Nhiều ngày qua có rất nhiều thông tin tiêu cực trên mạng xã hội về tình hình COVID-19 tại Việt Nam, Sputnik đã có cuộc phỏng vấn với chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu, Trung tâm Giám sát và An toàn không gian mạng Quốc gia (NCSC) về vấn đề này.
Ngô Minh Hiếu, Chuyên gia an ninh mạng, Trung tâm Giám sát An toàn Không gian mạng quốc gia (NCSC)
© Ảnh : Ngô Minh Hiếu
Sputnik: Cảm ơn ông nhận lời phỏng vấn của Sputnik. Trong thời gian gần đây xuất hiện rất nhiều “anh hùng bàn phím”, thậm chí cả các thế lực phản động tung tin giả, sai sự thật về tình hình chống dịch tại Việt Nam. Xin ông bình luận về vấn đề này?
Chuyên gia Ngô Minh Hiếu: Thời điểm nhạy cảm đại dịch Covid, kẻ xấu luôn tìm đủ mọi cách đưa ra những tin giả, những cách lừa đảo mới nhằm mục đích trục lợi cho bản thân, gây mất trật tự xã hội và hoang mang dư luận. Mục đích cuối vẫn là để câu likes, câu views cho kênh Youtube, Facebook...Có nhiều trường hợp đánh vào lòng tham để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hoặc đánh cắp thông tin danh tính.
Sputnik: Theo ông thế nào là "tự do ngôn luận”, nhất là trong tình hình hiện tại?
Chuyên gia Ngô Minh Hiếu: Tự do ngôn luận là điều rất cần thiết trong xã hội, và tôi rất ủng hộ về quyền này nhưng không có nghĩa là tự do ngoài tầm kiểm soát như tung tin giả, nói xấu, bôi nhọ sai sự thật và thiếu nguồn dẫn chứng gây ảnh hưởng đến cộng đồng xã hội là điều không nên. Tự do ngôn luận đi kèm với tôn trọng, với bình luận của sự lạc quan và cùng tiến bộ chứ không phải là để mang thêm những nỗi lo, bi quan cho người khác. Hoàn toàn không ủng hộ trong thời điểm Covid-19.
Sputnik: Ông đánh giá những nỗ lực phòng chống tin giả của Chính phủ Việt Nam như thế nào? Ngoài Trung tâm xử lý tin giả (NCSC) thì Chính phủ nên có các biện pháp nào nữa không?
Chuyên gia Ngô Minh Hiếu: Hiện Chính phủ Việt Nam đang rất tích cực về bảo mật an toàn thông tin cho người dân, thông qua các phương tiện truyền thông như báo đài, tivi...luôn đưa ra những cảnh báo kịp thời, cần thiết và hướng dẫn về kiến thức an toàn trên mạng cho người dân. Hiện chính phủ Việt Nam có 2 trang tin cậy https://canhbao.ncsc.gov.vn/, https://tingia.gov.vn, https://khongquangcao.ais.gov.vn/ và https://thongbaorac.ais.gov.vn/. Tôi cũng có một dự án phi lợi nhuận riêng https://chongluadao.vn/ (hiện tôi là co-founder của dự án chongluadao). Bên cạnh đó còn có trang web bảo vệ trẻ em của chính phủ tại: http://tongdai111.vn/ và một dự án phi lợi nhuận của tổ chức Cyberkid tại: https://cyberkid.vn .Tôi hiện cũng là cố vấn cho tổ chức này.
Sputnik: Hầu hết tin giả đều lây lan ở Facebook hoặc Google? Theo ông các công ty này cần phải phối hợp như thế nào với Chính phủ để ngăn chặn tin giả?
Chuyên gia Ngô Minh Hiếu: Cần có một chính sách cụ thể cho chính phủ Việt Nam để ngăn chặn kịp thời những nội dung giả mạo, lừa đảo trên mạng. Nhằm mục đích gây hoang mang xôn xao dư luận hoặc lợi dụng tình hình để mà lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua nhiều hình thức như trang giả ngân hàng, các cơ quan chính phủ, hoặc quảng cáo mang tính độc hại nhằm rải mã độc, lừa lấy thông tin tài khoản v.v.
Tất cả cùng nhau chống lại tin giả về COVID-19
© Sputnik / Vitaliy Podvitskiy
Sputnik: Xin Ông cho biết hướng đi - tầm nhìn tiếp theo của cá nhân trong việc xử lý tin giả hiệu quả hơn.
Chuyên gia Ngô Minh Hiếu: Tôi tin rằng những công nghệ áp dụng như trí tuệ nhân tạo AI có thể giúp giải quyết 1 phần nào của bài toán. Đồng thời, tạo ra những cộng đồng lành mạnh trên mạng để cùng cộng đồng lan tỏa thông tin về những vụ lừa đảo, tin giả, nội dung xấu mới - nhằm giúp mọi người có thêm kiến thức nền về an toàn thông tin. Công cuộc chống tin giả, chống lừa đảo - mấu chốt quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người, làm sao cho mọi người bắt đầu có cái nhìn nghiêm túc và hiểu biết hơn về an toàn thông tin thì lúc đấy sẽ tạo ra nhiều động thái tích cực và lạc quan trong xã hội.
Spunik: Xin cảm ơn Ông! Hi vọng công tác phòng chống tin giả sẽ ngày càng được đẩy mạnh hơn nữa!