Số dân thường thương vong tại Afghanistan tăng cao
Ngày 6/8, HĐBA LHQ đã họp khẩn về tình hình bạo lực gia tăng tại Afghanistan. Phiên họp có sự tham dự của bà Deborah Lyons, Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ kiêm người đứng đầu Phái bộ Hỗ trợ LHQ tại Afghanistan (UNAMA) và bà Shaharzad Akbar, Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền độc lập Afghanistan.
Tại buổi họp, các báo cáo viên đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình Afghanistan, đặc biệt là tình trạng gia tăng bạo lực và thương vong của dân thường trong những tháng qua và sự bế tắc của tiến trình đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban*.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, số dân thường thiệt mạng tại Afghanistan đã tăng 47% so với cùng kỳ năm trước. Số thương vong của dân thường trong tháng 5-6/2021 cao hơn 4 tháng đầu năm 2021, với 703 người thiệt mạng và 1.609 người bị thương.
UNAMA cảnh báo, nếu các chiến dịch của Taliban* trên khắp quốc gia Nam Á này không chấm dứt, Afghanistan có thể sẽ phải chứng kiến số dân thường thiệt mạng ở mức cao nhất trong hơn một thập niên qua. Afghanistan cũng đối mặt với tình trạng khủng hoảng nhân đạo trầm trọng, với hơn 18,4 triệu người (hơn 1/3 dân số) cần hỗ trợ nhân đạo.
Bà Deborah Lyons cho hay: “UNAMA đang nỗ lực thúc đẩy tiến trình đàm phán hòa bình và hỗ trợ xử lý các thách thức về nhân đạo ở Afghanistan”.
Người đứng đầu UNAMA kêu gọi HĐBA và cộng đồng quốc tế tiếp tục thúc đẩy các bên liên quan ở Afghanistan nhanh chóng ngừng bắn và đạt tiến triển thực chất trong đàm phán nhằm hướng tới một giải pháp chính trị toàn diện cho xung đột. Bên cạnh đó, bà Shaharzad Akbar nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ các thành quả đã đạt được tại Afghanistan trong gần 20 năm qua và kêu gọi tăng cường các nỗ lực bảo vệ dân thường ở Afghanistan, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em và người dân tộc thiểu số.
Được biết, các nước thành viên HĐBA đều chia sẻ quan ngại về tình hình an ninh, nhân đạo ở Afghanistan thời gian qua, lên án các cuộc tấn công nhằm vào dân thường, nhân viên LHQ và kêu gọi các bên liên quan ở Afghanistan chấm dứt bạo lực, cũng như sớm đạt kết quả thực chất trong đàm phán. Trong khi đó, một số nước bày tỏ quan ngại về tác động của việc các lực lượng quân đội nước ngoài rút khỏi Afghanistan đối với tình hình an ninh nước này và khu vực.
Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Afghanistan tại LHQ khẳng định, Chính phủ nước này sẽ nỗ lực thúc đẩy tiến trình đàm phán hòa bình, kêu gọi HĐBA và cộng đồng quốc tế tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ Chính phủ và người dân Afghanistan trong tiến trình hòa bình và tái thiết đất nước.
Việt Nam kêu gọi các bên nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình tại Afghanistan
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ cho rằng không thể giải quyết vấn đề bằng giải pháp quân sự, chỉ có giải pháp chính trị toàn diện mới đem lại hòa bình và ổn định lâu dài ở Afghanistan.
Ông Đặng Đình Quý kêu gọi các bên liên quan sớm đạt thỏa thuận ngừng bắn để tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình đàm phán hòa bình, đồng thời khẳng định ủng hộ các nỗ lực của LHQ, UNAMA, các nước, tổ chức khu vực và các đối tác quốc tế khác trong hỗ trợ tiến trình đàm phán hòa bình tại Afghanistan.
Đại sứ cũng lên án các vụ tấn công nhằm vào dân thường, nhân viên LHQ và cơ sở hạ tầng dân sự, đặc biệt là cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của người dân; kêu gọi các bên liên quan chấm dứt các vụ tấn công nêu trên, tuân thủ đầy đủ luật nhân đạo quốc tế.
Theo Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, cần tăng cường xử lý các thách thức về kinh tế, nhân đạo ở Afghanistan, đặc biệt là tình trạng mất an ninh lương thực và đại dịch Covid-19. Cùng với đó, tăng cường hơn nữa sự tham gia của phụ nữ và thanh niên trong tiến trình hòa bình ở Afghanistan.
* Tổ chức khủng bố bị cấm ở LB Nga