Theo đó, Đức tăng cường hợp tác về năng lượng tái tạo với Việt Nam. Với thỏa thuận đã ký kết, GICON và VPI sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác phù hợp với các tiềm năng, điều kiện của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió.
Đức tăng cường hợp tác về năng lượng với Việt Nam
Đức là một trong số các quốc gia dẫn đầu thế giới về sản lượng năng lượng tái tạo. Năm 2020, năng lượng tái tạo của Đức chiếm đến một nửa tổng sản lượng điện của CHLB Đức.
Các báo cáo cho thấy, trong năm 2020, sản lượng điện từ nguồn năng lượng tái tạo chiếm 46,2% tổng sản lượng điện toàn nước Đức, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2020, cũng là năm đầu tiên quốc gia Tây Âu này sản xuất nhiều điện từ năng lượng mặt trời (51 TWh) hơn từ than đá (42,5 TWh).
Với những thành công này, Đức là đối tác rất tiềm năng và uy tín giúp Việt Nam phát triển năng lượng tái tạo.
Ngày 4/8, tại thành phố Dresden của Đức, Đại sứ Việt Nam tại Đức Nguyễn Minh Vũ đã làm việc với Tập đoàn tư vấn và giải pháp công nghệ GICON để thúc đẩy hơn nữa hợp tác phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Tham dự buổi làm việc, về phía Đại sứ quán Việt Nam tại Đức có đại diện các lĩnh vực thương mại, đầu tư, quốc phòng.
Trong khi đó, về phía GICON có giáo sư, tiến sỹ Jochen Grossmann - Chủ tịch GICON và một số lãnh đạo khác của GICON; về phía Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) - đơn vị hợp tác trực tiếp với GICON - có Tiến sĩ Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc VPI, theo TTXVN.
Ngoài ra, tham dự buổi làm việc còn có lãnh đạo Diễn đàn đổi mới sáng tạo và Kinh tế Đức-Việt (DVIW), cầu nối cho sự hợp tác giữa VPI và GICON.
Chương trình làm việc này cũng là một bước cụ thể hóa những nội dung của Biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác mà GICON và Viện Dầu khí Việt Nam đã ký kết vào ngày 29/3 vừa qua.
Tại buổi làm việc, Đại sứ Nguyễn Minh Vũ đã nêu bật những ưu tiên của Chính phủ Việt Nam đối với năng lượng sạch và các mục tiêu phát triển bền vững.
Theo đó, Việt Nam dành ưu tiên cao cho các nỗ lực phát triển ngành năng lượng theo hướng bền vững với mục tiêu giữ vững an ninh năng lượng quốc gia và giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời ủng hộ sự hợp tác chặt chẽ giữa GICON và đối tác Việt Nam VPI.
Đại sứ Nguyễn Minh Vũ cho biết trong 6 tháng đầu năm 2021, năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng khoảng 11,4% tổng sản lượng sản lượng điện quốc gia của Việt Nam và tiếp tục xu hướng ngày càng tăng lên.
“Việt Nam đã phát triển thành công nhiều dự án năng lượng Mặt Trời với tổng công suất hiện tại của các nhà máy đạt xấp xỉ 6.000MW, chủ yếu tập trung ở các tỉnh Nam Trung Bộ”, Đại sứ Vũ nhấn mạnh.
Về điện gió, hiện có 9 trang trại điện gió đang vận hành tại Việt Nam với tổng công suất 304,6MW, trong đó lớn nhất là trang trại điện gió Bạc Liêu với công suất gần 100MW.
Ông Vũ bày tỏ hy vọng rằng với thỏa thuận đã ký kết, GICON và VPI sẽ tiếp tục tăng cường trao đổi thông tin, đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực này phù hợp với các tiềm năng, điều kiện của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió.
Trong đó, Đại sứ nhấn mạnh trọng tâm là sản xuất điện gió ngoài khơi, qua đó đóng góp vào việc cải thiện môi trường, chống biến đổi khí hậu cũng như tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Đức và Việt Nam.
Việt Nam rất giàu tiềm năng năng lượng tái tạo
Cần nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh thế giới đứng trước giai đoạn chuyển dịch năng lượng, Việt Nam đang có nhiều tiềm năng để trở thành cường quốc năng lượng tái tạo với điện mặt trời, điện gió và điện sinh khối.
