thành công 6 vụ, 9 đối tượng, thu giữ 24 cá thể hổ, 11 cá thể tê tê và 1 cá thể gấu ngựa, góp phần bảo tồn động vật nguy cấp, quý hiếm, phục hồi các quần thể động vật hoang dã ở Việt Nam.
Với thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về buôn bán động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm trên địa bàn tỉnh, sáng 6/8, Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam tổ chức khen thưởng cho các tập thể, cá nhân của Công an Nghệ An.

Nuôi nhốt hổ trái phép sẽ bị xử phạt như thế nào?

Cần nhắc lại rằng, theo thống kê của Sách Đỏ IUCN năm 2015, số lượng hổ ngoài tự nhiên của Việt Nam chỉ còn dưới 5 cá thể.
Thậm chí, thông tin của Sách Đỏ còn cho thấy “hổ có thể đã tuyệt chủng tại Việt Nam”.
Theo Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên toàn cầu (WWF), nạn săn trộm hổ để buôn bán và tiêu thụ bất hợp pháp là lý do hàng đầu dẫn đến tình trạng suy giảm quần thể hổ hoang dã và là mối đe dọa lớn nhất đối với loài hổ ở Việt Nam và Đông Nam Á.
Con hổ suýt xé xác nhà huấn luyện thú nghiệp dư
Mới đây, nhân ngày Ngày quốc tế về bảo tồn hổ hay còn gọi là Ngày quốc tế Hổ là ngày 29 tháng 7 hàng năm, Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng Sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cùng đại diện của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên toàn cầu (WWF) đánh giá về các phương pháp bảo tồn quần thể hổ và khôi phục loài hổ ở Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.
Trong đó đặc biệt là tìm cách bảo vệ và khôi phục các sinh cảnh và hệ thú mồi của hổ, chấm dứt việc nuôi nhốt hổ trái phép và giảm nhu cầu tiêu tiêu thụ các sản phẩm từ hổ.
Trước việc cơ quan chức năng Nghệ An và tại một số địa phương trên cả nước đã triệt phá, giải cứu được số lượng nhất định cá thể hổ từ các “trại nuôi nhốt hổ” trái phép nằm rải rác trong nhà dân, trao đổi với PLO, TS Phan Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Luật hình sự, Trường Đại học Luật TP.HCM nhận định, bước đầu có thể xác định hành vi nuôi nhốt hổ trái phép này có dấu hiệu của tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm theo Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 – BLHS).
TS. Phan Anh Tuấn người nào vi phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB hoặc phụ lục I công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc một trong các trường hợp… thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.
Theo chuyên gia, căn cứ vào danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, ban hành kèm theo Nghị định 06/2019 (quy định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp) thì hổ thuộc nhóm IB (lớp thú, bộ thú ăn thịt).
“Do đó, hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép hổ là phạm pháp. Tùy thuộc vào số lượng cá thể hổ nuôi nhốt bất hợp pháp mà người phạm tội sẽ bị xử lý theo các khoản tương ứng của điều luật”, TS. Phan Anh Tuấn nhấn mạnh.
Theo đó, nếu số lượng hổ bị nuôi nhốt trái phép trên 12 con sẽ rơi vào khoản 3 Điều 244 BLHS với mức phạt 10-15 năm tù.
Trong trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị phạt tiền đến 15 tỷ đồng (nếu phạm vào khoản 3 Điều 244 BLHS), bị đình chỉ hoạt động có thời hạn, thậm chí bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Ông Tuấn cũng lưu ý thêm, có một tội cũng “gần tương tự” Điều 244 Bộ Luật Hình sự là tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, Điều 234 Bộ Luật Hình sự.
Chuyên gia giải thích, điểm khác biệt là Điều 234 Bộ Luật Hình sự quy định đối với động vật thuộc nhóm IIB (thuộc chương các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế), còn Điều 244 Bộ Luật Hình sự quy định đối với động vật thuộc nhóm IB (thuộc chương các tội phạm về môi trường).
Trong khi đó, tội danh theo Điều 244 Bộ Luật Hình sự có khung hình phạt nặng hơn (tối đa là 15 năm tù) so với Điều 234 BL Bộ Luật Hình sự (tối đa là 12 năm tù).
Thời gian qua, cơ quan chức năng ở Việt Nam đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức nhằm ngăn chặn việc sử dụng các sản phẩm từ hổ, con mồi của hổ và động vật hoang dã trái phép. Giới chuyên gia cũng nhận định, sẽ là không quá muộn nếu Việt Nam và các nước chung tay tăng cường nguồn lực, hợp tác, quản lý phục hồi quần thể hổ trong thời gian càng sớm càng tốt.
Thảo luận