Chủ tịch Tập đoàn GICON, giáo sư, tiến sĩ Jochen Großmann cho biết với lợi thế đường biển dài hơn 3.200km và tốc độ gió trung bình ở Biển Đông Việt Nam hằng năm lớn hơn 6m/s ở độ cao 65m, phát triển năng lượng gió ở Việt Nam có tiềm năng và triển vọng rất lớn.
Với kinh nghiệm nhiều năm phát triển lĩnh vực này, GICON tin tưởng có thể hợp tác, hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo thân thiện với môi trường.
Theo giáo sư, tiến sỹ Jochen Großmann, VPI là đối tác quan trọng của GICON tại Việt Nam. Từ sau khi ký Biên bản ghi nhớ, GICON và VPI đã tích cực hợp tác nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, thảo luận về các dự án hợp tác cụ thể tại Việt Nam.
Thời gian tới, GICON mong muốn có nhiều đóng góp hơn nữa giúp Việt Nam phát triển lĩnh vực này, nâng cao tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng sản lượng điện quốc gia của Việt Nam, góp phần cải thiện môi trường, chống biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Anh Đức - Viện trưởng VPI cho biết VPI và GICON có quan hệ hợp tác tốt, hai bên đang tích cực cùng nhau nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
GICON có thế mạnh về công nghệ, kỹ thuật và nhiều năm kinh nghiệm trong phát triển năng lượng tái tạo, là đối tác quan trọng của VPI.
“Thời gian tới, VPI sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với GICON để thúc đẩy triển khai các dự án hợp tác theo tinh thần Biên bản ghi nhớ mà hai bên đã ký kết”, TS. Nguyễn Anh Đức khẳng định.
Tập đoàn GICON gồm 11 công ty thành viên, có trụ sở chính tại thành phố Dresden, chuyên cung cấp các dịch vụ, tư vấn giải pháp, đánh giá và phát triển dự án, nghiên cứu các công nghệ hiện đại trong các lĩnh vực như công nghệ môi trường và hệ sinh thái, năng lượng, hóa học...
GICON hiện sở hữu nhiều bằng phát minh, sáng chế trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường.
GICON mong muốn cùng đối tác VPI nghiên cứu, triển khai áp dụng các công nghệ này để phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Đức là một trong số nước tài trợ lớn nhất cho Việt Nam về năng lượng tái tạo
Từ hơn 10 năm nay, hợp tác về năng lượng nói chung và năng lượng mới, năng lượng tái tạo nói riêng tiếp tục là một trong những lĩnh vực ưu tiên trong quan hệ giữa Việt Nam và Đức.
Đặc biệt, Đức hiện là một trong số nước tài trợ lớn nhất cho Việt Nam trong lĩnh vực này.
Hiện có nhiều doanh nghiệp Đức tham gia hợp tác, đầu tư vào quá trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam, đặc biệt là năng lượng mặt trời, năng lượng gió, sinh khối và phát triển lưới điện thông minh.
Trước đó, thông tin được đưa ra tại buổi triển lãm năng lượng tái tạo do Đại sứ quán Đức kết hợp cùng GIZ (Tổ chức hợp tác quốc tế Đức) hồi tháng 4 năm nay, ông Weert Börner, Phó Đại sứ, Trưởng phòng kinh tế Đại sứ quán Đức tại Việt Nam khẳng định, với mức đầu tư 7,4 tỷ USD vào điện gió, điện mặt trời, Việt Nam có tiềm năng thành nhà sản xuất năng lượng tái tạo lớn của thế giới.
Theo số liệu năm 2020, Trung Quốc là quốc gia đầu tư vào năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới, với mức 83,6 tỷ USD. Theo sau đó là Hoa Kỳ ở mức 49,3 tỷ USD. Con số này ở Pháp và Đức lần lượt là 7,3 tỷ USD và 7,1 tỷ USD.
“Như vậy, Việt Nam đã xếp trên thứ hạng hai quốc gia này, đứng thứ 8 về đầu tư vào năng lượng tái tạo trên toàn cầu”, nhà ngoại giao Đức nhấn mạnh.
“Việt Nam đang có nhiều tiềm năng để trở thành cường quốc năng lượng tái tạo với điện mặt trời, điện gió và điện sinh khối, trong bối cảnh thế giới đứng trước giai đoạn chuyển dịch năng lượng bởi những thách thức của biến đổi khí hậu”, Đại sứ Guido Hildner, Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam từng nhận định.